Phổ biến pháp luật trong hoạt động kinh doanh xăng dầu

Trong quá trình triển khai, áp dụng các văn bản pháp luật mới, nếu doanh nghiệp gặp khó khăn vướng mắc nên phản ánh trực tiếp tới Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) hoặc Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính).

Các cơ quan quản lý sẽ giải đáp và tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh xăng dầu, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân và cao hơn là đảm bảo mục tiêu an ninh năng lượng quốc gia.

Ông Trần Duy Đông- Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) đã khẳng định như vậy tại Hội nghị phổ biến pháp luật trong hoạt động kinh doanh xăng dầu theo hình thức trực tuyến tại điểm cầu các Sở Công Thương địa phương, các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu do Bộ Công Thương phối hợp Bộ Tài chính tổ chức ngày 20/1.

Tại hội nghị, ông Trần Duy Đông đã chia sẻ một số nội dung mới tại Nghị định số 95/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3 tháng 9 năm 2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu.

Chẳng hạn như, Nghị định bổ sung đối tượng quản lý bao gồm cả xăng dầu được sản xuất từ các nguyên liệu khác ngoài dầu thô nhằm bảo đảm việc quản lý mặt hàng được đầy đủ, phù hợp với thực tế các doanh nghiệp đang sản xuất, kinh doanh.

Cùng với đó, cho phép các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong nước nếu có hoạt động sản xuất có thể chuyển nhượng cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài nhưng phải được Thủ tướng Chính phủ cho phép.

Điều này nhằm quy định chính thức về việc mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trên sàn chứng khoán, thu hút vốn đầu tư cho lĩnh vực sản xuất, kinh doanh xăng dầu, cải thiện quản trị doanh nghiệp, minh bạch hơn các báo cáo tài chính, nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh của ngành xăng dầu.

Ngoài ra, Nghị định còn sửa đổi công thức tính giá cơ sở mặt hàng xăng dầu theo hướng kết cấu từ 2 nguồn trong nước và nhập khẩu, tính bình quân theo tỷ trọng tiêu thụ thực tế để đưa ra mức giá điều hành là giá tối đa định hướng cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu xác định giá bán lẻ. 

6-1633463709-1642679720.jpeg
Ảnh minh hoạ

Quy định cụ thể về cách tính chi phí thuế theo phương pháp bình quân gia quyền từ các nguồn trong công thức tính giá cơ sở mặt hàng xăng dầu.

Mặt khác, Nghị định còn sửa đổi mức biến động giá cơ sở giữa 2 kỳ điều hành giá liên tiếp cần xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ từ mức 7% lên mức 10% để tăng tính chủ động cho cơ quan điều hành giá xăng dầu. 

Hơn nữa, quy định về chu kỳ điều hành giá từ 15 ngày xuống còn 10 ngày và quy định cố định kỳ điều hành giá xăng dầu vào các ngày 1, 11, 21 hàng tháng nhằm bảo đảm giá xăng dầu trong nước bám sát diễn biến giá xăng dầu trên thị trường thế giới.

Theo ông Trần Duy Đông,  Nghị định số 95/NĐ-CP cũng đã bổ sung quy định về Quỹ bình ổn giá (BOG) theo hướng quy định rõ hơn, chặt chẽ hơn cơ chế báo cáo, theo dõi số dư tài khoản Quỹ BOG tại ngân hàng, trách nhiệm của thương nhân đối với Quỹ BOG, các chế tài xử phạt khi vi phạm; quy định về cách tính lãi suất tiền gửi khi Quỹ dương và lãi suất vay khi Quỹ âm nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích của người dân và doanh nghiệp.

Sửa đổi quy định về dự trữ xăng dầu theo hướng giảm số ngày dự trữ bắt buộc của thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu từ 30 ngày xuống 20 ngày, bổ sung trách nhiệm dự trữ đối với thương nhân phân phối thêm 5 ngày và của thương nhân sản xuất xăng dầu theo quy định.

Bên cạnh đó, bổ sung quy định cho phép thương nhân sản xuất xăng dầu có thể bán xăng dầu đặc chủng trực tiếp cho các đơn vị chức năng phục vụ mục tiêu an ninh, quốc phòng theo danh sách đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Hơn nữa, đưa loại hình kinh doanh bằng thiết bị bán xăng dầu quy mô nhỏ vào quản lý, quy định rõ địa bàn được phép kinh doanh, điều kiện kinh doanh để bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho các địa bàn vùng sâu, vùng xa. 

Đặc biệt, cho phép thương nhân đầu mối được cho thuê kho, phương tiện vận tải nhằm tránh lãng phí nguồn lực xã hội; bỏ khái niệm đồng sở hữu, thay vào đó quy định chung về khái niệm sở hữu cho phù hợp với pháp luật hiện hành…

Tại Hội nghị, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính) cho biết:  Nghị định số 95/NĐ-CP, Thông tư số 17 là những văn bản sửa đổi, bổ sung, không phải là văn bản thay thế hoàn toàn, do đó, doanh nghiệp cần lưu ý để áp dụng song song với các văn bản trước đó là Nghị định số 83 và Thông tư số 38 để thực hiện cho đúng.

Theo ông Trịnh Quang Khanh – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam đã nêu 4 ý kiến trao đổi với các cơ quan quản lý về việc nghiên cứu về cơ cấu sản phẩm sao cho phù hợp thực tiễn; sớm ban hành quy chuẩn kỹ thuật đối với Diezen theo Quyết định số 49/2011/QĐ-TTg ngày 1/9/2011 để các thương nhân có cơ sở thực hiện.

Bên cạnh đó là vấn đề đấu nối giao thông, khoảng cách giữa các cửa hàng xăng dầu; chi phí kinh doanh xăng dầu định mức và lợi nhuận định mức…

Giải đáp vấn đề Hiệp hội Xăng dầu quan tâm liên quan đến Quyết định số 49/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Trần Duy Đông cho biết, Bộ Công Thương là đầu mối, cùng với Bộ Tài chính đã nhiều lần góp ý, đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ sớm ban hành quy chuẩn, tạo cơ sở để các doanh nghiệp thực hiện.

Tuy nhiên, ông Trần Duy Đông Cũng khuyến cáo doanh nghiệp nên gửi phản ánh tới cơ quan chức năng để được hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi trong hoạt động kinh doanh xăng dầu./.