Chuyển đổi số Hà Nam với tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình dẫn đầu cả nước

Chuyển đổi số không còn là xu hướng mà đã trở thành yếu tố sống còn đối với sự phát triển của các tỉnh, thành phố trên cả nước. Hà Nam với tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình đứng đầu quốc gia đang là hình mẫu trong hành trình cải cách hành chính.

Nỗ lực và quyết tâm chuyển đổi số của tỉnh

Sau thời gian thực hiện nghị quyết số 24-NQ/TƯ ngày 25/4/2022 của Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Hà Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (nghị quyết số 24), công tác hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, tạo môi trường pháp lý cho chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh đã được quan tâm và đạt được kết quả tích cực.

Chuyển đổi số được đẩy mạnh trong  tất cả các ngành nghề, lĩnh vực: y tế, giáo dục, du lịch, giao thông vận tải, sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, tài chính – ngân hàng, thương mại – dịch vụ… từ đó, từng bước thúc đẩy phát triển 3 trụ cột chính là chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và xác định đây là một trong những động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

ct-ha-nam-1737653769.jpg
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam Trương Quốc Huy.

Trước đó Phát biểu tại hội nghị chuyển đổi số doanh nghiệp Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Trương Quốc Huy khẳng định: “Hà Nam luôn xác định chuyển đổi số là một phương thức phát triển mới, giúp đẩy nhanh, rút ngắn quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và của tỉnh. Ý thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số, thời gian qua tỉnh Hà Nam đã và đang tích cực đẩy mạnh chuyển đổi số ở cả 3 trụ cột đó là: Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số”.

Bắt đầu từ việc xây dựng và triển khai nền tảng dịch vụ công trực tuyến, Hà Nam đã đưa vào hoạt động hệ thống một cửa điện tử, giúp người dân và doanh nghiệp có thể thực hiện các thủ tục hành chính mọi lúc, mọi nơi. Các lĩnh vực từ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đăng ký kinh doanh, đến các thủ tục về thuế, xây dựng đều có thể giải quyết trực tuyến, tiết kiệm thời gian và chi phí.

Để đạt được thành công cần triển khai đồng bộ các giải pháp trong đó chính sách và chiến lược định hướng rõ ràng chính là một trong những yếu tố then chốt giúp Hà Nam đạt được tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình đứng đầu cả nước. Với chiến lược phát triển hệ thống hạ tầng công nghệ đồng bộ và hiệu quả. Tỉnh đã chủ động đầu tư vào cơ sở hạ tầng mạng lưới điện tử, bảo mật dữ liệu và tích hợp các dịch vụ công trên một nền tảng duy nhất, tạo ra sự kết nối liền mạch giữa các cơ quan chức năng và người dân.

Theo Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nam, bước đi đầu tiên trong chuyển đổi số là xây dựng môi trường làm việc số cho các cán bộ công chức. Việc đào tạo, nâng cao năng lực sử dụng công nghệ thông tin cho đội ngũ cán bộ là yếu tố then chốt, đảm bảo các thủ tục hành chính không chỉ thực hiện nhanh chóng mà còn chính xác, minh bạch. Trong đó chuyển đổi số được xác định vơi 3 trụ cột chính là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. trong đó chính quyền số là trụ cột ưu tiên hàng đầu được tỉnh khởi động từ nền tảng chính quyền điện tử.

Bên cạnh đó, tỉnh Hà Nam đã triển khai các giải pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong việc tiếp cận dịch vụ công trực tuyến. Cán bộ công chức thường xuyên tổ chức các buổi hướng dẫn và giải đáp thắc mắc, giúp người dân dễ dàng làm quen và sử dụng các dịch vụ.

20230522153944-97dau-1737654218.jpg
Hà Nam nỗ lực thúc đẩy quá trình chuyển đổi số thành công với tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình dẫn đầu cả nước.

Với những bước đi bài bản và quyết liệt, Hà Nam đã đạt được kết quả ấn tượng: tỷ lệ hồ sơ giải quyết qua dịch vụ công trực tuyến toàn trình hiện nay dẫn đầu cả nước với tỷ lệ 68,54% trong tổng số 168.000 hồ sơ thủ tục hành chính của tỉnh được giải quyết trực tuyến toàn trình. Thành tích này giúp Hà Nam vượt qua các tỉnh, thành phố lớn như: Đà Nẵng (58,89%), Hà Giang (55,76%) và Nam Định (52,96%)... Đây là một thành tựu đáng tự hào, cho thấy Hà Nam đã thực sự đột phá trong việc áp dụng công nghệ vào công tác hành chính.

