Quảng Trị thúc đẩy tăng trưởng trong bình thường mới

Tỉnh Quảng Trị đã cơ bản hoàn toàn thích ứng với trạng thái “bình thường mới” khi vừa phòng, chống dịch COVID-19 vừa khôi phục sản xuất để thúc đẩy phát triển kinh tế trong năm 2022.

* Tín hiệu khả quan từ khôi phục sản xuất

Ngay sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, nhiều doanh nghiệp ở Quảng Trị đã khôi phục sản xuất hoặc mở rộng quy mô sản xuất, qua đó tạo thêm việc làm cho nhiều người lao động.

Trên địa bàn hiện có gần 4.200 doanh nghiệp đăng ký hoạt động sản xuất kinh doanh, sử dụng gần 50.000 lao động. Năm 2022, Công ty Cổ phần may Xuất nhập khẩu Tân Định, huyện Cam Lộ tiếp tục ký kết được thêm các đơn hàng, hợp đồng mới với đối tác, do đó nhu cầu sử dụng lao động cũng tăng lên.

Theo bà Ngô Thị Hồng Tuyết, Phó Giám đốc Công ty cổ phần may Xuất nhập khẩu Tân Định, doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng thêm 100 lao động và có chính sách giữ chân người lao động làm việc lâu dài nên chăm lo đời sống, tạo mọi tạo điều kiện tốt nhất.

Hiện nhu cầu sử dụng lao động của nhiều doanh nghiệp ở Quảng Trị tăng cao, nhất là doanh nghiệp may mặc xuất khẩu. Các sở, ngành của tỉnh đang triển khai nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thu hút lao động, nhằm phục hồi sản xuất kinh doanh do gián đoạn vì ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Theo Sở Công Thương Quảng Trị, trong tháng 1/2022, sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục đà phục hồi và phát triển. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8,6% so với tháng cùng kỳ năm 2021; trong đó ngành công nghiệp khai khoáng tăng 9,5%, công nghiệp chế biến chế tạo tăng 6,7%, sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 35,4%.

Trong khi đó hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa ở các cửa khẩu cũng sôi động ngay từ đầu năm 2022. Tại Cửa khẩu quốc tế La Lay hàng dài xe ô tải chở hàng hóa xuất qua nước bạn Lào. Hàng nhập từ Lào về Việt Nam chủ yếu là nông, lâm sản. Hàng xuất từ Việt Nam qua Lào chủ yếu là vật liệu xây dựng và một số mặt hàng khác. Năm 2022 dự kiến thu thuế xuất, nhập khẩu qua cửa khẩu này đạt trên 130 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với năm 2021.

Theo đại diện Chi cục Hải quan Cửa khẩu quốc tế La Lay, chỉ trong hơn một tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất, nhập khẩu qua cửa khẩu đã đạt 9,3 triệu USD tăng 40%, lượng phương tiện hàng hóa qua cửa khẩu tăng hơn 50%, so với cùng kỳ năm 2021, thu ngân sách đạt gần 10 tỷ đồng cao hơn năm ngoái.

Những ngày đầu năm mới Nhâm dần 2022, nhiều tàu hàng có tải trọng hàng nghìn tấn đã cập cảng biển Cửa Việt để nhận các mặt hàng xuất khẩu như: gỗ dăm, khoáng sản. Kim ngạch xuất, nhập khẩu và lượng phương tiện hàng hóa qua Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo cũng tăng cao.

viewimage-1644631186.jpeg
Một góc thành phố Đông Hà tình Quảng Trị. Ảnh minh hoạ

*Tăng trưởng dựa trên ba trụ cột

Quảng Trị chọn chủ đề của năm 2022 là: “Trách nhiệm kỷ cương - Thích ứng an toàn - Thúc đẩy tăng trưởng”. Tỉnh xác định thúc đẩy tăng trưởng kinh tế dựa trên ba trụ cột chính gồm: công nghiệp xây dựng, nông nghiệp và du lịch dịch vụ; trong đó, công nghiệp năng lượng là lĩnh vực đột phá thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh và bền vững, nông nghiệp là "bệ đỡ" của nền kinh tế và du lịch dịch vụ là ngành kinh tế mũi nhọn.

Cùng đó, tập trung phát triển kinh tế dựa trên ba trụ cột này, năm 2022 tỉnh phấn đấu đạt mức tăng trưởng từ 6,5 - 7%; về trung và dài hạn đến năm 2025 đưa Quảng Trị trở thành tỉnh có trình độ phát triển thuộc nhóm trung bình cao và năm 2030 sẽ vào nhóm tỉnh khá của cả nước.

Thu hút đầu tư vào công nghiệp năng lượng sạch gồm điện gió, điện mặt trời và điện khí - những lĩnh vực mà tỉnh có thế mạnh, vẫn được xem là ưu tiên hàng đầu để thúc đẩy kinh tế trước mắt và lâu dài. Hiện tỉnh đang tập trung thu hút đầu tư vào làm điện gió ở vùng miền núi phía Tây; điện mặt trời và điện khí ở vùng ven biển phía Đông.

