Doanh nghiệp ưu tiên gì trong bình thường mới?

Theo tin từ Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report), trong bối cảnh toàn cầu và nền kinh tế trong nước vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức của đại dịch COVID-19.
toyota-viet-nam-1638754015.jpg
Dây chuyền sản xuất tại Toyota Việt Nam ở tỉnh Vĩnh Phúc. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Với tâm thế "sống chung cùng dịch bệnh" nhưng chủ động phòng ngừa an toàn để tránh dịch, kết quả khảo sát của Vietnam Report về chiến lược ưu tiên trong thời kỳ bình thường tiếp theo của các doanh nghiệp hiện nay cho thấy, 76,3% doanh nghiệp quyết định tăng cường sử dụng công nghệ mới, đầu tư vào đổi mới sáng tạo và R&D; 71,1% doanh nghiệp lựa chọn bảo vệ hoạt động kinh doanh cốt lõi; 65,8% doanh nghiệp sẽ mở rộng sang các thị trường hoặc phân khúc mới; 64,5% doanh nghiệp thực hiện cải thiện năng lực kỹ thuật số của doanh nghiệp và 50% doanh nghiệp quan tâm tới việc nâng cao trách nhiệm xã hội.

Nhìn chung, trong thời gian tới, các doanh nghiệp VNR500 vẫn sẽ tập trung chú trọng tới ứng dụng công nghệ số một cách toàn diện, kiên định bảo vệ hoạt động kinh doanh cốt lõi và từng bước mở rộng phạm vi kinh doanh tới các thị trường tiềm năng.

Ông Vũ Đăng Vinh, Tổng Giám đốc Vietnam Report cho biết, có 56% doanh nghiệp lạc quan về tình hình sản xuất kinh doanh trong quý IV/202; trong đó, gần 40% doanh nghiệp đánh giá tình hình kinh doanh sẽ dần đi vào ổn định và diễn biến thị trường sẽ tốt hơn. Đối với từng nhóm ngành chính trong nền kinh tế, cũng cho thấy một tỷ lệ nhất định doanh nghiệp lạc quan về cơ hội trong thời kỳ bình thường tiếp theo. Khoảng 10% doanh nghiệp ngành bán lẻ nhận định thị trường sẽ nhanh chóng hồi phục và kết quả kinh doanh sẽ khởi sắc; hơn 20% doanh nghiệp ngành thực phẩm đồ uống cho rằng đã chuẩn bị cho sự hồi phục trở lại của thị trường; 58% doanh nghiệp ngành ngân hàng tài chính vẫn đảm bảo hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh và tin tưởng vào khả năng phục hồi kinh tế cuối năm.

Trong bối cảnh nền kinh tế đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức khi dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp với những biến chủng virus mới có nhiều nguy cơ tác động tiêu cực tới nền kinh tế Việt Nam nói chung và cộng đồng doanh nghiệp nói riêng, Vietnam Report nhận định sẽ có một số cơ hội trong những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022.

Theo đó, tỷ lệ tiêm vaccine trong cộng đồng tăng lên nhanh chóng khi mà tính đến đầu tháng 11/2021 đã có trên 83% người từ 18 trở lên đã được tiêm ngừa ít nhất 1 liều vaccine phòng COVID-19 tại Việt Nam. Các khu vực là trung tâm sản xuất vùng đều có tỷ lệ che phủ vaccine ở mức cao, trên 95% dân số trưởng thành. Như vậy, tốc độ tiêm chủng và độ che phủ vaccine tăng lên nhanh chóng cho thấy các cơ hội lớn cho việc tái khởi động lại hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong quý quan trọng nhất của năm.

