Bước chuyển mình mạnh mẽ với nhiều kết quả nổi bật
Sau gần 05 năm triển khai thực hiện Chương trình số 10-CTr/HU ngày 20/7/2021 của Huyện ủy Hoài Đức về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân trên địa bàn huyện Hoài Đức giai đoạn 2021-2025”, toàn huyện đã đạt được những kết quả nổi bật.
Theo đó, về xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, tính đến hết tháng 11/2024, huyện Hoài Đức có 18/19 xã đã được UBND TP Hà Nội công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (xã Vân Côn đang chờ xét đợt 2 năm 2024); 6/19 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (xã An Khánh đang chờ xét đợt 2 năm 2024), hoàn thành trước 01 năm so với mục tiêu chương trình đề ra. Năm 2025, huyện Hoài Đức tiếp tục đề nghị công nhận thêm 03 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Về xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Sau khi huyện hoàn chính hồ sơ, thủ tục đề nghị xét, công nhận, ngày 19/11/2024, Hội đồng thẩm định Trung ương đã thẩm định, đánh giá huyện Hoài Đức đủ điều kiện để QĐ của Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Hoàng Trường cho biết: “Xác định xây dựng nông thôn mới là việc làm thường xuyên, không có điểm dừng để hoàn thành mục tiêu đạt huyện nông thôn mới nâng cao, huyện đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở và sự đồng thuận, chung tay góp sức của nhân dân. Bên cạnh đó huyện đã chủ động linh hoạt trong công tác chỉ đạo, triển khai và sự phối hợp đồng bộ của các phòng, ban, đơn vị cùng các xã trên địa bàn.
Trong quá trình triển khai nhiệm vụ xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao gắn với đề án phát triển huyện thành quận, xã thành phường, huyện đã chỉ đạo thực hiện đồng bộ với quan điểm đối với các tiêu chí trùng nhau giữa 02 bộ tiêu chí nông thôn mới nâng cao và tiêu chí phường, quận thì chọn tiêu chí cao hơn để thực hiện, nhằm phấn đấu hoàn thành mục tiêu kép.
Cùng với đó, phải có sự vào cuộc tích cực, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, sâu sát, quyết liệt của cấp uỷ, chính quyền, nhất là vai trò của người đứng đầu. Trong công tác chỉ đạo, điều hành phải xác định đúng nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá, phân công trách nhiệm rõ ràng sẽ tạo ra sức mạnh tổng hợp; đồng thời tranh thủ sự lãnh đạo, giúp đỡ của Thành phố nhằm tạo điều kiện quan trọng để thực hiện nhiệm vụ xây dựng huyện phát triển thành quận trong thời gian tới.
Áp dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp đô thị
Về cơ cấu ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn của huyện Hoài Đức, tốc độ tăng trưởng bình quân 1,66%; giá trị sản xuất nông nghiệp năm 2021 - 2024 đạt 5.196 tỷ đồng (năm 2024 ước đạt 1.327 tỷ đồng); tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện được ứng dụng công nghệ cao đạt hơn 75%.
Trên địa bàn huyện có 04 sản phẩm gồm: Nhãn chín muộn Hoài Đức, phật thủ Đắc Sở, bưởi đường Quế Dương, rau an toàn Tiền Lệ được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ khoa học và Công nghệ) bảo hộ và cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể. Huyện Hoài Đức cũng tiếp tục phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ thực hiện đăng ký thêm 4 nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm bưởi đường, bánh gai Yên Sở, ổi Yên Sở, bánh đa nem Ngự Câu.
Ngày 26/12/2023, UBND huyện đã được Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý “La Tinh Hoài Đức” cho sản phẩm bưởi đường của huyện Hoài Đức và UBND Thành phố đã ban hành quyết định về việc cho phép UBND huyện Hoài Đức sử dụng địa danh “La Tinh Hoài Đức” để đăng ký và quản lý chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm bưởi đường. Đây cũng là sản phẩm nông nghiệp đầu tiên của thành phố Hà Nội được cấp chỉ dẫn địa lý.