Cụ thể, tỉnh có 85 dự án điện gió được đề xuất đầu tư với tổng công suất khoảng 4.000MW; trong đó, có 31 dự án đã được Bộ Công Thương phê duyệt quy hoạch với công suất 1.177MW, 54 dự án còn lại có công suất khoảng 2.800MW đã trình Bộ Công Thương xem xét phê duyệt bổ sung quy hoạch.

Trong số 31 dự án điện gió đã được Bộ Công Thương phê duyệt quy hoạch, có 19 dự án với công suất hơn 600MW đã đi vào hoạt động, mỗi năm đóng góp cho ngân sách khoảng 200 tỷ đồng; 12 dự án còn lại đang được triển khai đầu tư xây dựng.

Các nhà đầu tư cũng đang xúc tiến đầu tư nhiều dự án điện mặt trời ở những vùng ven biển của hai huyện Gio Linh và Triệu Phong. Đến nay, tỉnh đã có 3 dự án điện mặt trời phát điện thương mại với công suất 149,5MW ở hai xã Gio Thành và Gio Hải, huyện Gio Linh.

Ở Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị hiện có 3 dự án điện khí với tổng công suất 6.340MW đang xúc tiến đầu tư và xây dựng. Cụ thể ngày 15/1 vừa qua, UBND tỉnh Quảng Trị phối hợp với tổ hợp nhà đầu tư gồm Tập đoàn T&T Group và các nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc: Công ty Cổ phần Năng lượng Hanwha, Tổng Công ty Điện lực Nam Hàn Quốc, Tổng Công ty khí Hàn Quốc khởi công hợp phần kỹ thuật Dự án Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng giai đoạn 1 có quy mô 120ha, công suất 1.500MW, tổng vốn đầu tư gần 54.000 tỷ đồng, dự kiến vận hành thương mại vào năm 2026 – 2027.

Cùng đó, dự án Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng giai đoạn 2 có tổng công suất 4.500MW vốn đầu tư 4,5 tỷ USD, dự kiến được triển khai sau năm 2030. Ngoài ra tỉnh và Tập đoàn Gazprom của Nga đang hoàn thành các thủ tục để xây dựng Nhà máy điện khí công suất 340MW với số vốn đầu tư khoảng 300 triệu USD.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng cho biết, dự kiến đến năm 2030, tổng công suất phát điện trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 10.000MW. Qua đó đưa Quảng Trị trở thành Trung tâm năng lượng khu vực miền Trung như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra.

Năm 2022 tỉnh cũng triển khai đầu tư xây dựng các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm. Đó là là Dự án Cảng hàng không Quảng Trị tại huyện Gio Linh. Dự án này đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư ngày 20/12/2021 với quy mô là sân bay cấp 4C, công suất 1 triệu hành khách/năm và 3.100 tấn hàng hóa/năm. Tổng mức đầu tư của dự án là hơn 5.800 tỷ đồng.

Tỉnh cũng triển khai xây dựng tuyến đường ven biển từ Nam cầu Cửa Việt đến giáp tỉnh Quảng Bình. Dự án có tổng chiều dài khoảng gần 56km với tổng mức đầu tư dự án khoảng trên 2.000 tỷ đồng. Khi tuyến đường này hoàn thành sẽ kết nối với tuyến Hành lang kinh tế Đông -Tây. Ngoài ra còn có các dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Vạn Ninh - Cam Lộ, đường tránh phía Đông thành phố Đông Hà.

Dự kiến từ quý II/2022, tỉnh khôi phục tất cả các hoạt động và sản phẩm du lịch, không giới hạn loại hình, quy mô và phạm vi của hoạt động dịch vụ du lịch trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19; hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động đẩy nhanh khôi phục mở cửa hoạt động du lịch dịch vụ.

Năm nay tỉnh cũng tiếp tục có chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị Hồ Xuân Hòe cho biết, tỉnh xây dựng các vùng chuyên canh cây trồng chủ lực để tập trung vốn đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ và liên kết với doanh nghiệp; trong đó, ưu tiên phát triển vùng chuyên canh lúa hữu cơ, lúa chất lượng cao, cây dược liệu… theo hướng liên kết giữa nhà nông và doanh nghiệp, giữa sản xuất và chế biến để tăng giá trị cho nông sản.

Để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, năm 2022 tỉnh quyết liệt thực hiện cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, nâng cao đạo đức công vụ, đảm bảo hiệu quả, thực chất, tăng cường cung cấp các dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi hơn, thu hút mạnh mẽ đầu tư, thúc đẩy doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; tăng cường huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của nền kinh tế; nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công; đẩy nhanh việc triển khai các công trình, dự án trọng điểm để đóng góp mới vào tăng trưởng kinh tế.