Theo đó, thực hiện Quyết định số 81/QĐ-TTg ngày 13/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành “Kế hoạch hành động chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, chuẩn bị làm việc với Đoàn Thanh tra của Ủy ban châu Âu lần thứ 4”.
Đồng thời, theo thực hiện theo thông báo số 393/TB-VPCP ngày 27/12/2022 của Văn phòng Chính phủ về Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị trực tuyến về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) và Công văn số 8947/BNN-TCTS ngày 30/12/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh Quảng Trị vừa ban hành “Kế hoạch hành động triển khai nhiệm vụ chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, chuẩn bị làm việc với Đoàn Thanh tra của Ủy ban Châu âu lần thứ 4” trên địa bàn tỉnh.
Kế hoạch nêu rõ mục đích nhằm tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả các nội dung, nhiệm vụ trong Kế hoạch hành động chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 81/QĐ- TTg ngày 13/02/2023.
Bên cạnh đó, Kế hoạch cũng nhằm xác định rõ nhiệm vụ trước mắt, thời gian tiến độ hoàn thành, cơ chế phối hợp và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, địa phương về chống khai thác IUU, khắc phục các khuyến nghị của Ủy ban Châu âu (EC) trên địa bàn tỉnh để tập trung thực hiện đạt kết quả góp phần cùng cả nước gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” của EC, hướng đến xây dựng nghề cá có trách nhiệm, phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.
Để thực hiện hiệu quả Kế hoạch trên, UBND tỉnh Quảng Trị yêu cầu nâng cao trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trong lãnh đạo chỉ đạo chống khai thác IUU; huy động hệ thống chính trị vào cuộc theo chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy và UBND tỉnh về công tác chống khai thác IUU.
Xác định đầy đủ, cụ thể các nội dung, nhiệm vụ cần triển khai thực hiện theo Quyết định số 81/QĐ-TTg ngày 13 tháng 02 năm 2023. Các nội dung, nhiệm vụ được xác định có trọng tâm, trọng điểm và đảm bảo tính khả thi.
Phân công trách nhiệm thực hiện theo đúng chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị, địa phương; bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, kịp thời trong triển khai thực hiện các nội dung, nhiệm vụ của Kế hoạch hành động.
Về mặt quan điểm của Kế hoạch này là nhằm ngăn chặn, loại bỏ khai thác IUU là trách nhiệm của mỗi quốc gia có biển để bảo vệ nguồn lợi thủy sản và hệ sinh thái biển bền vững, ổn định sinh kế bền vững của người dân, đảm bảo quốc phòng an ninh trên các vùng biển và thực hiện các cam kết, điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia hoặc là thành viên.
Ngoài ra, Kế hoạch cũng đưa ra quan điểm nhằm ngăn chặn, loại bỏ khai thác IUU để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Quyết định số 339/QĐ-TTg ngày 11 tháng 3 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
UBND tỉnh Quảng Trị cũng đưa ra các mục tiêu cụ thể như: Triển khai đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả các quy định pháp luật thủy sản; khắc phục các tồn tại, hạn chế theo khuyến nghị của Ủy ban Châu âu (EC) về chống khai thác IUU, cùng với cả nước gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” trong năm 2023.
Thống nhất nhận thức, hành động và vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong công tác chống khai thác IUU. Người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp của các Sở, Ngành, địa phương có liên quan trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm trong công tác chống khai thác IUU, coi đây là nhiệm vụ chính trị, ưu tiên, cấp bách, tập trung nguồn lực thực hiện, quyết tâm gỡ cảnh báo “Thẻ vàng”.
Quản lý khai thác và phát triển bền vững ngành thủy sản vì lợi ích của người dân, của quốc gia; nâng cao vị thế, hình ảnh, trách nhiệm quốc tế của Việt Nam trong thực hiện các cam kết, điều ước quốc tế trong bảo vệ môi trường biển, hệ sinh thái biển bền vững; góp phần đảm bảo quốc phòng an ninh, chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Nhiệm vụ và giải pháp đến tháng 5/2023
Về thông tin truyền thông: Thực hiện chiến dịch thông tin truyền thông đảm bảo minh bạch, trung thực về nỗ lực chống khai thác IUU của tỉnh Quảng Trị.
Đa dạng các hình thức tuyên truyền, tập huấn, phổ biến cho cộng đồng ngư dân và các tổ chức, cá nhân có liên quan quy định về chống khai thác IUU. 2. Về cơ chế, chính sách
Xây dựng và trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ cước phí thuê bao vệ tinh để duy trì hoạt động thiết bị VMS.
Về quản lý đội tàu và theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá: Rà soát, thống kê toàn bộ số lượng tàu cá, hoàn thành 100% việc đăng ký, đăng kiểm, đánh dấu tàu cá, cấp giấy phép khai thác thủy sản, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá (VMS) theo quy định. Cập nhật 100% dữ liệu tàu cá vào Cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (VNFishbase).
Lập danh sách các tàu cá không tham gia khai thác thủy sản và các tàu có nguy cơ cao vi phạm khai thác IUU gửi các cơ quan chức năng để theo dõi, quản lý.
Kiểm tra, kiểm soát 100% tàu cá xuất, nhập bến tại đồn/trạm biên phòng tuyến biển; kiểm tra, kiểm soát tàu cá ra vào tại cảng cá đúng theo quy định đảm bảo thiết bị VMS hoạt động liên lục 24/24 giờ từ khi tàu cá rời cảng đến khi tàu cá cập cảng; theo dõi, giám sát 24/7 100% tàu cá hoạt động trên biển qua hệ thống giám sát tàu cá.
