Nội dung trên là một trong những chủ đề được thảo luận tại Tọa đàm “Giải pháp triển khai vùng phát thải thấp tại Hà Nội” diễn ra sáng 21/1.
Nhận diện 6 nhóm nguyên nhân chủ yếu dẫn đến ô nhiễm không khí
Thông tin tại Tọa đàm, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng: Ô nhiễm không khí đang diễn biến phức tạp ở Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phía Bắc. Từ đầu mùa Đông đến nay, Hà Nội trải qua nhiều đợt ô nhiễm không khí nghiêm trọng, kéo dài. Theo kết quả nghiên cứu, kiểm kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Thế giới cho thấy giao thông (bao gồm cả bụi đường) là nguồn gây ô nhiễm chính, làm bẩn bầu không khí Thủ đô.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, có 6 nhóm nguyên nhân chủ yếu dẫn đến ô nhiễm không khí, bao gồm: Xây dựng; giao thông vận tải, sản xuất công nghiệp, đốt mở, dân sinh và khí hậu thời tiết.
Trước thực trạng trên, nhiều ý kiến cho rằng Hà Nội và các đô thị lớn chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi ô nhiễm không khí cần “hành động khẩn cấp” bằng cách kiểm soát chặt các nguồn thải; cấm các phương tiện xe không đạt tiêu chí về lượng phát thải, gây ô nhiễm không khí...
Nêu ý kiến tại Tọa đàm, bà Lưu Thị Thanh Chi - Phó trưởng phòng Quản lý Môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) cho rằng những ngày cuối năm, ô nhiễm không khí luôn là vấn đề nhức nhối.
Nguyên nhân chủ yếu, theo bà Chi là do điều kiện khí hậu thời tiết không thuận lợi. Ở tầng thấp có nhiều sương mù khiến không khí đặc quánh, ứ đọng. Tình trạng này càng nghiêm trọng hơn khi lưu lượng phương tiện tham gia giao thông trong thành phố và từ các tỉnh về Hà Nội đông hơn so với những thời gian khác trong năm, khiến chất lượng không khí của thành phố bị ảnh hưởng xấu do bụi đường, khí thải từ các phương tiện giao thông.
Theo thống kê quý IV năm 2024, tại trạm quan trắc cố định và liên tục trên địa bàn thành phố Hà Nội, chỉ số ô nhiễm không khí đạt mức kém là 48,91%, đạt mức xấu là 44,37%. Thời điểm chất lượng không khí ảnh hưởng sức khoẻ người dân trong quãng thời gian này chiếm nhiều hơn so với những thời điểm khác trong cả năm.
Bà Nguyễn Hoàng Ánh - Trưởng Phòng Quản lý chất lượng môi trường (Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường) cũng nhấn mạnh mức độ ô nhiễm đang gia tăng qua các năm là vấn đề thực sự lo ngại.
Theo bà Ánh, có 6 nhóm nguyên nhân chủ yếu dẫn đến ô nhiễm không khí, bao gồm: Xây dựng; giao thông vận tải; sản xuất công nghiệp; đốt mở; dân sinh; và khí hậu thời tiết. Trong đó, tình trạng ô nhiễm thường bùng phát dịp cuối năm do các hoạt động kinh tế xã hội đạt mức cao nhất, xây dựng ồ ạt, giao thương hàng hóa tấp nập, các nhà máy xí nghiệp tăng công suất tối đa, cộng thêm “chăn ấm” của khí hậu thời tiết ủ vào khiến chỉ số ô nhiễm không khí tăng đột biến.
Kiểm soát nguồn phát thải gây ô nhiễm, khuyến khích phương tiện giao thông xanh
Tiến sỹ Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam (nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường) cũng cho biết các báo cáo, nghiên cứu khoa học của các chuyên gia cũng như Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chỉ ra không khí tại Hà Nội thường ô nhiễm nhất vào mùa Đông. Đặc biệt năm nay, tình trạng ô nhiễm trầm trọng hơn là do ít mưa.
Trước thực trạng nêu trên, Tiến sỹ Hoàng Dương Tùng nhấn mạnh ngoài việc kiểm soát các nguồn thải có nguyên nhân từ hoạt động xây dựng, sản xuất, nông nghiệp, đốt rác,... các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là Hà Nội cần phải nghiên cứu về vùng môi trường có tác động đến chất lượng không khí ở thành phố.
