Phát triển nông nghiệp sinh thái và chuẩn hóa nông sản để phục vụ xuất khẩu

Yên Bái là tỉnh có nhiều lợi thế phát triển nông lâm nghiệp và hiện nay địa phương này đang có nhiều giải pháp phát triển nông nghiệp sinh thái. Trên địa bàn đã hình thành những vùng chuyên canh nông nghiệp hàng hóa và hướng tới chuẩn hóa sản phẩm nông, lâm sản để phục vụ xuất khẩu.
nong-nghiep-sinh-thai-03-1708304863.jpg
Nhiều hộ dân ở thôn Dày 2 (xã Chấn Thịnh, huyện Văn Chấn) mỗi năm cho thu nhập trên 200 triệu đồng từ trồng cây ăn quả có múi. (Ảnh minh họa)

Chuẩn hóa nông sản xuất khẩu

Năm 2023, tổng sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản của Yên Bái tăng gần 5,3%, nằm trong top 10 toàn quốc và đứng thứ 3 trong 14 tỉnh trung du và miền núi phía Bắc.

Yên Bái hiện đang tập trung chuẩn hóa sản phẩm nông, lâm sản để phục vụ xuất khẩu. Đến nay toàn tỉnh đã có trên 23.000 ha rừng được cấp chứng chỉ FSC, hữu cơ; 77 mã số vùng trồng phục vụ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu được cấp, trên cây ăn quả có múi, cây chè, thanh long, lúa, cây rau màu cùng nhiều sản phẩm nông sản được áp dụng các quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, Organic, góp phần nâng cao giá trị chất lượng cho sản phẩm nông sản.

Yên Bái cũng đã hình thành rõ nét các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, chuyên canh có quy mô lớn với 10 sản phẩm nông nghiệp chủ lực, gồm: lương thực có hạt, chè, cây ăn quả, đàn gia súc chính, thuỷ sản, quế, sơn tra, tre măng Bát độ, dâu tằm, gỗ nguyên liệu. Các vùng sản xuất hàng hóa phát triển ổn định mang lại những giá trị kinh tế cao cho người dân. Nhiều mặt hàng nông sản có giá trị xuất khẩu cao như: quế, chè, tinh bột sắn, măng và các sản phẩm từ gỗ rừng trồng với kim ngạch xuất khẩu hàng chục triệu USD, chiếm từ 30 – 40% giá trị kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh.

nong-nghiep-sinh-thai-02-1708304841.jpg
Yên Bái xác định xây dựng vùng nguyên liệu gắn với tiêu thụ sản phẩm. (Ảnh minh họa)

Theo số liệu thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái, toàn tỉnh hiện có 47 cơ sở sản xuất trồng trọt được chứng nhận VietGAP, Rainforest, nông nghiệp hữu cơ, vệ sinh an toàn thực phẩm với diện tích trên 10.000 ha (bao gồm lúa, chè, cây ăn quả, rau, quế…).

Các cơ sở và diện tích được chứng nhận, sản xuất theo tiêu chuẩn chứng nhận, quản lý chất lượng tiên tiến đã giảm thiểu được hóa chất bảo vệ thực vật, đặc biệt là đảm bảo truy xuất được nguồn gốc sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần bảo vệ môi trường, sản xuất, chế biến ra các thực phẩm sạch, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng. Từ đó, tạo tiền đề quan trọng để tỉnh định hướng phát triển nền nông nghiệp thân thiện với môi trường.

Ông Nguyễn Anh Quyền - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ phát triển nông nghiệp thành phố Yên Bái cho biết, các cán bộ của đơn vị thường xuyên đến các hộ gia đình chăn nuôi hoặc trồng trọt có diện tích, quy mô chuồng trại lớn và vừa để tập trung tuyên truyền các quy trình sản xuất, đặc biệt là quá trình chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh trên cây trồng, dịch bệnh trên đàn vật nuôi, đảm bảo không phải sử dụng đến thuốc hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh cho vật nuôi để hướng tới sản xuất các sản phẩm an toàn, sạch theo tiêu chuẩn VietGAP.

