Phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại Thanh Hóa đang gặp khó

Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tạo ra khối lượng sản phẩm hàng hóa quy mô lớn, chất lượng đang là xu hướng chung của nền nông nghiệp. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện mục tiêu này tại Thanh Hóa vẫn còn không ít khó khăn.
nha-mang-nha-luoi-thanh-hoa-1722849104.jpg
Mô hình trồng dưa tại nhà màng nhà lưới ở Thanh Hóa đang đem lại hiệu quả kih tế cao.

Nhằm xây dựng nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, có khả năng cạnh tranh và giá trị gia tăng cao, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống của nhân dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, năm 2022, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Kế hoạch số 260/KH-UBND về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thông minh.

Theo đó, hình thành các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chất lượng cao và phát triển các chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2022-2030, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã và đang cho doanh thu hàng tỷ đồng/năm.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành vùng sản xuất rau an toàn. Việc áp dụng phương pháp thủy canh trong nhà lưới không còn xa lạ với người nông dân ở các địa phương trong tỉnh. Phương pháp trồng rau màu ứng dụng theo công nghệ của Israel này đã phát triển được 4.000m2 tại các huyện Hậu Lộc, Đông Sơn, Nông Cống và Viện Nông nghiệp Thanh Hóa, mang lại hiệu quả kinh tế rất cao.

Ghi nhận tại các huyện Hoằng Hóa, Nga Sơn, Thọ Xuân, Yên Định, Thiệu Hóa cho thấy, nhiều mô hình sản xuất rau, dưa vàng, dưa lưới, hoa an toàn, ứng dụng công nghệ cao cho doanh thu từ 2,5 tỷ đồng đến 3 tỷ đồng/ha/năm, lợi nhuận đạt 300 triệu đồng đến 700 triệu đồng/ha/năm.

Mặc dù đã hình thành các vùng nông nghiệp thông minh, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, so với mặt bằng chung thì việc triển khai vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao vẫn chưa tương xứng với lợi thế của tỉnh. Trong đó, hạ tầng phục vụ sản xuất còn nhiều bất cập, vẫn còn tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, tư duy sản xuất nông hộ vẫn chiếm tỷ lệ lớn. Việc bảo quản, chế biến, chế biến sâu còn hạn chế làm giảm giá trị gia tăng của sản phẩm.

Theo số liệu thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh hiện mới có 2 doanh nghiệp được chứng nhận là doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao là Công ty CP Xây dựng và Thương mại Phong Cách Mới (Quảng Xương) với diện tích 2,8ha và Công ty TNHH MTV Bò sữa Thống Nhất Thanh Hóa (Yên Định) với quy mô 8.000 con. Cùng với đó, toàn tỉnh đã có 150 HTX nông nghiệp, trang trại và hộ nông dân áp dụng ứng dụng công nghệ cao vào trong quá trình sản xuất.

Ngoài ra, để hỗ trợ phát triển nông nghiệp công nghệ cao một cách đồng bộ, tỉnh đã hỗ trợ phát triển các đơn vị nghiên cứu, phát triển nguồn giống chất lượng cao, như: 2 đơn vị nuôi cấy mô để nhân giống sạch bệnh; xây dựng hoàn chỉnh quy trình, ứng dụng trên diện tích sản xuất lúa thông minh thích ứng biến đổi khí hậu và rau các loại; ứng dụng, chuyển giao công nghệ tưới nước, tiết kiệm (tưới phun, tưới nhỏ giọt, tưới thấm...) đối với rau an toàn, cây ăn quả và vùng mía thâm canh; phát triển các vùng chăn nuôi theo hướng VietGAP, ứng dụng công nghệ tự động, bán tự động và hình thành các vùng nuôi trồng thủy sản VietGAP đạt 930ha...

Cũng theo Sở Nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa, việc hình thành các vùng chuyên canh, vùng nông nghiệp công nghệ cao diễn ra còn chậm là do kinh phí đầu tư ban đầu để xây dựng nhiều; do tích tụ đất đai và kết cấu hạ tầng ở khu vực nông thôn còn nhiều bất cập; chất lượng lao động trong lĩnh vực nông nghiệp thấp so với yêu cầu phát triển và hội nhập...

Nhằm hỗ trợ, khuyến khích các hộ dân chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng khoa học hiện đại vào trong sản xuất, HĐND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Nghị quyết số 20/2021-NQ-HĐND, Ban hành Chính sách khuyến khích phát triển khoa học và công nghệ trở thành khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021-2025.

Theo đó, hỗ trợ kinh phí cho các hộ dân ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao hoạch phát triển ngành nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thông minh, hình thành các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chất lượng cao, xây dựng và phát triển các chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa./.

Hà Khải