“Ví dụ như hoạt động của các nhà máy ximăng tại Hà Nam hay đốt rơm rạ ở Thái Bình sẽ có tác động không nhỏ tới môi trường của Hà Nội. Chỉ khi kiểm soát được các nguồn phát thải ảnh hưởng đến chất lượng môi trường Thủ đô thì tình trạng ô nhiễm không khí mới dần cải thiện được”, ông Tùng nói.
Theo ông Nguyễn Hữu Tiến - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, công nghệ và môi trường, Bộ GTVT nhận định: Việc kiểm soát khí thải phương tiện giao thông được Bộ GTVT nghiên cứu sớm, trong đó việc kiểm soát khí thải xe máy được nghiên cứu từ năm 2010. Trong quá trình làm, các chuyên gia đã có nhiều khuyến nghị vì tác động xác hội lớn, bởi giao thông của Việt Nam nói chung và của Hà Nội nói riêng có tính đặc thù, đặc thù là xe máy.
Bởi vì liên quan đến tác động xã hội và vấn đề pháp lý, việc kiểm định khí thải xe máy đến năm 2022 mới đưa vào Luật Bảo vệ môi trường, năm 2024 đưa vào Luật An toàn giao thông. Từ đó mới có đủ cơ sở pháp lý cần thiết để kiểm định khí thải xe máy.
Kiểm định khí thải xe máy là việc lớn, trước tiên cần thay đổi thói quen sử dụng phương tiện, từ sử dụng phương tiện cá nhân sang phương tiện công cộng, từ phương tiên sử dụng năng lượng xanh thay năng lượng hoá thạch…
Việc kiểm soát khí thải, giao thông xanh liên quan đến nhiều bộ, ngành, thậm chí các địa phương. Chủ trương chính sách đã có, ý tưởng đã thông, cần phải được nhân dân ủng hộ. Để được sự đồng tình của người dân rất cần sự đồng hành, tham gia của các cơ quan truyền thông.
Nhận định về tính cấp thiết của vấn đề kiểm soát ô nhiễm, bà Nguyễn Hoàng Ánh - Trưởng Phòng Quản lý chất lượng môi trường, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường cho rằng: Giao thông xanh là thực sự cần thiết để đảm bảo tiến trình phát triển bền vững. Tuy nhiên, phải có góc nhìn rộng bởi giao thông xanh là hành vi ứng xử, từ phương tiện, quy trình vận hành, người vận hành... đến yếu tố ngoại cảnh, tích hợp lại thành văn hóa giao thông xanh.
Cơ chế chính sách, khung pháp lý chung đã được hình thành, giờ phải thực hành nó. Qua các bài học thí điểm của Hà Nội thực hành, rồi mới biết nó hổng ở đâu, người dân, doanh nghiệp, chính quyền được hưởng lợi gì? Từ đó phân tích thiếu hụt trong hệ thống chính sách, đang thiếu gì để tất cả đều “win”. Do đó phải hành động ngay, bắt đầu ngay.
Về phía địa phương, bà Lưu Thị Thanh Chi cho hay: Tại Kỳ họp lần thứ 20 vừa qua, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội cũng đã thông qua Nghị quyết Quy định thực hiện vùng phát thải thấp trên địa bàn thành phố. Hà Nội cũng đã đưa vùng phát thải thấp vào Luật Thủ đô để giảm nguồn ô nhiễm không khí từ giao thông.
Bà Chi thông tin, thực hiện thí điểm vùng phát thải thấp trong năm 2025, Hà Nội sẽ có cơ chế đặc thù về thuế phí, khoanh vùng khu vực làm vùng phát thải thấp, hạ tầng giao thông, kết nối giao thông công cộng và giao thông cá nhân, hệ thống camera giám sát và lực lượng giám sát; dán tem cho các phương tiện sử dụng năng lượng xanh, năng lượng sạch.
Hà Nội cũng vừa phê duyệt đề án phát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng bằng xe buýt sử dụng năng lượng xanh, điện trên thành phố; tiến tới Hà Nội đạt tỉ lệ 100% xe buýt sử dụng năng lượng điện và năng lượng xanh trong năm 2035./.