Sở Công Thương Yên Bái cho biết, thời gian qua, ngành Công Thương đã tham mưu với tỉnh xây dựng và phê duyệt Quy hoạch phát triển chế biến gỗ rừng trồng tỉnh Yên Bái; định hướng phát triển công nghiệp chế biến gỗ của tỉnh theo hướng đầu tư chiều sâu, tạo bước đột phá trong đổi mới công nghệ, thiết bị nhằm tăng giá trị gia tăng của sản phẩm gỗ, nâng cao hiệu suất sử dụng nguyên liệu, trên cơ sở đầu tư chế biến tổng hợp của một hoặc nhiều doanh nghiệp…
Được biết, với tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp quy hoạch cho sản xuất lâm nghiệp khoảng 469.857 ha, Yên Bái là địa phương có sản lượng gỗ lớn trong khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc. Hằng năm địa phương này triển khai trồng trên 15.000 ha rừng các loại, khối lượng gỗ khai thác hằng năm đạt trên 480.000 m3.
Bên cạnh đó, diện tích rừng sản xuất tăng nhanh nhờ thực hiện chính sách giao đất, giao rừng, các dự án trồng rừng, khuyến khích các thành phần kinh tế trồng và phát triển vốn rừng. Mỗi năm toàn tỉnh trồng bình quân trên 15.000 ha rừng các loại, sản lượng gỗ có thể khai thác hàng năm gần 700.000 m3 các loại như: Keo, bồ đề, bạch đàn… và trên 150.000 tấn tre, vầu, nứa và khoảng 604.000 tấn củi. Đây là nguồn nguyên liệu phong phú cho công nghiệp chế biến gỗ, giấy, ván dăm và viên nén.
Nhờ đó, ngành công nghiệp chế biến gỗ, lâm sản trên địa bàn tỉnh Yên Bái tương đối phát triển, nhiều cơ sở chế biến gỗ đã đầu tư máy móc, thiết bị tiên tiến, hiện đại vào sản xuất nên sản phẩm cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 520 cơ sở chế biến gỗ; trong đó, có 44 doanh nghiệp, công ty và 476 hộ cá thể, tập trung chủ yếu trên địa bàn các huyện: Trấn Yên, Yên Bình, Lục Yên, Văn Yên, Văn Chấn và thành phố Yên Bái.
Chất lượng sản phẩm ngày càng được nâng cao. Tính riêng năm 2021, sản lượng ván ghép thanh đạt 5.000 m3, ván ép 140.000 m3, đũa gỗ xuất khẩu đạt 700 triệu đôi, viên nén nhiên liệu 40.000 tấn, ván bóc đạt 500.000 m3, ván xẻ thanh đạt 90.000 m3. Các sản phẩm ván ép, ván ghép thanh, đũa gỗ, viên nén đã được xuất khẩu đến các thị trường Hàn Quốc, Trung Quốc, Hoa Kỳ.
Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành công nghiệp chế biến gỗ còn gặp một số khó khăn, hạn chế. Đa số các cơ sở chế biến gỗ là các cơ sở nhỏ, quy mô hộ gia đình, sản phẩm sản xuất ra là gỗ xẻ quy cách thô, giá trị thấp. Nguồn nguyên liệu đầu vào khan hiếm, dẫn đến tình trạng cạnh tranh giữa các đơn vị thu mua nguyên liệu chế biến, đặc biệt là cạnh tranh giữa các doanh nghiệp sản xuất: gỗ ván bóc, ván ghép thanh.
Nguồn lao động tham gia sản xuất còn thiếu, thuê mướn theo mùa vụ, không ổn định và chủ yếu làm việc theo kinh nghiệm. Thị trường tiêu thụ không ổn định, thiếu bền vững, giá cả bấp bênh như sản phẩm gỗ rừng trồng, giấy đế, giấy vàng mã. Một số doanh nghiệp sản xuất gỗ rừng trồng xuất qua đơn vị trung gian để xuất sang thị trường Hoa Kỳ, bị ảnh hưởng bởi vụ việc điều tra lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với gỗ dán sử dụng nguyên liệu gỗ cứng nhập khẩu từ Việt Nam.
Trước những hạn chế trên, để công nghiệp chế biến gỗ rừng trồng phát triển, thời gian tới, Yên Bái làm tốt công tác quy hoạch và phát triển vùng nguyên liệu; thực hiện chuyển hóa từ rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn; mở rộng diện tích cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC).
Cùng với đó, khuyến khích các doanh nghiệp tập trung phát triển mạnh năng lực chế biến bằng cách mở rộng sản xuất, đổi mới công nghệ sản xuất cũ, lạc hậu bằng công nghệ tiên tiến phù hợp, tăng cường chế biến sâu để nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm. Trong đó, khuyến khích các doanh nghiệp chế biến đổi mới dây chuyền công nghệ hiện đại như ván sợi MDF, ván ghép thanh, ván dán.
Trong 9 tháng của năm 2022, tỉnh đã thu hút được 5 dự án đầu tư trong lĩnh vực chế biến nông lâm sản công nghệ cao với tổng vốn đầu tư đăng ký là 346,9 tỷ đồng.
Giải pháp liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị trồng rừng tại Yên Bái đã và đang là khâu đột phá, mở ra hướng đi đúng đắn trong việc duy trì vững chắc độ che phủ rừng, tạo động lực thúc đẩy đổi mới công nghệ chế biến và nâng cao giá trị kinh tế lâm sản, nhằm hướng tới mục tiêu sớm đưa Yên Bái trở thành trung tâm chế biến, xuất khẩu lâm sản của vùng trung du và miền núi phía Bắc trong thời gian tới.