Ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp, hướng tới mô hình sản phẩm OCOP

Với 10 ha hoang hóa tại xóm 12, xã Thịnh Sơn ( Đô Lương, Nghệ An), anh Nguyễn Công Hải đã biến mảnh đất cằn cỗi trở thành trang trại nông nghiệp sạch, nhờ áp dụng kỹ thuật công nghệ cao.
anh-2-1695132506.jpg
Diện tích trồng trong nhà màng được áp dụng công nghệ tưới phun mưa tự động của Israel, nên dù trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, cà chua bi vẫn cho năng suất cao và đạt tiêu chuẩn hữu cơ organic.

Dám nghĩ, dám làm

Trở về sau nhiều năm bôn ba và thành công nhiều lĩnh vực tại nơi đất khách quê người, anh Nguyễn Công Hải nhận thấy hàng chục nghìn hecta đất nông nghiệp ở địa phương bị bỏ hoang, không được khai thác. Những ngày tháng xa quê, anh luôn trăn trở giấc mơ trở về quê hương và có thể làm giàu ngay trên chính mảnh đất mà mình sinh ra.

Bằng những kinh nghiệm bản thân có được cùng với quá trình tìm hiểu nhu cầu thị trường, anh Hải nhận thấy người dân sử dụng thực phẩm sạch, thực phẩm hữu cơ ngày càng lớn mà nguồn cung chưa nhiều nên đã quyết định đầu tư khoản tiền 10 tỷ đồng để cải tạo vùng đất 10 ha hoang hóa tại xóm 12, xã Thịnh Sơn và xây dựng trang trại như hiện nay.

Đây là một vùng đất hay bị ngập, nên bà con lối xóm cũng chỉ trồng những loại cây truyền thống có giá trị không cao và bị phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Sau khi hoàn thành các thủ tục, từ tháng 3/2022, anh Hải bắt tay vào cải tạo đất, dựng hệ thống nhà màng, hệ thống tưới hiện đại nhằm hạn chế những tác động của thời tiết, để cây trồng ổn định phát triển.

Anh Nguyễn Công Hải kể, để có 1 trang trại đẹp, quy mô, hệ thống như hiện tại thì chúng tôi đã bỏ rất nhiều công sức và tiền bạc tại đây. Trước đây, khu vực này là đất hoang hóa, sỏi đá chúng tôi phải dùng cơ giới để san bằng, thuê kỹ sư nông nghiệp để cải tạo đất.

Qua tìm hiểu nghiên cứu, tôi lựa chọn dưa lưới và nho để trồng gồm dưa Mật Nhật Bản, Kim Ngọc Đường, Huỳnh Long và các giống nho sữa và nho Hạ Đen, do được thị trường ưa chuộng, màu sắc bắt mắt, chất lượng đồng đều.

Ngay từ đầu, anh cũng đã thuê hẳn 2 kỹ sư nông nghiệp về tư vấn kỹ thuật, giúp công nhân chăm sóc. Tuy nhiên ở lần đầu tiên, một trận lụt lớn đã khiến đa phần diện tích dưa lưới của trang trại bị ngập nặng, chết gần hết.

"Làm nông nghiệp không ai nói trước được điều gì. Mưa lớn khiến dưa lưới bị nhấn chìm, trang trại thiệt hại gần 500 triệu đồng. Sau đó, tôi tiếp tục cải tạo đất, đưa những giống cây mới vào trồng. Tôi tin rằng với khoa học kỹ thuật, đất có khó, thời tiết có khắc nghiệt đến đâu thì mình cũng có thể khắc phục, cây trồng được đảm bảo đủ điều kiện để phát triển tốt, mang về những quả ngọt", anh Hải chia sẻ.

Sau vụ dưa lưới thất bại, anh không nản, tiếp tục đầu tư cải tiến kỹ thuật chăn sóc và ứng dụng công nghệ hiện đại. Bước đầu, dưa lưới và nho tại trang trại cho năng suất và chất lượng tốt. Những quả dưa vàng óng, to bự, khách hàng tranh nhau đặt mua mà anh không có đủ để bán.