Tình hình thị trường quốc tế có nhiều chuyển biến tích cực do ngày càng nhiều quốc gia chuyển sang giai đoạn “bình thường mới” và hướng đến “sống chung với dịch”. Trong bối cảnh một số quốc gia lân cận theo đuổi chiến lược “Zero COVID”, nền kinh tế Việt Nam đang dần chuyển hướng sang tiếp cận chiến lược “sống chung với dịch”. Do đặc thù của nền kinh tế, nếu tiếp tục chiến lược “Zero COVID”, chậm mở cửa, cơ hội đầu tư sẽ không quay lại Việt Nam và có nguy cơ tụt hậu trong quá trình phục hồi kinh tế. Thêm vào đó, các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, như Bắc Mỹ, EU và Đông Á cũng đang có sự hồi phục tốt về nhu cầu tiêu dùng. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam có thể vượt qua được giai đoạn khó khăn này khi mà thị trường quốc tế đang vào giai đoạn cuối năm với sức tiêu thụ tăng mạnh phục vụ các kỳ nghỉ dài vào cuối năm 2021.

Các chính sách hỗ trợ mạnh mẽ đã được thực hiện và chuẩn bị được thực hiện. Cụ thể là các chính sách giãn, giảm thuế cho doanh nghiệp và các gói hỗ trợ cho dân cư tại các thành phố lớn. Các doanh nghiệp được gia hạn, miễn giảm tiền thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất đã cho thấy sự chung tay giúp sức của cả cộng đồng trong việc thúc đẩy các doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh.

Nhìn chung, các chính sách này đã giúp giảm áp lực thanh toán của các doanh nghiệp trong điều kiện lực cầu của thị trường đang còn khá yếu như hiện nay. Đây cũng là kỳ vọng lớn nhất của 82,9% doanh nghiệp trả lời khảo sát mong muốn Chính phủ tiếp tục thực hiện để hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian tới. Đó là nguồn tài chính giúp doanh nghiệp có thể quay vòng vốn, cũng như thanh toán một phần công nợ, giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực tái cơ cấu hoạt động sản xuất kinh doanh để đạt hiệu quả tốt hơn. Các địa phương có những chính sách hỗ trợ người dân về nguồn chi phí sinh hoạt cũng giúp hồi phục phần nào lực cầu của thị trường.

Trong khảo sát doanh nghiệp VNR500 của Vietnam Report, bên cạnh việc ủng hộ Chính phủ ưu tiên đẩy mạnh tốc độ và mở rộng quy mô tiêm chủng vaccine COVID-19; chuẩn bị sẵn các kịch bản ứng phó nếu dịch tái bùng phát; các doanh nghiệp còn mong muốn Chính phủ thực hiện các gói hỗ trợ lãi suất để giảm chi phí vay nợ; kiểm soát lạm phát và ổn định vĩ mô ; tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Đây là những vấn đề chính sách cốt yếu đề xuất với Chính phủ để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trong thời kỳ bình thường tiếp theo.

Các gói kích thích đầu tư công cũng như giảm lãi suất đang được triển khai hoặc dự kiến được triển khai trong thời gian tới đã hỗ trợ tích cực cho việc giúp hồi phục lại lực cầu của nền kinh tế. Nhiều dự án hạ tầng kinh tế - xã hội được triển khai và tăng tốc đã giúp kích hoạt các hoạt động kinh tế - xã hội tại nhiều địa phương. Với vai trò quan trọng của việc tăng mạnh chi tiêu công như “vốn mồi”, các hoạt động kinh tế xã hội được kỳ vọng sẽ hồi phục nhanh hơn trong thời gian tới. Các gói kích thích kinh tế lớn đang được bàn thảo cũng sẽ mở ra những cơ hội lớn cho cộng đồng doanh nghiệp trong năm 2022.

Việc mở cửa hoàn toàn nền kinh tế đang được đưa ra thảo luận và có thể triển khai trong thời gian tới sẽ là “cú hích” lớn cho việc phục hồi các ngành dịch vụ như du lịch, hàng không cũng như hoạt động dịch vụ tại nhiều địa phương. Việc mở cửa đối với khách du lịch sẽ là cú hích giúp thị trường trong nước có thêm nguồn lực để chính thức bước vào giai đoạn tái thiết, phục hồi và phát triển.