Ngoài ra, trên địa bàn huyện Hoài Đức có nhiều mô hình sản xuất tiêu biểu như: 77,5ha sản xuất rau, quả theo tiêu chuẩn VietGAP; xây dựng thành công mô hình sản xuất rau, quả an toàn có sự tham gia theo chuỗi PGS tại các xã: Tiền Yên, Vân Côn, Song Phương, Cát Quế, với diện tích: 176 ha ; mô hình sản xuất nho hạ đen, nho mẫu đơn theo tiêu chuẩn VietGAP gắn với du lịch sinh thái trải nghiệm tại xã An Thượng; mô hình trồng rau thuỷ canh tại xã Tiền Yên với diện tích 0,5 ha; 13 đơn vị có diện tích cây trồng được cấp mã số vùng trồng phục vụ nội tiêu và xuất khẩu với diện tích 78,23 ha; hàng năm cho thu nhập bình quân từ 500 đến 600 triệu đồng/ ha /năm.
Nông nghiệp truyền thống ở Hoài Đức trước kia gắn liền với việc sản xuất nông sản thô, chủ yếu phục vụ cho nhu cầu tiêu thụ trong nước. Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế thị trường ngày càng cạnh tranh, đòi hỏi ngành nông nghiệp phải có sự thay đổi để nâng cao giá trị sản phẩm, gia tăng năng suất và đảm bảo tính bền vững. Chính vì vậy, huyện Hoài Đức chỉ đạo các phòng ban chuyên môn triển khai đẩy mạnh tập huấn hướng dẫn nhân dân áp các công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp.
Theo đó, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Hoàng Trường cho biết “việc chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế của huyện. Huyện đã thực hiện các chương trình khuyến khích người dân ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, từ đó giúp các sản phẩm nông sản không chỉ tăng về năng suất mà còn nâng cao chất lượng. Xuất phát từ chủ trương, định hướng của Thành phố về phát triển nông nghiệp công nghệ cao, xác định nông nghiệp công nghệ cao là hướng đi trọng tâm, đột phá trong phát triển nông nghiệp và nông thôn trên địa bàn huyện.
Nhằm khuyến khích người dân, doanh nghiệp áp dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, hướng tới nền nông nghiệp xanh, bền vững. Ngày 28/5/2021, UBND huyện đã ban hành Kế hoạch số 184/KH-UBND về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao huyện Hoài Đức giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Hiện nay huyện đang tập trung vào phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp đô thị sinh thái, sản xuất hàng hoá có chất lượng, hiệu quả kinh tế cao, thân thiện với môi trường, đảm bảo an toàn thực phẩm hướng đến xuất khẩu”.
Một trong những mô hình nổi bật trong chuyển đổi nông nghiệp của Hoài Đức là việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất rau sạch. Các mô hình, HTX sản xuất nông nghiệp công nghệ cao xây dựng hệ thống nhà lưới, nhà kính, hệ thống tưới tiêu thông minh đã được áp dụng rộng rãi, giúp kiểm soát môi trường và chất lượng sản phẩm, từ đó tạo ra những sản phẩm đạt chuẩn an toàn cung cấp cho thị trường Hà Nội.
Hiện nay mô hình trồng rau thủy canh của anh Nguyễn Đăng Quyết, Công ty TNHH Rau thủy canh Quyết Tâm (tại thôn Hàn xã Sơn Đông huyện Hoài Đức) là một trong những mô hình rau sạch áp dụng phương pháp hiện đại theo hướng sản xuất áp dụng công nghệ cao. Chia sẻ với phóng viên anh Quyết cho biết: “Mô hình trồng rau thuỷ canh này rất mới, phương pháp này có bốn lợi ích cơ bản; tiết kiệm không gian, tăng năng suất, không sử dụng hoá chất, thuốc trừ sâu và tiết kiệm nước. hiện nay công ty đang cung cấp cho siêu thị trên địa bàn thành phố Hà Nội, xu hướng và mong muốn tìm kiếm thị trường xuất khẩu. Với hệ thống tưới tiêu tự động, kiểm soát nhiệt độ và độ ẩm, các loại rau như xà lách, cải ngọt, mồng tơi… đều phát triển nhanh chóng và cho năng suất cao. Nhờ vào việc ứng dụng công nghệ, năng suất của các loại rau này gấp 2-3 lần so với phương pháp truyền thống”.
