Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ ra nhiều tồn tại trong lĩnh vực văn hóa

Tham dự buổi làm việc của Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa với Ban Cán sự Đảng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã chỉ ra nhiều tồn tại trong lĩnh vực văn hóa.
tt-tran-hong-ha-1692351563.jpg
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chỉ ra 13 tồn tại trong lĩnh vực văn hoá.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhận xét, thời gian vừa qua, việc triển khai Nghị quyết Đại hội XIII hết sức quyết liệt, quyết tâm rất cao., đến nay, bước đầu đạt được kết quả tích cực.

Nói về lĩnh vực văn hoá, Phó Thủ tướng chỉ ra 13 tồn tại, trong đó có những tồn tại về nhận thức, tư duy, gồm chậm thể chế hoá, phát triển văn hoá chưa đồng bộ, nặng về hình thức; tồn tại về môi trường văn hoá bị ô nhiễm bởi tệ nạn tham nhũng, tiêu cực; sự chênh lệch về hưởng thụ văn hoá; về công tác lãnh đạo, chỉ đạo; về đầu tư cho văn hoá, về chất lượng văn hoá….

Phó Thủ tướng nêu rõ, Đại hội XIII của Đảng đặt ra nhiều vấn đề về tư duy, vị trí, vai trò văn hoá. Văn hoá đặt ngang hàng với chính trị, kinh tế, xã hội… Chính phủ bám sát các nghị quyết, kết luận của Đảng và đánh giá sơ kết việc thực hiện các mục tiêu, quan điểm của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Đồng thời cũng cập nhật tình hình bối cảnh mới và những vấn đề đặt ra trong nước và quốc tế.

Theo Phó Thủ tướng, có một số nhiệm vụ, giải pháp trọng điểm như rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung những luật liên quan tới quản lý văn hoá, những luật liên quan tới đầu tư, cơ chế chính sách đặc thù trong lĩnh vực văn hoá, văn nghệ; tiếp tục phát hiện, gìn giữ, bảo tồn và phát triển các di sản vật thể và phi vật thể…

Bên cạnh việc phát triển thể chế, nội dung khác rất được ưu tiên đó là đào tạo, xây dựng chương trình phát triển nguồn nhân lực. Đối với vấn đề văn hoá cần có những đội ngũ được đào tạo để có những lý luận, nghiên cứu, phản biện trong lĩnh vực văn hoá, nghệ thuật.

Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh, thời gian tới, phát huy, giữ gìn bản sắc văn hoá truyền thống với tinh thần dân tộc - đại chúng kết hợp với tinh hoa văn hoá nhân loại. Văn hoá hoá kinh tế, văn hoá trở thành lực lượng kinh tế, văn hoá trở thành ngành công nghiệp đóng góp cho kinh tế. Phó Thủ tướng mong muốn các cơ quan liên quan sẽ dành sự quan tâm, để đóng góp cho được "đại công trình" này, diễn ra trong khoảng 10 năm tạo ra những giải pháp đột phá, tạo ra nhận thức về văn hoá, đổi mới về tư duy và phát huy giá trị truyền thống về văn hoá.

Tại buổi làm việc, Bí thư Trung ương Đảng Nguyễn Trọng Nghĩa biểu dương những kết quả đạt được của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương, Quốc hội và Chính phủ về phát triển văn hóa, con người Việt Nam.

Định hướng công tác trong thời gian tới, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị Ban cán sự đảng Bộ tiếp tục đẩy mạnh quán triệt, tuyên truyền sâu rộng các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, văn bản của Đảng về phát triển văn hóa; tạo bước chuyển biến căn bản, toàn diện về nhận thức của đội ngũ cán bộ ngành văn hóa, làm hạt nhân lan tỏa trong hệ thống chính trị và toàn xã hội về vị trí, vai trò, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong thời kỳ mới.

Yêu cầu Ban Cán sự đảng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát huy kết quả đạt được, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, cách thức tiếp cận, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa.

Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đẩy mạnh công tác sắp xếp lại tổ chức bộ máy quản lý về văn hóa từ Trung ương đến cơ sở theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; thể chế, chính sách và nguồn lực phát triển văn hóa gắn với xã hội hóa các dịch vụ công theo lộ trình hợp lý.

Hoàng Hà (t/h)