Xây dựng quy chế phối hợp giữa các địa phương để kiểm soát 100% tàu cá của tỉnh hoạt động trên địa bàn ngoài tỉnh, tàu cá của tỉnh khác cập cảng làm xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác nhưng thực hiện chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác tại tỉnh khác.
Thành lập Kiểm ngư theo quy định của Luật Thủy sản năm 2017 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương theo thẩm quyền của tỉnh chậm nhất trong quý I/2023.
Về xác nhận, chứng nhận và truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác: Thực hiện xác nhận, chứng nhận và truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác trong nước theo hướng dẫn tại Thông tư số 21/2018/TT-BNNPTNT, số 01/2022/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), đảm bảo 100% hồ sơ các lô hàng xuất khẩu sang thị trường EU và các thị trường khác có yêu cầu truy xuất được nguồn gốc nguyễn liệu thủy sản khai thác.
Rà soát các điểm tàu cá cập bến bốc dỡ thủy sản khai thác (bến cá, cảng cá...) tổ chức giám sát và truy xuất nguồn gốc 100% sản lượng thủy sản khai thác được bốc dỡ tại địa phương.
Đảm bảo 100% tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét trở lên phải cập cảng chỉ định; thuyền trưởng phải thông báo trước 01 giờ khi cập cảng và thực hiện ghi, nộp Nhật ký khai thác thủy sản và Nhật ký thu mua, chuyển tải thủy sản theo quy định; kiểm tra, đối chiếu thông tin trong Nhật ký khai thác thủy sản và Nhật ký thu mua, chuyển tải thủy sản đảm bảo phù hợp với dữ liệu giám sát tàu cá.
Bố trí đủ nhân lực Chi cục Thủy sản, Kiểm ngư, Cảng cá và Văn phòng thanh tra, kiểm tra và kiểm soát nghề cá tại Cảng cá đảm bảo kiểm tra, kiểm soát tàu cá, thủy sản từ khai thác trong nước.
Về thực thi pháp luật, xử lý vi phạm hành chính: Không để tàu cá và ngư dân hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.
Điều tra, xử lý 100% vụ việc tàu cá tỉnh Quảng Trị bị nước ngoài bắt giữ, xử lý và xử phạt 100% các trường hợp vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài và thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng (nếu có).
Điều tra, củng cố hồ sơ, truy tố xét xử các vụ việc môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân tỉnh Quảng Trị đi khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài (nếu có) để ngăn chặn, xử lý phục vụ công tác tuyên truyền, răn đe.
Mở các đợt cao điểm tuần tra, kiểm tra, kiểm soát tàu cá hoạt động trên biển, cửa lạch và tại các cảng cá có sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng và xử phạt nghiêm 100% hành vi khai thác IUU theo quy định.
Xác minh, xử lý 100% các tàu cá không duy trì kết nối thiết bị giám sát hành trình quy định. Cập nhật 100% kết quả xử phạt hành vi khai thác IUU vào hệ thống phần mềm theo dõi, quản lý hoạt động xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản.
Thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các cảng cá chỉ định, các đơn vị cung cấp thiết bị giám sát hành trình, các doanh nghiệp và tổ chức, cá nhân có liên quan nếu có vi phạm trong quá trình thực thi nhiệm vụ chống khai thác IUU.
Về nhiệm vụ và giải pháp lâu dài
Về nhiệm vụ và kế hoạch lâu dài tỉnh Quảng Trị đưa ra các hạng mục trọng tâm như: Triển khai thực hiện các chương trình, đề án, quy hoạch và kế hoạch phát triển ngành thủy sản bền vững đã được Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.
Đầu tư thỏa đáng để bảo đảm công tác bảo tồn, phục hồi các hệ sinh thái biển, tái cơ cấu ngành thủy sản theo hướng giảm khai thác thủy sản tăng nuôi trồng thủy sản.
Thực hiện chuyển đổi nghề khai thác thủy sản, tạo sinh kế bền vững cho cộng đồng ngư dân ven biển.
Bố trí, phân bổ đủ nguồn vốn đầu tư công đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá, hệ thống thông tin quản lý nghề cá trên biển.
Thực hiện cơ chế, chính sách khoanh nợ, giãn nợ vay cho chủ tàu cả khai thác thủy sản hợp pháp chưa đủ khả năng trả nợ.
Triển khai kế hoạch đào tạo, nâng cao tay nghề; hướng dẫn quản lý lao động nghề cá phù hợp với quy định pháp luật lao động trong nước và quốc tế.
Trước đó, ngày 23/12/2022, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với các địa phương về kế hoạch hành động chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), chuẩn bị làm việc với Đoàn thanh tra EC lần thứ 4.
Báo cáo tại cuộc họp trực tuyến này, Sở NN&PTNT Quảng Trị cho biết: Đến tháng 12/2022, toàn tỉnh không có tàu cá và ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ. Đã công bố và thông báo công khai hạn ngạch giấy phép khai thác vùng khơi, vùng lộng, vùng bờ của tỉnh.
Trong tổng số tàu cá trên địa bàn tỉnh tính đến 30/11/2022 là 2.159 chiếc, với tổng công suất 131.722CV. Đã có 412/557 tàu cá được cấp Giấy phép khai thác thủy sản theo quy định. Có 178/188 tàu cá lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) theo quy định. Kết quả theo dõi, giám sát, xử lý trên Hệ thống giám sát hành trình trong 11 tháng đầu năm 2022: các tàu đã chấp hành khắc phục kết nối trở lại và quay lại vùng biển cho phép hoạt động; yêu cầu các chủ tàu, thuyền trưởng giải trình và cam kết không tái vi phạm.