Phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở huyện Ba Vì kỳ vọng tạo sức lan tỏa kinh tế xanh Thủ đô

Nông nghiệp là một trong những ngành sản xuất vật chất ra đời sớm nhất, gắn liền với lịch sử phát triển của nhân loại. Sự tiến bộ của khoa học và công nghệ đã đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy sự phát triển của nông nghiệp trên toàn thế giới.
2-3-1740987380.jpg
Các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn TP Hà Nội đang đạt được các kết quả đáng ghi nhận. (Ảnh minh họa)

Hiện nay ở nước ta, sản xuất nông nghiệp chủ yếu vẫn mang tính chất thuần nông với năng suất lao động thấp, dẫn đến sản lượng không được cao. Để cải thiện tình hình, việc đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tạo ra sản phẩm nông nghiệp có năng suất cao, chất lượng tốt và đa dạng hóa chủng loại hàng hóa là vô cùng cần thiết.

Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII đã đề ra mục tiêu quan trọng: xây dựng nền nông nghiệp hiện đại theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn thực phẩm, gia tăng giá trị và thúc đẩy xuất khẩu.

Cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật hiện đại, đặc biệt là cách mạng công nghiệp 4.0, đang mở ra cơ hội to lớn để đổi mới nền nông nghiệp. Không để nằm ngoài xu hướng phát triển chung của đất nước và thế giới huyện Ba Vì-TP Hà Nội đã luôn tích cực ứng dụng các tiến bộ khoa học kĩ thuật vào trong nông nghiệp nhằm tăng năng suất tăng chất lượng của sản phẩm.

Ba Vì là huyện bán sơn địa, tọa lạc ở phía Tây Bắc của Thủ đô. Trung tâm của huyện cách trung tâm TP. Hà Nội khoảng 50km, huyện có diện tích tự nhiên lớn nhất TP. Hà Nội với khoảng 42.402,7 ha, trong đó đất nông nghiệp có diện tích 30.268,67 ha. Đây là  tiềm năng vô cùng to lớn cho việc phát triển nông nghiệp tại địa phương. Sự dồi dào về nguồn lao động cũng là một ưu thế quan trọng, giúp huyện có đủ điều kiện và nguồn lực để khai thác và phát triển ngành nông nghiệp, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng cao và bền vững với môi trường.

Thực trạng nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn huyện Ba Vì

Ứng dụng CNC trong trồng trọt

Ứng dụng giống mới có năng suất, chất lượng vào sản xuất như giống lúa TBR39, giống J02, nếp các loại; Duy trì sản xuất rau, quả có giá trị kinh tế như rau gia vị, rau ăn lá... trong nhà màng 1 ha (HTX rau quả sạch Huy Hùng); ứng dụng hệ thống tưới nhỏ giọt, tưới phun cho 2 ha cây Bưởi tại Cẩm Lĩnh, Sơn Đà, 1 ha cam ở tại xã Khánh Thượng, 2,7 ha bưởi tại Phú Sơn, 1 ha bưởi tại xã Vật Lại. Ứng dụng hệ thống tưới phun cho cây chè giống mới LDP1 diện tích đạt 260 ha trong đó diện tích được nhà nước hỗ trợ 7 ha, 230 ha nhân dân tự đầu tư. Mô hình ứng dụng công nghệ cao như hệ thống tưới phun, hệ thống nhà lạnh cho sản xuất cây chuối xã Phú Phương, Phú Châu quy mô: 57 ha. Ứng dụng cơ giới hóa khâu làm đất và thu hoạch lúa đạt trên 95% diện tích, khâu cấy đạt từ 4-5,5% (HTXNN Tản Hồng, HTXNN Yên Bài, HTXNN Châu Sơn, HTXNN Đông Quang, HTXNN Yên Mỹ...)

Ứng dụng CNC trong chăn nuôi

Một số mô hình ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện như: chăn nuôi lợn sinh sản, lợn thịt áp dụng hệ thống cho ăn tự động, chuồng kín tại các xã Vật Lại, Vân Hòa, Ba Trại, Cẩm Lĩnh, Thuần Mỹ, Thụy An, Khánh Thượng; Mô hình nuôi gà Vietgap tại xã Phú Sơn (5.000 con). Mô hình chăn nuôi bò sữa chuồng kín, hệ thống vắt sữa tự động, thái cắt cỏ bằng máy, xử lý chất thải bằng máy tại HTX đầu tư nông trại xanh và phát triển bò tại xã Vân Hòa với quy mô 100 con bò sữa, sản lượng 550 tấn sữa tươi/ năm.