Ngoài dưa lưới và nho, từ tháng 10/2022, anh Hải bắt đầu nhập khẩu giống cà chua bi từ Mỹ về để trồng. Bên cạnh đó, anh còn nhập thêm giống dâu tây từ Mộc Châu, Sơn La về trồng thử nghiệm.

Tổng diện tích cà chua bi và dâu tây là khoảng 1 ha. Đây đều là những loại cây vốn "khó tính", chính vì thế hơn gần 1 nửa số cây giống đã chết. Điều này cũng nằm trong dự tính trước của ông chủ trang trại Đồi Chồi.

Nhờ chăm sóc tốt, Số lượng cây dâu tây, cà chua bi còn lại phát triển rất nhanh. Hiện tại những giàn cà chua đã trĩu quả, chín đều. Dâu tây cũng đã cho thu hoạch.

Sản phẩm của trang trại được trồng hoàn toàn hữu cơ nên các sản phẩm đều đạt tiêu chuẩn hữu cơ Organic và rất được thị trường đón nhận, trái chín đến đâu bán sạch đến đó. Sau khi từ chi phí trang trại còn thu về hàng trăm triệu đồng/năm, tạo công ăn việc làm cho gần 20 lao động địa phương.

Đột phá trong ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số

Nghệ An có thời tiết khắc nghiệt, mưa gió thất thường lại hay xảy ra bão lũ nên tại trang trại Đồi Chồi đã triển khai xây dựng hệ thống nhà màng để trồng. Mỗi gốc dưa lưới, dâu tây sẽ được trồng trong 1 giá thể thay vì trồng ở đất. Cà chua hay nho đều được trồng theo hướng hữu cơ và công nghệ tưới nhỏ giọt Israel để đưa ra thị trường những sản phẩm nông nghiệp sạch.

Ngoài việc chuyển đổi phương thức canh tác truyền thống sang áp dụng nông nghiệp công nghệ cao, các quy trình còn lại của quá trình sản xuất, kinh doanh và quản lý giám sát chuỗi cung ứng sản phẩm cũng được chuyển đổi số mạnh mẽ.

anh-4-1695132336.jpg
Các sản phẩm của trang trại Đồi Chồi được trồng hoàn toàn bằng hữu cơ.

Nhật ký sản xuất được nhập và hiển thị hàng ngày bằng một ứng dụng quản lý giám sát để truy suất nguồn gốc và lưu dữ liệu trên toàn hệ thống giám sát. Sản phẩm được quảng bá, giới thiệu và ký kết theo từng giai đoạn sinh trưởng phát triển trên trang mạng xã hội, sàn thương mại điện tử.

Nhờ ứng dụng công nghệ cao, hiện tại trung bình mỗi gốc cà chua bi cho thu hoạch từ 3 đến 4kg và thu hoạch kéo dài trong 3 tháng. Đây là giống cà chua giàu dinh dưỡng, chứa nhiều thành phần dinh dưỡng cần thiết cho con người như vitamin A và vitamin C, vitamin K tự nhiên và được nhiều người sử dụng. Trang trại đang bán ra thị trường với giá 60.000 - 70.000 đồng/1 kg, tùy vào chất lượng quả. Trong khi đó, dâu tây cũng được bán với giá từ 160.000 - 200.000 đồng/1kg.

Dưa lưới được trồng trong nhà màng, áp dụng công nghệ tưới, bón phân tự động nhỏ giọt của Israel. Bởi thế, từ năng suất đến lượng quả dưa đạt tiêu chuẩn an toàn do viện năng suất chất lượng DEMING tại Đà Nẵng chứng nhận. Các loại dưa lưới hiện nay bán với giá giao động từ 75.000 - 95.000 đồng/kg (tùy loại), sau khi từ chi phí trang trại còn thu về hàng trăm triệu đồng/năm.

