Bước chuyển mình nhờ du lịch sinh thái tại bản vùng cao xứ Thanh

Pù Luông, viên ngọc quý của núi rừng Thanh Hóa, không chỉ là điểm đến hấp dẫn của du khách mà còn là "đòn bẩy" quan trọng, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện Bá Thước. Nhờ du lịch sinh thái, cuộc sống của người dân nơi đây đang ngày càng khởi sắc.
hanh-trinh-chuyen-minh-nho-du-lich-1-1740148269.jpg
Pù Luông, với vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ, từ lâu đã trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước.

Du lịch sinh thái - "Đòn bẩy" phát triển kinh tế

Pù Luông, với vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ, từ lâu đã trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước. Những thửa ruộng bậc thang xanh mướt, những khu rừng nguyên sinh, những thác nước hùng vĩ... tất cả tạo nên một bức tranh tuyệt đẹp. Đây chính là "mỏ vàng" để Bá Thước phát triển du lịch sinh thái, kết hợp hài hòa giữa bảo tồn thiên nhiên và phát huy giá trị văn hóa.

Để khai thác hiệu quả tiềm năng này, UBND huyện Bá Thước đã xây dựng Kế hoạch số 129 về phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025. Theo đó, xã Thành Lâm đã đẩy mạnh việc bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc, từ nghề dệt thổ cẩm đến các làn điệu dân ca, dân vũ truyền thống. Những hoạt động này không chỉ giúp duy trì giá trị văn hóa mà còn tạo thêm sinh kế cho người dân, đồng thời góp phần thực hiện hiệu quả Dự án 6 về "Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch" tại địa phương.

hanh-trinh-chuyen-minh-nho-du-lich-1-1740148354.png
Pù Luông hiện lên với những thửa ruộng bậc thang mềm mại uốn quanh những nếp nhà sàn.

Nhận thức được tầm quan trọng của văn hóa trong sự phát triển bền vững của du lịch, chính quyền và người dân Bá Thước đã không ngừng nỗ lực bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp. Từ nghề dệt thổ cẩm đến các làn điệu dân ca, dân vũ, tất cả đều được trân trọng và gìn giữ.

Chị Phạm Thị Mây, một người dân thôn Báng, xã Thành Lâm, chia sẻ: “Tôi rất vui khi được tham gia các lớp tập huấn múa dân tộc. Nhờ đó, tôi và các thành viên trong đội văn nghệ có thể biểu diễn phục vụ khách du lịch, cải thiện thu nhập đáng kể.” Câu chuyện của chị Mây là minh chứng sống động cho thấy sự gắn kết giữa văn hóa và du lịch không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn góp phần lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống đến du khách.

Hiện nay, xã Thành Lâm đã thành lập được hai câu lạc bộ văn nghệ và sáu đội văn nghệ quần chúng, thu hút đông đảo người dân tham gia. Các câu lạc bộ này thường xuyên biểu diễn tại các điểm du lịch cộng đồng, tạo nên những chương trình nghệ thuật dân tộc đặc sắc, hấp dẫn du khách. Đặc biệt, với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, các đội văn nghệ còn được kết nối với các cơ sở lưu trú để biểu diễn phục vụ du khách, biến những điệu múa, lời ca của dân tộc Thái thành sản phẩm du lịch độc đáo.

Những điệu múa xòe, nhảy sạp, tiếng khèn, tiếng chiêng không chỉ là hồn cốt của người Thái mà giờ đây còn là cầu nối giữa bản sắc văn hóa và kinh tế du lịch, góp phần nâng cao đời sống cho người dân địa phương.

Du lịch sinh thái Pù Luông đang tạo ra những tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội của Bá Thước. Ngày càng có nhiều du khách đến với Pù Luông, kéo theo nguồn thu nhập cho người dân địa phương. Nhiều hộ gia đình đã chuyển đổi từ làm nông nghiệp sang làm du lịch, dịch vụ. Họ mở homestay, nhà hàng, bán hàng thủ công... để phục vụ du khách. Nhờ đó, đời sống của người dân ngày càng được cải thiện.