Ứng dụng CNC trong nuôi trồng và đánh bắt thủy sản

Mô hình Nuôi thủy sản theo hướng VietGAP 03 ha, với 03 hộ tham gia triển khai tại xã Cổ Đô, Vạn Thắng. Hiệu quả cá phát triển tốt, khỏe mạnh, không bị bệnh. Trọng lượng trung bình 1- 1,2kg/con. Triển khai Mô hình nuôi thủy sản theo VietGap 2 ha tại xã Phú Châu.

Trong những năm qua, huyện Ba Vì luôn chú trọng đến chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trong nông nghiệp, chính quyền huyện đặc biệt quan tâm đến ứng dụng KH-CN trong sản xuất. Điều này trước hết được thể hiện trong thông báo Kết luận của Ban thường vụ Huyện ủy về lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện năm 2023; UBND huyện xây dựng kế hoạch số 410/KH- UBND ngày 14/11/2022 của UBND huyện về sản xuất nông nghiệp năm 2023; Kế hoạch số 411/KH –UBND  ngày 15 tháng 11 năm 2022 của UBND huyện Ba Vì về việc hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Ba Vì năm 2023; Kế hoạch số 466/KH-UBND ngày 28/12/2022 về cơ cấu lại ngành nông nghiệp huyện Ba Vì đến năm 2026.

Một số giải pháp nhằm phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở huyện Ba Vì - TP Hà Nội

Về cơ chế chính sách

Hoàn thiện đồng bộ hệ thống chính sách tạo hành lang pháp lý phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC;

Tiếp tục thực thi chính sách, hỗ trợ doanh nghiệp về đào tạo nguồn nhân lực, phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu sản phẩm chủ lực huyện nhà và quốc gia, tham gia triển lãm hội chợ trong nước, ngoài nước;

Tiếp tục thực hiện các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, ứng dụng CNC trong sản xuất nông nghiệp và đóng vai trò chủ thể trong mối liên kết sản xuất sản phẩm nông sản theo chuỗi, đáp ứng tiêu chuẩn quy chuẩn; đào tạo lực lượng nông dân chuyên nghiệp, đủ điều kiện quản lý những trang trại quy mô lớn, có thể áp dụng CNC;

Ban hành các tiêu chí đánh giá NNCNC, hiệu quả của sản phẩm ở phạm vi địa phương;

Xây dựng chương trình phát triển NNCNC mang tính chiến lược dài hạn gắn với đặc điểm kinh tế - xã hội của huyện.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phát triển NNCNC.

Tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức đến các cấp, các ngành, xác định phát triển NNCNC là nhiệm vụ chiến lược trong phát triển nông nghiệp huyện thời gian tới, giúp ổn định đời sống và sản xuất, nâng cao thu nhập, xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại, phát triển cao, năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng cao và bền vững.

z6369508912951-8cd5aaa28f932855c75f1739856442b3-1740987380.jpg
Nuôi cá ứng dụng công nghệ cao tại huyện Ba Vì.

Về đất đai

Tiếp tục thực hiện công tác dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất để mở rộng diện tích và quy hoạch các khu NNCNC trên địa bàn huyện.

Có quy hoạch cụ thể các khu chức năng tại khu NNCNC, trong đó chú trọng đến việc mở rộng diện tích khu nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ.

Về vốn

Huy động vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước.

Khó khăn lớn nhất cho hoạt động đầu tư phát triển NNCNC là vốn đầu tư. Do đó, Ngân hàng Nhà nước cần đưa ra những chính sách ưu đãi cụ thể về lãi suất, quy mô vốn vay và thời gian cho vay với từng lĩnh vực, dự án NNCNC.

Huy động nguồn vốn đầu tư của nhân dân, doanh nghiệp và vốn khác.