Bên cạnh cà chua bi, dâu tây và dưa lưới thì cây trồng chủ lực như nho hạ đen, nho sữa đang trong giai đoạn chuẩn bị thu hoạch và ước tính năng suất cao.

Anh Hải chia sẻ: "Tôi cũng đã đi tham quan nhiều mô hình trồng nho tại địa phương. Mình có thể ứng dụng khoa học vào để khắc chế những điều kiện thời tiết bất lợi, cây nho có thể phát triển tốt và mang lại năng suất cao. Bên cạnh đó, thị trường tiêu thụ của cây nho là rất lớn. Sản phẩm của mình an toàn, chất lượng, sạch chắc chắn sẽ được đón nhận".

Dự kiến sắp tới khi trang trại đã ổn định, ngoài việc bán các sản phẩm, trang trại tiếp tục đầu tư mở rộng, ứng dụng công nghệ và sẽ đón khách đến tham quan, kết hợp du lịch cộng đồng, trải nghiệm.

Hướng tới sản phẩm OCOP

Sản phẩm rau, củ, quả trong nhà kính, nhà lưới của trang trại Đồi Chồi hoàn toàn được sản xuất theo công nghệ tưới nhỏ giọt Israel, trồng trong giá thể, nên chất lượng tốt và an toàn thực phẩm. Bởi vậy, sản phẩm làm ra được tiêu thụ tốt trên thị trường, trong đó, sản phẩm dưa lưới tại trang trại cho năng suất và chất lượng tốt. Những quả dưa vàng óng, to bự, khách hàng tranh nhau đặt mua mà chủ trại lại không có đủ để bán.

anh-3-1695132541.jpg
Từ vùng đất hoang hóa anh Nguyễn Công Hải đã biến thành một trang trại đẹp và cho thu nhập hàng trăm triệu.

Anh Hải nói: "Trước khi đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng, chúng tôi đã đem dưa lưới đi kiểm định chất lượng tại Đà Nẵng. Họ sẽ kiểm tra nhiều thông số, trong đó có kim loại nặng, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật… tất cả các thông số đó an toàn chúng tôi mới tự tin bán ra thị trường. Hiện nay, các sản phẩm của chúng tôi được đông đảo bà con đón nhận, cung không đủ cầu. Nhận thấy đánh giá tốt từ thị trường, trong tương lai chúng tôi sẽ mở rộng quy mô sản xuất nâng cao năng suất chất lượng để trở thành sản phẩm OCOP của địa phương”.

Theo ông Trần Ngọc Thuận, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Đô Lương: "Hiện nay, chúng tôi đang tập trung xây dựng nông thôn mới, và chọn sản phẩm từ vùng đất Thịnh Sơn này thành sản phẩm OCOP. Với xu hướng của người tiêu dùng ngày càng tìm đến các sản phẩm rau, củ, quả sạch, an toàn thì các sản phẩm được sản xuất trong nhà kính, nhà lưới luôn đáp ứng nhu cầu khách hàng. Do vậy, trong điều kiện địa phương đang xây dựng xã NTM, NTM nâng cao, thì mô hình sản xuất trong nhà lưới, nhà kính là một trong những giải pháp hiệu quả nhất cần được nhân rộng, tạo thêm những sản phẩm chủ lực mới cho địa phương. Từ đó khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn và nâng cao thu nhập cho người dân".

Bằng sự táo bạo, dám nghĩ dám làm của bản thân anh Nguyễn Công Hải, những mảnh đất khô cằn đã được hồi sinh, cho ra những “trái vàng” chất lượng, an toàn, mang lại nguồn thu khổng lổ, tạo công ăn việc làm cho người nông dân, tạo đà giúp vùng thôn quê bứt lên thoát nghèo và phát triển kinh tế bền vững. Đó là tín hiệu tốt cho việc phát triển kinh tế xã hội ở nông thôn, giúp việc xây dựng nông thôn mới ngày càng thành công hơn nữa.

Lê Thìn