Đổi mới tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp

Năm 2024, ngành nông nghiệp Yên Bái sẽ tiếp tục lan tỏa việc chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. Trong đó “Người nông dân là trung tâm, nông thôn là nền tảng, nông nghiệp là động lực”, hướng tới mục tiêu “Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nông, lâm nghiệp, thủy sản năm 2024 đạt 5,55%; cơ cấu tổng sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 21% trong cơ cấu GRDP của tỉnh.

Với 85% diện tích đất nông nghiệp, 80% dân số và gần 60% lao động sống tại khu vực nông thôn, Yên Bái luôn quan tâm, ưu tiên bố trí nguồn lực để đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn. Tỉnh đã xây dựng quy hoạch ngành, quy hoạch sản phẩm nông - lâm nghiệp chủ lực gắn với việc phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh.

Đặc biệt, tỉnh đã xây dựng, ban hành và triển khai đồng bộ nhiều nghị quyết, đề án, chính sách hỗ trợ sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, chuyên canh, tạo sản phẩm sạch, chất lượng cao, an toàn thực phẩm; khuyến khích phát triển vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh, tập trung. Nền nông nghiệp và kinh tế nông thôn đang thích ứng dần với cơ chế thị trường.

Từ sản xuất nông nghiệp bán cái mình có, nông dân doanh nghiệp đã hướng tới bán cái thị trường cần. Trong hành trình thay đổi tư duy này, doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) bước đầu trở thành mắt xích quan trọng tạo động lực cho phát triển kinh tế nông nghiệp theo chuỗi giá trị, thúc đẩy thương mại hóa nông sản.

nong-nghiep-sinh-thai-01-1708304932.jpg
Sản phẩm nông sản của tỉnh Yên Bái được bày bán tại Siêu thị Big C Hà Nội. (Ảnh minh họa)

Phát huy kết quả đạt được, tiếp tục lan tỏa sâu sắc và cụ thể hơn trong chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, tỉnh chỉ đạo tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, trong đó "Người nông dân là trung tâm, nông thôn là nền tảng, nông nghiệp là động lực”, hướng tới mục tiêu "Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”.

Theo đó, ngành nông nghiệp tập trung đẩy mạnh phát triển sản xuất theo từng lĩnh vực và nhóm sản phẩm có lợi thế của tỉnh; đẩy mạnh cơ giới hóa và ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp; phát triển mạnh dịch vụ phục vụ nông nghiệp, công nghiệp chế biến, bảo quản sau thu hoạch, góp phần tăng tỷ trọng chế biến sâu để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm; phát triển các cụm liên kết sản xuất gắn với vùng nguyên liệu.

Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức tổ chức sản xuất; mở rộng các mô hình, dự án liên kết phát triển sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị, gắn với các sản phẩm chủ lực, đặc sản, sản phẩm OCOP có chất lượng, giá trị gia tăng cao, có năng lực cạnh tranh trên thị trường.

Đẩy mạnh phát triển HTX, tổ hợp tác, doanh nghiệp liên kết với hộ gia đình, nông dân trong sản xuất, kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp; tích cực thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, nhất là công nghiệp chế biến, nông nghiệp công nghệ cao; tăng cường liên kết giữa nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ; tiếp tục đưa khoa học công nghệ phục vụ nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ, sử dụng các chế phẩm sinh học, hữu cơ.

Đẩy mạnh chuyển đổi số; triển khai hiệu quả mô hình chợ nông sản 4.0, sàn giao dịch thương mại điện tử, sàn giao dịch sản phẩm OCOP… Tiếp tục thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới toàn diện, đi vào chiều sâu một cách đồng bộ, vững chắc. Đó là những cơ sở nền tảng để tạo ra hệ sinh thái nông nghiệp bền vững của tỉnh.

Ông Nguyễn Đức Điển, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái cho biết: "Chúng tôi xác định chính xác cơ cấu mùa vụ, cơ cấu cây trồng, vật nuôi để tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người sản xuất, tổ chức thực hiện nghiêm ngặt, đảm bảo các yếu tố sản xuất khác thì sẽ góp phần vào sự thành công của sản xuất nông nghiệp"./.

Trọng Bình