Về phát triển khoa học công nghệ

Khoa học công nghệ được coi là yếu tố then chốt trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Do đó, cần phải có những giải pháp phù hợp để đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp, tăng năng suất lao động và chất lượng sản phẩm.

Nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ hiện đại (công nghệ sinh học, công nghệ tưới, cơ giới hóa…) trong nước và thế giới để đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp theo quy trình ứng dụng CNC phù hợp với điều kiện sản xuất của từng vùng với hiệu quả cao và bền vững.

Tăng cường sự trợ giúp của các cơ quan khoa học, đặc biệt là các công trình, đề tài về ứng dụng giống mới, công nghệ mới trong nông nghiệp, đồng thời tranh thủ tối đa sự trợ giúp của các cơ quan nghiên cứu của địa phương.

Xây dựng các mô hình sản xuất thử, khảo nghiệm trong nông nghiệp.

Về phát triển nguồn nhân lực

Muốn phát triển NNCNC, vốn là yếu tố cần thiết và quan trọng. Thế nhưng, hoạt động ấy có hiệu quả hay không lại phụ thuộc vào nguồn nhân lực chất lượng. Máy móc dù có hiện đại đến đâu cũng cần sự điều chỉnh và tác động của con người. Chính vì vậy, để đổi mới phương thức sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, an toàn, bên cạnh kỹ thuật, kinh tế, xã hội và môi trường thì nguồn nhân lực chất lượng vẫn là yếu tố quan trọng để thúc đẩy tiến trình.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực để phát triển NNCNC phải được tiến hành toàn diện về quy mô, cơ cấu hợp lý, hiệu quả để hình thành đội ngũ cán bộ KH-CN và đội ngũ người lao động nông nghiệp có kiến thức cả về chuyên môn, nghiệp vụ và phẩm chất, năng lực tổ chức quản lý sản xuất kinh doanh.

Về bảo vệ môi trường

Xây dựng cơ chế khuyến khích các cơ sở phát triển các sản phẩm sạch áp dụng công nghệ, canh tác kỹ thuật cao, thân thiện với môi trường, khuyến khích sử dụng nguồn nguyên liệu tái sinh. Tăng cường công tác thẩm định, đánh giá tác động môi trường của các cơ sở sản xuất, chế biến nông lâm thủy sản...trước khi cho phép hoạt động.

Tăng cường công tác bảo vệ môi trường, phối hợp với các cơ quan liên quan, nhằm xử lý triệt để ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm không khí thải...

Xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, ứng dụng công nghệ mới để xử lý chất thải trong chăn nuôi, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Về mở rộng thị trường, hợp tác quốc tế và xúc tiến thương mại

Thị trường là một trong những yếu tố không thể thiếu trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở huyện Ba Vì. Bởi vì thị trường là nơi mua bán các sản phẩm đầu vào và đầu ra của sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Nếu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao không được cung cấp đầy đủ các yếu tố đầu vào thì khó có thể tổ chức sản xuất, mặt khác sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao được sản xuất ra nhưng không chiếm lĩnh được thị trường thì phát triển nông nghiệp công nghệ cao không đạt được hiệu quả kinh tế.

Có những cơ chế, chính sách tạo thuận lợi cho xúc tiến thương mại các mặt hàng nông sản. Thúc đẩy và đổi mới các sáng kiến xúc tiến thương mại để cung cấp các dịch vụ hỗ trợ xúc tiến thương mại cho các nhà sản xuất và doanh nghiệp, bao gồm cung cấp thông tin thị trường, phân tích cạnh tranh, tư vấn pháp lý; hướng dẫn và hỗ trợ cho các nhà sản xuất và doanh nghiệp trong nỗ lực nghiên cứu tập trung thực hiện cải tiến kỹ thuật, đăng ký và quảng bá thương hiệu sản phẩm, cùng với tiến hành điều tra thị trường nước ngoài; lựa chọn tham gia các sáng kiến xúc tiến thương mại có giá trị gia tăng cao tích hợp xúc tiến thương mại với xúc tiến du lịch, tham gia truyền thông đại chúng và văn hóa ẩm thực để cho phép các nhà sản xuất và doanh nghiệp tận dụng các cơ hội xuất khẩu trong khi giảm thiểu rủi ro thị trường./.

Vũ Bình Dương