 Song song với những cơ hội ấy, cũng đặt ra nhiều thách thức khi đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến rất phức tạp và khó lường. Theo ông Vinh, các biến thể mới của virus vẫn đang đe dọa nghiêm trọng thành quả chống dịch của nhân loại trong gần 2 năm qua. Tình trạng thiếu hụt vaccine ngừa COVID-19 cũng như thời gian hiệu lực của vaccine trong sử dụng cũng đang là thách thức cho nhiều quốc gia trong việc hướng đến một giai đoạn “bình thường mới”.

Bên cạnh năng lực sản xuất bị giảm, nhiều doanh nghiệp phải đối mặt với tình trạng đơn hàng bị huỷ do nhu cầu của khách hàng giảm mạnh. Việc tăng giá các mặt hàng như xăng, dầu, gas, than… sẽ đẩy giá thành lên cao, chi phí sản xuất cũng tăng lên, khiến giá hàng tiêu dùng trong nước tăng cao, ảnh hưởng trực tiếp đến năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu hàng hóa ra thị trường quốc tế.

Trả lời khảo sát của Vietnam Report, các doanh nghiệp VNR500 cho biết có 3 tác động và thách thức đáng kể nhất ảnh hưởng tới tăng trưởng của doanh nghiệp trong 11 tháng năm nay, đó là khó khăn do thị trường trong và ngoài nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng, khó khăn trong việc tìm kiếm khách hàng mới và khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn nguyên liệu đầu vào.

Chỉ xét riêng các tác động tiêu cực trong đợt bùng phát dịch lần thứ tư vừa qua, theo kết quả khảo sát được Vietnam Report tiến hành trong tháng 11/2021 cho thấy, 92% doanh nghiệp bị gián đoạn quy trình làm việc do nhân sự tuân thủ giãn cách xã hội; 89,2% doanh nghiệp có chi phí sản xuất tăng vọt do phương án 3 tại chỗ, cước vận chuyển, bị phạt vì vi phạm hợp đồng,…; 81,9% doanh nghiệp bị giảm sản lượng do gián đoạn sản xuất; 77,8% doanh nghiệp gặp ách tắc trong hoạt động mua nguyên vật liệu đầu vào.

Tình trạng lạm phát gia tăng trên toàn thế giới trong bối cảnh giá cả năng lượng, nhiên liệu, vận tải trên toàn cầu được dự báo tiếp tục tăng. Hoạt động xuất nhập khẩu nguyên vật liệu vẫn bị tác động tiêu cực do tình trạng ách tắc trong vận tải quốc tế và phí vận tải tăng cao. Mặc dù quá trình mở cửa kinh tế đang được thúc đẩy nhưng bối cảnh hiện nay đang làm dấy lên lo ngại về sự kết hợp giữa tăng trưởng giảm sút nhưng mặt bằng lạm phát lại tăng cao. Đây là vấn đề có nguy cơ ảnh hưởng tới nỗ lực kích thích nền kinh tế của các ngân hàng trung ương để thoát khỏi khủng hoảng trong thời gian tới.

Cùng với đó là tình trạng thiếu hụt lao động tiếp tục lan rộng đang ảnh hưởng tiêu cực khi các doanh nghiệp tái sản xuất, kinh doanh trở lại. Sau thời gian dài bị gián đoạn sản xuất kinh doanh thì thiếu hụt lao động và chi phí lao động tăng cao tiếp tục là các ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch COVID-19. Các chi phí y tế phát sinh từ việc phòng chống dịch bệnh cho đội ngũ công nhân cũng đe dọa hoạt động của doanh nghiệp vì chi phí tăng làm giá thành sản xuất bị “đội lên” và giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.../.