Quảng Bình triển khai các giải pháp thúc đẩy phát triển chế biến nông, lâm, thủy sản và muối

UBND tỉnh Quảng Bình vừa ban hành Kế hoạch số 2131/KH-UBND-KT về việc triển khai thực hiện Chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040.

Kế hoạch hướng đến mục tiêu phát triển ngành công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản và muối có đủ năng lực chế biến đảm bảo đầu ra cho sản xuất nông nghiệp, đạt trình độ công nghệ từ trung bình tiên tiến trở lên; sản phẩm đáp ứng tốt yêu cầu của thị trường tiêu thụ, có khả năng cạnh tranh cao, chất lượng và an toàn thực phẩm; tăng thu nhập, cải thiện đời sống của người dân, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ, cơ sở sản xuất kinh doanh, hợp tác xã, tổ hợp tác trên địa bàn đến 2030 đảm bảo đạt kết quả tốt.

Trong đó, giai đoạn 2022 - 2025, tốc độ tăng thu nhập từ chế biến nông, lâm, thủy sản và muối đạt từ 05 - 08%/năm; các cơ sở sơ chế, chế biến thực phẩm nông, lâm, thủy sản và muối thuộc đối tượng cấp Giấy chứng nhận Cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm: Tỷ lệ cơ sở qua thẩm định xếp loại A, B và được cấp Giấy chứng nhận Cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đạt từ 98% trở lên; các cơ sở thuộc diện ký cam kết tuân thủ quy định an toàn thực phẩm: Tỷ lệ ký cam kết đạt 100%; kiểm tra sau ký cam kết đạt từ 50% trở lên; tỷ lệ cơ sở sơ chế, chế biến thực phẩm nông, lâm, thủy sản và muối áp dụng chương trình quản lý chất lượng theo hệ thống phân tích mối nguy và kiểm soát điểm tới hạn (HACCP), tiêu chuẩn quốc tế về hệ thống quản lý an toàn thực phẩm (ISO 2200) hoặc tiêu chuẩn tương đương tăng bình quân 10%/năm; tỷ lệ sản phẩm chế biến sâu (làm sẵn, ăn liền) tăng bình quân 10%/năm.

Tiếp đến giai đoạn 2026 - 2030, tốc độ tăng giá trị hàng nông, lâm, thủy sản và muối qua chế biến đạt 8 - 10%/năm; tổn thất sau thu hoạch nông sản chủ lực giảm từ 0,5% đến 1,0 %/năm; trên 70% số cơ sở chế biến các mặt hàng nông, lâm, thủy sản và muối xuất khẩu chủ lực đạt trình độ công nghệ sản xuất tiên tiến; tỷ trọng giá trị xuất khẩu nông sản chủ lực đạt 60% là sản phẩm chế biến; tốc độ tăng năng suất lao động đạt trên 07%/năm; tỷ lệ cơ sở sơ chế, chế biến thực phẩm nông, lâm, thủy sản và muối được chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm hoặc ký cam kết tuân thủ quy định an toàn thực phẩm đạt và duy trì 100%; tỷ lệ cơ sở sơ chế, chế biến thực phẩm nông lâm, thủy sản và muối áp dụng HACCP, ISO 2200 (hoặc tương đương) tăng bình quân 15%/năm.

1-tno-5084-1668858325.jpeg
Một góc làng muối bên sông tại Quảng Bình. Ảnh minh hoạ

Ngoài ra, phấn đấu 10 - 20% sản phẩm nông lâm, thủy sản và muối xây dựng được thương hiệu có uy tín, 30 - 40% sản phẩm truy xuất được nguồn gốc; tỷ lệ sản phẩm chế biến sâu tăng bình quân 15%/năm, tỷ trọng sản lượng sản phẩm chế biến sâu, có giá trị gia tăng cao đạt 30% trở lên, giá trị xuất khẩu đạt từ 90 - 110 triệu USD; hình thành một số doanh nghiệp chế biến nông sản hiện đại, có tiềm lực kinh tế và trình độ quản lý hiệu quả; các cụm công nghiệp chế biến nông sản gắn với phát triển vùng sản xuất nguyên liệu tập trung được cơ giới hóa đồng bộ và kết nối tiêu thụ nông sản.

Bên cạnh đó, kế hoạch nhằm tập trung thúc đẩy các sản phẩm chế biến nông, lâm, thủy sản và muối tại địa phương; đảm bảo ngành công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản và muối trên địa bàn có đủ năng lực chế biến đảm bảo đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp; sản phẩm đáp ứng tốt yêu cầu của thị trường tiêu thụ, có khả năng cạnh tranh cao, chất lượng và an toàn thực phẩm; góp phần tăng nhanh giá trị gia tăng và kim ngạch xuất khẩu; đồng thời xây dựng, phát triển thành công một số doanh nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản và muối có quy mô lớn, hiện đại, có năng lực cạnh tranh.

Kế hoạch nhấn mạnh tới các nhiệm vụ cụ thể để nâng cao hiệu quả các mục tiêu ở trên. Trong đó, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tập trung phát triển chế biến theo nhóm sản phẩm, ưu tiên phát triển nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia, cấp tỉnh, sản phẩm OCOP và đặc sản địa phương. Đặc biệt hướng sản xuất đến nhóm sản phẩm trồng trọt bao gồm: lúa gạo, sắn, rau quả các loại, hồ tiêu; các sản phẩm chăn nuôi;  Gỗ, sản phẩm từ gỗ, lâm sản ngoài gỗ;  Thủy sản; Muối;  Phát triển chế biến sản phẩm OCOP, đặc sản địa phương. 

Đồng thời, phát triển các cụm liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ làm cơ sở để thúc đẩy hoạt động xuất khẩu; Hỗ trợ cơ sở chế biến nông, lâm, thủy sản và muối, xây dựng cải tạo, nâng cấp nhà xưởng, trang thiết bị chế biến, bảo đảm ATTP; áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến HACCP, ISO 2200 (hoặc tương đương); Xúc tiến thương mại, phát triển thị trường sản phẩm chế biến nông, lâm, thủy sản và muối; Tuyên truyền, tập huấn, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản và muối. 

Thi Nguyên (t/h)