Quảng Trị kỳ vọng tăng thu ngân sách từ các dự án năng lượng điện

Đầu tháng 11/2021, tỉnh Quảng Trị đã có thêm 16 dự án điện gió phát điện thương mại gồm: Hướng Tân, Tân Linh, Liên Lập, Gelex 1, Gelex 2, Gelex 3, Hướng Linh 7, Hướng Linh 8, Amaccao Quảng Trị 1, Hướng Phùng 2, Hướng Phùng 3, Tài Tâm, Hoàng Hải, Phong Huy, Phong Liệu, Phong Nguyên với tổng công suất trên 615 MW.

Theo tính toán 1 MW điện gió đóng góp ngân sách từ 500 - 600 triệu đồng. Do đó, 16 dự án điện gió này mang lại nguồn thu ngân sách khoảng trên 300 tỷ đồng/năm.

Đến nay, tỉnh đã có 19 dự án điện gió đi vào hoạt động. Tỉnh hiện có 84 dự án điện gió được đề xuất với tổng công suất trên 4.000 MW; trong đó, có 31 dự án đã được Bộ Công Thương phê duyệt quy hoạch, 53 dự án đã trình Bộ Công Thương xem xét bổ sung quy hoạch. Các dự án điện gió của tỉnh tập trung chủ yếu ở huyện miền núi Hướng Hóa.

nha-may-dien-gio-gelex-1635827737.png
Một trong những nhà máy điện gió Gelex

Tháng 10/2021, tỉnh Quảng Trị cũng đã trao quyết định chủ trương đầu tư Dự án Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng giai đoạn 1 có công suất 1.500 MW với số vốn đầu tư gần 54.000 tỷ đồng. Chủ đầu tư dự án gồm: Tập đoàn T&T Group, Công ty cổ phần Năng lượng Hanwha, Tổng Công ty điện lực Nam Hàn Quốc và Tổng Công ty khí Hàn Quốc. Dự án được xây dựng ở hai xã Hải An và Hải Ba, huyện Hải Lăng thuộc Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị có quy mô 120 ha, dự kiến vận hành vào năm 2026 - 2027.

Trong khi đó, Nhà máy Nhiệt điện BOT Quảng Trị 1 có công suất 1.320 MW, vốn đầu tư trên 55.000 tỷ đồng do Công ty Điện lực Quốc tế Thái Lan làm chủ đầu tư dự kiến vận hành năm 2026. Dự án này được xây dựng ở xã Hải Khê, huyện Hải Lăng thuộc Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị.

Hiện nay, hàng chục dự án năng lượng được tỉnh ưu tiên thu hút đầu tư gồm: điện gió, điện mặt trời, điện khí đang chuẩn bị thủ tục để tiến hành đầu tư xây dựng. Cụ thể là giai đoạn 2 dự án Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng công suất 3.000 MW, Nhà máy điện khí 340 MW do Tập đoàn Gazprom của Nga đầu tư, các dự án điện gió ở vùng miền núi phía Tây, cùng nhiều dự án điện mặt trời ở vùng đồng bằng và ven biển.

Tỉnh Quảng Trị phấn đấu trở thành Trung tâm năng lượng của miền Trung vào năm 2030 với công suất từ 8.000-10.000 MW. Tỉnh kỳ vọng các dự án năng lượng điện sẽ đóng góp từ 30- 40% thu ngân sách địa phương./.