Quảng Ninh kiến nghị đưa 56 sản phẩm ra khỏi chương trình OCOP

Đoàn kiểm tra liên ngành do Ban Xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Ninh chủ trì đã kiến nghị đưa 56 sản phẩm OCOP ra khỏi Chương trình OCOP Quảng Ninh; trong đó, có 13 sản phẩm đã được phân hạng, cấp sao và 43 sản phẩm chưa cấp sao.
171244-quang-ninh-khai-mac-hoi-cho-ocop-khu-vuc-phia-bac-quang-ninh-nam-2018-1633598954.jpg
Quảng Ninh kiến nghị đưa 56 sản phẩm ra khỏi Chương trình OCOP.

Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được tỉnh triển khai từ năm 2013. Đây được coi là thương hiệu của Quảng Ninh, khẳng định hướng đi đúng, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị giá trị sản xuất.

Tính đến nay, toàn tỉnh đã phát triển được tổng số 500 sản phẩm OCOP; trong đó, 238 sản phẩm được phân hạng, cấp sao gồm 3 sản phẩm 5 sao cấp quốc gia, 67 sản phẩm 4 sao, 162 sản phẩm 3 sao; có 31 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP.

Trong số này có nhiều sản phẩm phát triển dựa trên hoạt động sản xuất sẵn có, phát huy tối đa lợi thế, tiềm năng của mỗi địa phương như: mực Cô Tô, miến dong Bình Liêu, ba kích Ba Chẽ, trứng gà Tân An, chả mực Hạ Long, hoa Hoành Bồ...

Sau khi triển khai theo hướng sản xuất tập trung, phần lớn các sản phẩm đảm bảo đủ điều kiện phát triển thành hàng hóa với sản lượng lớn. Chính vì vậy, hiệu quả bước đầu của Chương trình khá tích cực, góp phần gia tăng giá trị sản phẩm, nâng cao thu nhập, phục vụ đời sống người dân; làm thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu, hướng người dân vào thị trường với sự chủ động, sáng tạo trong sản xuất kinh doanh, tạo ra sản phẩm và dịch vụ có chất lượng phục vụ phát triển du lịch của tỉnh.

Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Quảng Ninh do Ban Xây dựng nông thôn mới tỉnh chủ trì vừa tiến hành kiểm tra, rà soát đối với các sản phẩm thuộc Chương trình OCOP trên địa bàn 13 huyện, thị xã, thành phố. Tại các địa phương, Đoàn đã kiểm tra tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất; rà soát sản phẩm tham gia OCOP, các điểm giới thiệu và bán sản phẩm; làm việc với Ban chỉ đạo OCOP cấp huyện...

Qua kiểm tra cho thấy, nhiều sản phẩm đã được cấp sao tiếp tục duy trì được tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm. Nhiều sản phẩm có bao bì, tem nhãn được nâng cấp, cải tiến hấp dẫn hơn. Các sản phẩm mới tham gia chương trình OCOP nhưng chưa được đánh giá phân hạng tiếp tục hoàn thiện sản phẩm theo chu trình.

Tuy nhiên, cũng có một số sản phẩm còn bộc lộ hạn chế như mặt bằng nhà xưởng phục vụ sản xuất còn gặp khó khăn, thiếu vùng nguyên liệu, nhiều sản phẩm tham gia Chương trình OCOP nhưng chưa được hoàn thiện để tham gia đánh giá phân hạng sao. Con số tính đến nay là 262 sản phẩm chưa được thi đánh giá phân hạng sao.

Trên cơ sở những ưu, nhược điểm được đánh giá qua quá trình kiểm tra, rà soát các sản phẩm, Đoàn kiểm tra đã kiến nghị với UBND tỉnh giao cho các sở, ngành, địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị sản xuất trong thời gian tới.

Trước đó, hồi đầu năm 2020, Ban Xây dựng nông thôn mới Quảng Ninh đã loại 65 sản phẩm ra khỏi Chương trình OCOP đã được chấp thuận tham gia Chương trình này từ năm 2014 đến 2020. Lý do là các sản phẩm này không có khả năng hoàn thiện, phát triển hoặc đã ngừng sản xuất.