Đảo Lý Sơn cách đất liền Quảng Ngãi 30 km, khoảng 30 phút đi tàu cao tốc, là đảo tiền tiêu gắn với di sản thiên nhiên và văn hóa độc đáo. Tỏi Lý Sơn được trồng trên diện tích 320 ha chủ yếu là nham thạch núi lửa phong hóa và cát trắng, nên rất ngon, trở thành thương hiệu nổi tiếng.
Nhiều năm trồng tỏi nhưng chưa năm nào ông Trần Hùng, thôn Đông An Vĩnh, huyện Lý Sơn (Quảng Ngãi) rơi vào cảnh khó khăn như năm nay. Vụ Đông - Xuân 2022-2023, gia đình ông trồng 3 sào tỏi. Chi phí cả giống, phân bón, công chăm sóc mỗi sào gần 30 triệu đồng. Sau gần 6 tháng trồng, chăm sóc, đến kỳ thu hoạch, gia đình chỉ thu về được mấy chục kg tỏi mỗi sào.
Ông Trần Hùng cho biết, năm nay mưa gió nhiều, sâu rầy gây hư hại nên tỏi mất mùa, có người mất trắng. Ông Hùng cố giữ lại một ít để giống trồng vụ sau.
Giá tỏi trước đây trung bình 70.000 đồng/kg, nay chỉ còn 15.000 đồng/kg nhưng đem ra chợ không ai mua vì chê tỏi xấu, nhỏ. Nhưng điều làm người nông dân lo lắng nhất là giống cho vụ tỏi sắp tới. Thông thường, với những củ tỏi đạt chất lượng, sau thu hoạch người dân sẽ bán một phần, số còn lại họ để giống đến gần vụ mới bóc ra từng tép để trồng. Sau hai mùa tỏi liên tiếp mất mùa, chất lượng tỏi thấp khiến nguồn giống cạn kiệt.
Cũng theo bà Đặng Thị Vân, thôn Đông An Vĩnh, mấy năm trước, mỗi sào trồng tỏi bà con thu hoạch từ 500 đến 700 kg tỏi nhưng năm nay giảm 70% năng suất. Sản lượng giảm nhiều, giá không tăng nên người dân không đủ trang trải.
Bà Phạm Thị Hương, Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho biết, địa phương đang định hướng giảm dần diện tích trồng hành tỏi; gắn sản xuất, chế biến tỏi Lý Sơn với phát triển du lịch, ổn định thu nhập cho nông dân.
Theo nhiều người trồng tỏi Lý Sơn, 3 năm nay tỏi liên tục mất mùa. Sản lượng giảm, giá bán cũng không cao nên cuộc sống càng khó khăn hơn. Nguyên nhân khiến tỏi mất mùa nặng là do thời tiết trước Tết Nguyên đán, đúng giai đoạn tạo củ thì mưa, gió, nhiệt độ xuống thấp, kéo dài đã tạo nên mầm bệnh gây hại. Nhiều ruộng tỏi bị bung củ, tỏi nhỏ và thối thân.
Ông Hồ Trọng Phương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Quảng Ngãi cho rằng, Hiệp hội sản xuất, kinh doanh và chế biến hành, tỏi Lý Sơn phải tổ chức lại, nâng cao vai trò, định hướng cho người dân áp dụng công nghệ, quy chuẩn, sản xuất theo chuỗi. Người dân cần nâng cao nhận thức, không ai khác, người dân phải tự bảo vệ thương hiệu của mình. Chính quyền địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và xử phạt nghiêm nếu không tuân thủ quy định, để đảm bảo thương hiệu của tỏi Lý Sơn ngày càng bền vững và phát triển. Từ đó, đem lại thương hiệu cho tỉnh và lợi nhuận cho bà con nông dân.