Bạc Liêu: Doanh nghiệp chế biến thủy sản thích ứng trạng thái bình thường mới

Tỉnh Bạc Liêu hiện có gần 40 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến thủy sản xuất khẩu. Năm 2021, xuất khẩu của các doanh nghiệp chế biến thủy sản tại Bạc Liêu đạt kim ngạch 776,14 triệu USD, góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh, đứng đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và xếp thứ 30/63 cả nước.

Xác định năm 2022, vẫn sẽ còn nhiều khó khăn thách thức do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhưng Bạc Liêu đã đặt mục tiêu xuất khẩu tôm đạt trên 893 triệu USD.

Nhiều giải pháp đã được tỉnh đề ra trong đó có hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu phục hồi sản xuất trong trạng thái bình thường mới. Thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trong việc xác lập, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; hướng dẫn các doanh nghiệp xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm, đặc biệt là xây dựng thương hiệu "Tôm Bạc Liêu".

Ông Lê Tấn Cận, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết, UBND tỉnh Bạc Liêu đã tổ chức nhiều hội nghị đối thoại với các doanh nghiệp nhằm tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất hậu COVID-19. Tỉnh cũng đã thành lập Ban Chỉ đạo hỗ trợ các doanh nghiệp, nắm bắt tâm tư nguyện vọng.

Cụ thể đã hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng các phương án duy trì sản xuất, kinh doanh, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để phục hồi sản xuất; cởi các nút thắt về cải cách thủ tục hành chính, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu trên địa bàn tỉnh. Tỉnh Bạc Liêu cũng phối hợp với các bộ, ngành tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp tìm kiếm mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa.

Để tạo tiền đề cho việc hỗ trợ doanh nghiệp, cuối năm 2021, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch xúc tiến xuất khẩu giai đoạn sau COVID-19 với mục tiêu giúp các doanh nghiệp tận dụng cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu, duy trì chuỗi cung ứng, góp phần phục hồi kinh tế, tăng kim ngạch xuất khẩu trong năm 2022 và những năm tiếp theo. Ưu tiên xây dựng và thực hiện chương trình phát triển các thị trường trọng điểm; quảng bá thương hiệu cho các nhóm sản phẩm chủ lực, như tôm sú, tôm thẻ, cá biển, mực.

01-1643512802.jpeg
Doanh nghiệp chế biến thủy sản thích ứng trạng thái bình thường mới. Ảnh minh hoạ

Về phía các doanh nghiệp chế biến thủy sản, mỗi doanh nghiệp có cách làm riêng để vừa sản xuất kinh doanh vừa vượt qua đại dịch. Để động viên tinh thần làm việc của người lao động, các doanh nghiệp có thêm các chính sách thưởng hấp dẫn. Nếu người lao động làm đủ công, đạt năng suất thì thưởng, thu nhập sẽ tăng 18% đến 36%. Những chính sách này giúp công nhân hăng say lao động, thi đua làm việc để có thu nhập cao và doanh nghiệp thì đạt năng suất mong đợi. Ý thức tự bảo vệ bản thân của người lao động tại các doanh nghiệp chế biến thủy sản luôn được đề cao. Dù có nhiều thách thức, nhưng hiện tại, các doanh nghiệp chế biến thủy sản cũng trở thành cơ hội để chứng minh sức đề kháng, là thời cơ tạo nên uy tín và thương hiệu.

Có được kết quả như vậy là do tỉnh đã thực hiện tốt chủ trương phát huy vai trò của doanh nghiệp, đồng thời doanh nghiệp cũng thích ứng tốt trong điều kiện dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Một điển hình trong thời điểm này phải kể đến Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thủy sản Thái Minh Long, phường Hộ Phòng, thị xã Giá Rai. Không chỉ thích ứng tốt, công ty luôn giữ vững mục tiêu vừa sản xuất kinh doanh, vừa đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch. Khi người lao động từ Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai tràn về quê, Giám đốc công ty đã mạnh dạn nhận trên 300 người lao động vào công ty, vừa dạy cho làm vừa trả lương thích đáng. Cho nên, dù trong giai đoạn đỉnh điểm của dịch bệnh, công ty vẫn duy trì hoạt động sản xuất đạt kế hoạch đề ra.

Nói về kinh nghiệm rút ra đợt dịch COVID-19 lần thứ tư năm 2021, ông Trần Văn Diệu, Giám đốc công ty cho rằng, trước tiên phải nghiên cứu kỹ những phương pháp phòng chống dịch được Bộ Y Tế hướng dẫn. Với điều kiện của Công ty, mức độ áp dụng hướng dẫn như thế nào là phù hợp rồi triền khai, đo lường, cải tiến. Khi phát sinh điều kiện mới thì tiếp tục cải tiến cho phù hợp. Nếu công nhân không may bị nhiễm mà khai báo y tế rõ ràng thì công ty hỗ trợ điều trị, trả lương bình bình thường. Hàng ngày, tổ chức test sàng lọc COVID-19 từ bên ngoài, chọn ngẫu nhiên nhưng phải đầy đủ các Tổ, nhóm. Khi làm việc trong nhà máy thì chấp nhận chia cắt thành 3 ca biệt lập, mỗi ca chia thành 8 - 9 tổ, mỗi tổ chia thành nhiều nhóm. Mục tiêu là chia càng nhỏ, do đó dù có ca dương tính thì cũng hạn chế được lây lan. Tuy năng suất nhà máy bị giảm 30%, nhưng công ty vẫn chấp nhận, để an toàn.

Tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xuất nhập khẩu thủy sản Tấn Khởi, phường 1, thị xã Giá Rai những ngày này đang tập trung sản xuất cho các đơn hàng đầu năm. Ông Triệu Yến Hưng, Phó Giám đốc công ty chia sẻ, đợt bùng phát dịch thứ 4 năm 2021 đã giúp cho lãnh đạo công ty có thêm những kinh nghiệm quý về phòng, chống dịch trong nhà máy. Sau khi dịch bệnh được khống chế, công ty đã nối lại hoạt động sản xuất được 60% so với lúc chưa có dịch. Đồng thời đầu tư thêm nhiều thiết bị máy móc để sản xuất các mặt hàng thủy sản có giá trị tăng cao, xuất sang châu Âu, thay vì chỉ phụ thuộc vào một thị trường là Trung Quốc.

Trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu, cho đến nay, hầu hết các công ty thủy sản đều thích ứng linh hoạt, duy trì sản xuất tốt. Họ tạo nhóm zalo, chia sẻ nhau những kinh nghiệm trong quản lý, điều hành, sản xuất… Có những vướng mắc còn kịp thời đề xuất, kiến nghị đến lãnh đạo tỉnh để sớm tháo gỡ, giải quyết nhanh.

Với sự linh hoạt của các cấp chính quyền cùng với sự thích ứng nhanh chóng của doanh nghiệp chế biến thuỷ sản, hoạt động xuất khẩu thuỷ sản của tỉnh Bạc Liêu đang từng bước phục hồi để tạo đà cho ngành thủy sản tăng trưởng mạnh trong thời gian tới./.