Cây Thị có tuổi đời trên 700 năm tuổi nằm trong khuôn viên vườn của gia đình bà Trần Thị Nhuận và hiện nay vẫn phát triển khá tươi tốt. Cây cổ thụ này đã thu hút rất đông người dân trong và ngoài địa phương đến chiêm ngưỡng, dâng hương.
Bà Trần Thị Nhuận (85 tuổi, xã Kim Hoa) chủ mảnh vườn có gốc thị cổ thụ kể: Khi tôi còn nhỏ thì thấy đã có cây thị ở đó rồi. Sau lại nghe ông bà kể về sự tích của cây thị này nó gắn với những giá trị lịch sử nên gia đình tôi thấy rất vinh dự và tự hào.
Tương truyền rằng, vào năm 1424, trong quá trình đánh giặc Minh, để bảo toàn lực lượng, chờ thời cơ chín muồi, nghĩa quân Lê Lợi phải chuyển vào vùng núi Thiên Nhẫn (giáp ranh hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh) để ẩn nấp. Một lần Lê Lợi bị giặc Minh truy đuổi gắt gao, bí quá ông chạy đến trốn vào gốc cây thị. Khi giặc Minh đuổi đến nơi cũng là lúc trời bắt đầu tối nên bọn chúng liền cho chó săn vây quanh cây thị để lục soát. Trong lúc tính mạng của nhà vua đang hết sức nguy nan, bỗng có một con cáo đốm trắng ngồi trên ngọn cây thị vì sợ đàn chó nhảy xuống bỏ chạy. Ngay lập tức, đàn chó săn cùng binh lính liền đuổi theo con cáo, nhờ vậy Vua Lê Lợi mới thoát nạn.
Cũng tại đây, vua Lê Lợi biết tin thủ lĩnh nghĩa quân Cốc Sơn Nguyễn Tuấn Thiện đang đứng lên khởi nghĩa ở vùng núi Hương Sơn, vua đã tìm đến chiêu quân, kết nghĩa anh em. Sau đó cả hai cùng giết ngựa trắng lấy huyết và cắt tóc ăn thề dưới gốc thị cổ, thể hiện quyết tâm đồng lòng đánh giặc Minh.
Sau khi đánh đuổi giặc Minh, Lê Lợi lên ngôi vua, Nguyễn Tuấn Thiện được phong là khai quốc công thần. Người dân địa phương từ đó về sau vẫn luôn lưu truyền sử tích cây thị gắn liền với truyền thuyết về một thời dấy binh đánh giặc Minh của vua Lê Lợi. Từ đó, cây thị được dòng họ Nguyễn Tuấn và bà con trong làng bảo vệ, coi như bảo vật.
Theo người dân trong làng kể lại, cây thị này rất thiêng, vào các dịp rằm, lễ tết người đến thắp hương rất đông. Năm 2021, con cháu dòng họ Nguyễn Tuấn và bà con trong vùng đã cùng đóng góp kinh phí để xây dựng cái miếu thờ nhỏ dưới gốc cây thị và dựng tấm bia khắc lại sự việc Lê Lợi và Nguyễn Tuấn Thiện đã tuyên thệ tại đây.
Ông Uông Trung Hòa (65 tuổi, con bà Nhuận), trước đây, cây thị này được nhiều người biết đến, nhưng sau khi được công nhận là cây di sản thì khách thập phương đến xem và dâng lễ càng đông hơn. Hiện nay, đang kêu gọi xây dựng thành khu du lịch tâm linh.
Người dân địa phương còn lập đền thờ dưới gốc cây thị, đặt tên là "Gốc thị sử tích". Tại đây còn có bia đá chỉ rõ gốc thị là chứng tích của một lời thề quyết tâm đánh đuổi giặc Minh của nghĩa quân Lam Sơn.
Bốn câu thơ vẫn được người dân lưu truyền để ghi nhớ giai thoại này: “Cắt tóc, giết ngựa trắng/Dưới gốc thị thề nguyền/Nguyện đồng tâm đồng chí/Phá giặc xây cơ đồ”.
Cây thị có đường kính gốc khoảng 4m, thân cao hơn 20m, dù đã lâu năm nhưng cây vẫn xanh tốt, cành lá xum xuê, hàng năm đều sai trĩu quả. Thân cây thị phải nhiều người ôm mới xuể.
Đặc biệt, gốc cây có hốc rỗng ruột lớn, chia làm 2 nhánh như chiếc cổng, nhiều người có thể vào ẩn nấp bên trong.
Đầu năm 2023, cây Thị đã được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam ra quyết định công nhận là cây di sản Việt Nam.
Ông Phan Văn Đoài - Chủ tịch UBND xã Kim Hoa (huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh) cho biết: Địa phương chúng tôi rất vinh dự khi có được cây thị cổ thụ được công nhận là cây di sản Việt Nam. Chính quyền địa phương cùng người dân sẽ luôn bảo vệ và chăm sóc tốt để nơi đây trở thành điểm du lịch tâm linh, là điểm khám phá của du khách trong và ngoài địa phương.
Trong chiến tranh, trrải qua bao cuộc càn quét của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, chúng dội bom, đốt phá bao nhiêu lần. Cây Thị cũng đã trải qua bao trận cuồng phong của thiên tai, có những lúc người dân nơi đây tưởng chừng cây thị khó có thể sống được nhưng cây thị vẫn cứ sừng sững trường tồn như một sự thách thức. Người dân sống gần đó thường xuyên đến dọn dẹp, xem cây thị như vị Thành hoàng của làng.
Cây thị được bà con trong vùng tôn kính, xem đây như là một minh chứng của lịch sử./.