Quảng Bình: Người dân hối hả neo đậu tàu thuyền tránh bão số 4

Trước diễn biến của áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão số 4, ngư dân tại tỉnh Quảng Bình đã đưa tàu thuyền vào khu vực an toàn tránh trú trước nguy cơ áp thấp nhiệt đới mạnh thành bão.Nhiều ngư dân đưa thuyền lên bờ để tránh bão.
screenshot-109-1726704032.png
Tàu, thuyền tại Quảng Bình đã vào các khu neo đậu để tránh, trú bão số 4.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, vào hồi 4 giờ sáng 19/9, vị trí tâm bão số 4 ở vào khoảng 17,3 độ vĩ Bắc; 109,8 độ kinh Đông, cách Đàn Nẵng 210km về phái Đông Bắc, cách Quảng Trị khoảng 260km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (62 - 74km/h), giật cấp 10; di chuyển chủ yếu theo hướng Tây với tốc độ 20km/h.

Các tỉnh Quảng Trị - Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng sẽ có mưa to đến rất to với lượng mưa 200-300mm, có nơi trên 600mm (thời gian mưa từ sáng sớm 18 - 19/9).

Theo ghi nhận của phóng viên, khi nghe được thông tin áp thấp nhiệt đới có thể mạnh lên thành bão và ảnh hưởng trực tiếp vào địa phương, người dân tại xã Bảo Ninh, TP. Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình chuyển tàu, thuyền vào âu thuyền hoặc đưa lên bờ để ứng phó với mưa bão.

img-9137-5129-1726704025.jpg
Nhiều ngư dân tại Quảng Bình cẩu tàu, thuyền đưa lên bờ tránh bão số 4.

Ông Nguyễn Văn Than (trú tại thôn Mỹ Cảnh, xã Bảo Ninh, Tp Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình) cho biết: Thuyền của tôi câu mực nhảy, chiều đi tối lại về.  Khi nắm được thông tin áp thấp nhiệt đới gần bờ, để đảm bảo tài sản không mất mát, hư hỏng, tôi đã cẩu thuyền lên bờ kê cao, chằng buộc cẩn thận giúp thuyền an toàn, tôi đã chuyển thuyền lên bờ nhằm tránh gây thiệt hại.

Không chỉ ông Than, nhiều người dân tại xã Bảo Ninh đã chủ động chuẩn bị ứng phó với áp thấp nhiệt đới từ chiều 17/9, chủ yếu tập trung vào tài sản như tàu, thuyền, vì đây là ngành nghề chính của bà con. Về nhà cửa, thường ở gần biển, được xây kiên cố nên phần nào yên tâm.

Anh Võ Bá Phong (thôn Sa Động, xã Bảo Ninh, Tp Đồng Hới) cũng đang thuê xe để cẩu thuyền lên bờ tránh áp thấp nhiệt đới. 

Anh Phong cho hay: Mỗi có mưa bão là chúng tôi thuê máy cầu tàu thuyền lên bờ. Mỗi lần cẩu thuyền lên bờ như thế này chúng tôi phải chi ra khoảng 600 - 700 ngàn đồng. Khi tài sản lên bờ, nếu có bão to tôi cũng yên tâm hơn.

cb-13-1726703926.jpg
Tàu thuyền được chằng néo cẩn thận.

Còn ông Võ Công Nguyên - chủ tàu cá QB83017 TS cũng cho biết: Với chúng tôi, chiếc thuyền là tài sản lớn nhất của ngư dân. Sau khi nhận thông báo, tôi cùng các anh em trên tàu di chuyển về cửa sông Loan tránh trú, hỗ trợ nhau chằng, buộc, kiểm tra tàu. Vào neo đậu khi có mưa bão phải che chắn, chằng buộc cẩn thận để tránh thiệt hại không đáng có.

Theo báo cáo của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình, trên địa bàn toàn tỉnh có 7.313 phương tiện/18.979 lao động. Neo đậu tại bến là 7.309 phương tiện. Đến 15 giờ 00 ngày 18/9 còn 04 phương tiện/24 lao động hoạt động trên vùng biển Nam Vịnh Bắc Bộ đang di chuyển vào bờ. Việc tàu thuyền tránh trú tại đây giúp tài sản của người dân được đảm bảo an toàn.

Bên cạnh việc đưa tàu thuyền tránh trú và lên bờ, các hộ dân cũng đã chuẩn bị những bao cát để chằng chống, gia cố nhà cửa trước khi bão đổ bộ.

cb7-1726704002.jpg
Chủ tàu, thuyền che chắn phương tiện khi neo đậu tại các khu neo đậu tránh trú bão.

Trước đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình đã ra Công điện về việc chủ động ứng phó với diễn biến của áp thấp nhiệt đới có thể mạnh lên thành bão và mưa lớn. Công điện số 13/CĐ-BCH ngày 16/9/2024 của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN kiêm Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự (PTDS) tỉnh; tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lớn, kịp thời chỉ đạo, triển khai phương án ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ”. Thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ huy PCTT&TKCN) kiêm Ban Chỉ huy PTDS tỉnh qua Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN kiêm Ban Chỉ huy PTDS tỉnh.

Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cảng vụ Hàng hải Quảng Bình, UBND các huyện, thành phố, thị xã ven biển tập trung rà soát, kiểm đếm tàu hàng, tàu cá đang hoạt động trên biển, đặc biệt lưu ý các loại thuyền nan, thuyền nhỏ. Bằng mọi biện pháp thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để không đi vào hoặc thoát ra khu vực nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú an toàn; hướng dẫn neo đậu tàu thuyền, triển khai công tác đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tại nơi tránh trú, không để tàu thuyền hư hỏng do va chạm khi neo đậu.

Tổ chức, hướng dẫn gia cố và thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn về người, tài sản trên các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản; chỉ đạo các tổ, đội đánh bắt trên biển duy trì liên lạc và hỗ trợ nhau khi có sự cố. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu. Tổ chức cấm biển bắt đầu từ 0 giờ 00 ngày 19/9/2024 cho đến khi biển an toàn, không còn cảnh báo rủi ro thiên tai theo dự báo, cảnh báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia.

cb4-1726704010.jpg
Đến chiều 18/9, tàu thuyền đang hoạt động trên biển tại Quảng Bình đã vào bờ tráu bão số 4.

Nhằm bảo đảm an toàn cho tàu thuyền hoạt động trên vùng biển Quảng Bình, các đơn vị thuộc lực lượng Bộ đội Biên phòng, Sở NN&PTNT, UBND các huyện, thị xã ven biển… đang tập trung rà soát, kiểm đếm tàu hàng, tàu cá đang hoạt động trên biển.

Theo đó, UBND tỉnh Quảng Bình yêu cầu, bằng mọi biện pháp, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để không đi vào hoặc thoát ra khu vực nguy hiểm, về nơi tránh trú an toàn./.

Nguyễn Duyên