Bà Lê Thị Lan, một người dân sống tại TP Phủ Lý, chia sẻ: "Những năm trước, tôi luôn phải mất cả ngày để làm thủ tục hành chính, nhưng giờ đây tôi có thể làm tất cả mọi thứ qua mạng mà không phải đi đâu”.

Hệ thống dịch vụ công trực tuyến của tỉnh Hà Nam không chỉ giúp giảm thiểu chi phí cho người dân và doanh nghiệp mà còn nâng cao hiệu quả công việc của các cơ quan hành chính.

Hà Nam dẫn đầu cả nước về hồ sơ trực tuyến toàn trình

Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông về tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình của các Bộ, ngành và địa phương trong năm 2024, hệ thống EMC ghi nhận có 8 cơ quan và địa phương đạt tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình trên 50%. Các cơ quan này bao gồm: Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, cùng các địa phương: Hà Nam, Đà Nẵng, Hà Giang và Nam Định.

Ở khối Bộ, ngành, Bộ Công Thương dẫn đầu với 1,488 triệu hồ sơ trực tuyến toàn trình, chiếm 83,48%. Các Bộ: Tài chính và Tư pháp theo sau với tỷ lệ cao, tiếp tục thể hiện sự chuyển mình mạnh mẽ trong cải cách hành chính.

Khối tỉnh, thành phố, Hà Nam dẫn đầu với tỷ lệ 68,54% trong tổng số 168.000 hồ sơ thủ tục hành chính của tỉnh được giải quyết trực tuyến toàn trình. Thành tích này giúp Hà Nam vượt qua các tỉnh, thành phố lớn như: Đà Nẵng (58,89%), Hà Giang (55,76%) và Nam Định (52,96%). Đặc biệt, một số tỉnh, thành khác có tỷ lệ dưới 50%, trong khi Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội thuộc nhóm thấp nhất, dưới 10%.

Với kết quả vượt trội, dịch vụ công trực tuyến tại Hà Nam đã tác động mạnh mẽ đến quá trình cải cách hành chính. Người dân dễ dàng theo dõi tiến độ giải quyết hồ sơ, đồng thời phản ánh những vấn đề gặp phải, giúp chính quyền tỉnh nhanh chóng xử lý và cải thiện các thủ tục hành chính. Giúp tăng cường sự hài lòng và lòng tin của người dân đối với chính quyền.

Bên cạnh đó, chuyển đổi số cũng giúp Hà Nam phát triển môi trường kinh doanh thuận lợi hơn. Các doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận các thủ tục liên quan đến thuế, đăng ký kinh doanh, cấp phép xây dựng... mọi thủ tục hành chính được thực hiện nhanh chóng, và thuận lợi từ đó tạo ra động lực mới cho sự phát triển kinh tế địa phương.

ha-nam-1737653929.jpg
Hà Nam quyết tâm xây dựng tỉnh giàu đẹp, văn minh, phấn đấu đạt mức phát triển khá của Vùng đồng bằng sông Hồng, đặc biệt là trở thành trung tâm công nghiệp công nghệ cao thân thiện với môi trường vào năm 2030

Với tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình dẫn đầu cả nước trong chuyển đổi số, Hà Nam không chỉ khẳng định được vị thế trong việc cải cách hành chính mà còn vươn lên trở thành hình mẫu về phát triển chính quyền điện tử tại Việt Nam. Thành công này là tiền đề quan trọng để tỉnh tiếp tục thực hiện mục tiêu trở thành một trong những địa phương phát triển nhất của Vùng đồng bằng sông Hồng vào năm 2030.

Nhằm quyết tâm thực hiện mục tiêu xây dựng tỉnh Hà Nam giàu đẹp, văn minh, phấn đấu đạt mức phát triển khá của Vùng đồng bằng sông Hồng, đặc biệt là trở thành trung tâm công nghiệp công nghệ cao thân thiện với môi trường. Chuyển đổi số sẽ tiếp tục là yếu tố cốt lõi trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Hà Nam, góp phần thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, đặc biệt là thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao./.

Xuân Hiếu