Doanh nghiệp cần làm gì để tránh nguy cơ điều tra phòng vệ thương mại?

Đối với các doanh nghiệp Việt Nam, việc bị nước ngoài điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại sẽ có những tác động tiêu cực.
thep-cuon-ma-kem-1-1696230985.jpg
Thép và sợi là những mặt hàng thường xuyên bị điều tra theo xu hướng chung trên thế giới. Ảnh minh họa

Theo Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), đến hết tháng 9/2023, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam phải đối mặt với 234 vụ việc phòng vệ thương mại do các nước khởi kiện. Riêng trong 9 tháng năm 2023, các nước đã khởi kiện 7 vụ việc phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại đối với Việt Nam chủ yếu là chống bán phá giá, chống lẩn tránh thuế, đến từ các thị trường thường xuyên điều tra phòng vệ thương như Hoa Kỳ, Ấn Độ, Úc... Các mặt hàng bị điều tra khá đa dạng, từ các mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch vài chục triệu đến hàng tỷ USD. Trong đó, thép, sợi… là những mặt hàng thường xuyên bị điều tra theo xu hướng chung trên thế giới.

Cục Phòng vệ thương mại cho rằng, việc hàng xuất khẩu của Việt Nam phải đối mặt với ngày càng nhiều cuộc điều tra phòng vệ thương mại nước ngoài là một hệ quả tất yếu khi xuất khẩu tăng trưởng nhanh và Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu trong bối cảnh tình hình thế giới đang có nhiều biến động.

Trước tình hình số lượng vụ việc phòng vệ thương mại, chống lẩn tránh thuế do nước ngoài khởi xướng đang liên tục gia tăng, để đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của doanh nghiệp xuất khẩu, Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng: Tích cực tìm hiểu quy định pháp luật, thực tiễn điều tra phòng vệ thương mại, chống lẩn tránh của các nước xuất khẩu, đặc biệt là đối với các thị trường mục tiêu.

Đồng thời, thường xuyên cập nhật thông tin cảnh báo sớm từ Bộ Công Thương để có hành kịp thời và có chiến lược xuất khẩu phù hợp, cũng như thiết lập các kênh thông tin với các đối tác, các hiệp hội, ngành hàng để kịp thời cập nhật, xử lý các vụ kiện, tình huống phát sinh.

Cùng với đó là tập trung nâng cao chuỗi giá trị của sản phẩm, có chiến lược kiểm soát lượng xuất khẩu và giá bán một cách phù hợp để tránh bị coi là bán phá giá, nhận trợ cấp. Hoàn thiện hệ thống quản trị doanh nghiệp, triển khai hệ thống quản lý, truy xuất nguồn gốc nguyên liệu rõ ràng, minh bạch. Áp dụng hệ thống kế toán theo chuẩn quốc tế, lưu giữ đầy đủ hóa đơn, chứng từ.

Đặc biệt, Cục Phòng vệ thương mại lưu ý, doanh nghiệp cần hợp tác đầy đủ, toàn diện, cung cấp thông tin, tài liệu theo yêu cầu của cơ quan điều tra nước ngoài khi là đối tượng bị điều tra. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương trong quá trình ứng phó vụ việc để được hướng dẫn, hỗ trợ kịp thời.

Đông Nghi