Cải thiện hạ tầng, nâng cao chất lượng dịch vụ

Để đáp ứng nhu cầu du lịch ngày càng tăng, Bá Thước đã và đang đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng. Đường xá được nâng cấp, điện lưới được kéo về tận bản làng, các công trình công cộng được xây dựng... Nhờ đó, việc đi lại, giao thương của người dân trở nên thuận tiện hơn. Đồng thời, du khách cũng có điều kiện tốt hơn để khám phá vẻ đẹp của Pù Luông.

hanh-trinh-chuyen-minh-nho-du-lich-2-1740148414.jpg
Cọn nước tại xã Ban Công, (Bá Thước), nơi thu hút đông đảo du khách đến khám phá và check-in

Theo thống kê, hiện trên địa bàn huyện Bá Thước có 114 cơ sở lưu trú dạng homestay, khu nghỉ dưỡng. Trong đó, riêng Pù Luông có 92 cơ sở, với 125 nhà sàn, 202 bungalow, 304 buồng phòng và 1.012 giường.

Chỉ tính riêng đợt nghỉ lễ 2/9/2024, Khu du lịch sinh thái cộng đồng Pù Luông đã đón 52.000 lượt khách nội địa và 7.500 lượt khách quốc tế. Lượng khách lưu trú tại các khu nghỉ dưỡng, homestay đạt 20.000 lượt, khách tham quan các điểm đến là 39.500 lượt.

Phát triển du lịch sinh thái không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc. Những nét văn hóa độc đáo như trang phục, ẩm thực, lễ hội... được du khách quan tâm, tìm hiểu. Đây là cơ hội để quảng bá những giá trị văn hóa này ra thế giới.

Bên cạnh việc phát triển du lịch cộng đồng, Bá Thước còn chú trọng tạo ra sự bền vững cho người dân thông qua các mô hình kinh tế gắn kết với du lịch sinh thái. Nhiều gia đình đã mạnh dạn đầu tư vào mô hình homestay kết hợp với các hoạt động trải nghiệm như hướng dẫn du khách làm nông nghiệp, dệt thổ cẩm, nấu ăn truyền thống. Những hoạt động này không chỉ mang lại trải nghiệm thực tế cho du khách mà còn giúp người dân có nguồn thu nhập ổn định.

hanh-trinh-chuyen-minh-nho-du-lich-2-1740148522.png
Ngoài phát triển du lịch, huyện Bá Thước cũng chú trọng đến công tác khôi phục và phát triển làng nghề truyền thống

Ngoài ra, chính quyền huyện cũng hỗ trợ người dân phát triển các sản phẩm đặc sản địa phương như rượu cần, mật ong rừng, bông nếp Pù Luông... Những sản phẩm này không chỉ được tiêu thụ tại chỗ mà còn được đưa vào hệ thống các cửa hàng đặc sản, giúp mở rộng thị trường và tăng giá trị kinh tế.

Bên cạnh đó, chất lượng dịch vụ tại các cơ sở lưu trú cũng không ngừng được nâng cao. Nhiều homestay, khu nghỉ dưỡng đã được đầu tư bài bản theo tiêu chuẩn cao hơn, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của du khách. Đặc biệt, các khóa đào tạo về kỹ năng phục vụ, hướng dẫn du lịch cũng được tổ chức thường xuyên để nâng cao chất lượng nhân lực địa phương.

Trong thời gian tới, Bá Thước tiếp tục thúc đẩy phát triển du lịch theo hướng bền vững, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên và gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc. Huyện đã có kế hoạch phát triển các dự án du lịch xanh, khuyến khích các cơ sở lưu trú sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường, hạn chế rác thải nhựa, đồng thời thực hiện các chương trình nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ thiên nhiên.

Hành trình chuyển mình của Bá Thước là minh chứng rõ nét cho thấy, với sự quyết tâm, nỗ lực và hướng đi đúng đắn, vùng cao xứ Thanh hoàn toàn có thể vượt qua khó khăn, vươn tới tương lai tươi sáng. Pù Luông, từ "viên ngọc quý" của núi rừng, đã và đang trở thành "đòn bẩy" quan trọng, thúc đẩy sự phát triển toàn diện của Bá Thước./.

Hà Khải