Bên cạnh mô hình rau thuỷ canh là khu sản xuất rau an toàn HTX Tiền Lệ (xã Tiền Lệ) theo tiêu chuẩn VietGAP. Hiện nay, HTX có hơn 500 hộ tham gia sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP trên tổng diện tích 33.5ha trong đó có 2,5 ha diện tích nhà lưới cho năng suất và thu nhập cao hơn.
Năm 2019, “Rau an toàn Tiền Lệ được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể và được các doanh nghiệp trực tiếp ký hợp đồng bao tiêu thường xuyên với sản lượng gần 50% tổng sản lượng của toàn HTX và đã tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động địa phương, mang lại thu nhập ổn định cho bà con nông dân trong toàn xã.
Chia sẻ với phóng viên tại vườn rau sạch HTX Tiền Yên, PCT UBND xã Tiền Yên Nguyễn Đình Đính cho biết: “Để sản phẩm có thị trường ổn định, HTX ký hợp đồng cung ứng rau cho chuỗi siêu thị và các cửa hàng rau sạch trên địa bàn Hà Nội. Trung bình một ngày, HTX thu hoạch và tiêu thụ khoảng 20 - 25 tấn rau với giá bán từ từ 10-15 nghìn đồng/kg. Ngoài ra, HTX đã tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động thường xuyên tại địa phương, mang lại thu nhập ổn định cho bà con nhân trong toàn xã”.
Cũng tại xã Tiền Yên một người dân chia sẻ: "Trước đây, chúng tôi chỉ trồng rau theo kiểu truyền thống, vất vả, mất nhiều thời gian, lại phụ thuộc vào thời tiết. Nhưng từ khi tham gia vào mô hình nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao, chúng tôi đã tiết kiệm được rất nhiều công sức, đồng thời thu nhập cũng ổn định hơn".
Để có thể vận hành hiệu quả các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, huyện Hoài Đức cũng chú trọng đến công tác đào tạo nguồn nhân lực. Các lớp tập huấn về kỹ thuật canh tác hiện đại, sử dụng công nghệ cao được tổ chức thường xuyên, giúp người dân làm quen và tiếp cận các phương thức sản xuất tiên tiến.
Chia sẻ với phóng viên đại diện phòng kinh tế của huyện Hoài Đức cho biết: "Chúng tôi thường xuyên tổ chức các khóa đào tạo hướng dẫn về công nghệ cao trong nông nghiệp, từ kỹ thuật trồng trọt, chăm sóc cây trồng, đến quản lý hệ thống tưới tiêu thông minh. Điều này giúp người dân không chỉ nắm vững kiến thức, mà còn có thể ứng dụng vào thực tế sản xuất hiệu quả".
Chuyển đổi sang nông nghiệp công nghệ cao không chỉ giúp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm mà còn giúp bảo vệ môi trường. Việc sử dụng hệ thống tưới tiêu tiết kiệm nước, đảm bảo không sử dụng hóa chất trong sản xuất nông sản là những giải pháp quan trọng trong việc bảo vệ tài nguyên đất đai và nước ngầm của huyện.
Bên cạnh đó, nông nghiệp công nghệ cao cũng mở ra cơ hội xuất khẩu nông sản sang các thị trường quốc tế. Sản phẩm nông sản của Hoài Đức đang dần chinh phục người tiêu dùng tại các thị trường khó tính trong và ngoài nước. Sự chuyển mình của huyện Hoài Đức từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp công nghệ cao là một bước đi đúng đắn, phù hợp với xu thế phát triển của ngành nông nghiệp hiện đại.
Huyện Hoài Đức đang dần khẳng định vị thế của mình trong nền nông nghiệp công nghệ cao của thủ đô Hà Nội góp phần đưa huyện Hoài Đức về đích huyện nông thôn mới nâng cao gắn với tiêu chí xây dựng huyện thành quận trong thời gian tới./.