Phát triển ngành công nghiệp vùng đồng bằng sông Hồng tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu

Vùng đồng bằng sông Hồng là địa bàn đặc biệt quan trọng của đất nước với hạt nhân là Thủ đô Hà Nội. Để phát huy vai trò là 1 trong 2 “đầu tàu” kinh tế, động lực phát triển hàng đầu của cả nước, cần phát triển các ngành công nghiệp trong Vùng theo hướng hiện đại, cạnh tranh, giá trị gia tăng cao và tham gia sâu, toàn diện vào mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu.

Tại Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Xúc tiến đầu tư Vùng vừa diễn ra tại tỉnh Quảng Ninh, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, Vùng đồng bằng sông Hồng là địa bàn đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của đất nước với hạt nhân là Thủ đô Hà Nội.

h-1676681706.jpg
Phát triển các ngành công nghiệp trong Vùng đồng bằng Sông Hồng theo hướng hiện đại, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu

Để Vùng đồng bằng sông Hồng phát huy vai trò là 1 trong 2 “đầu tàu” kinh tế, động lực phát triển hàng đầu của cả nước với 3 cực tăng trưởng là Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, cần tập trung đẩy mạnh công tác hoàn thiện thể chế nhằm phát triển các ngành công nghiệp vùng đồng bằng sông Hồng theo hướng hiện đại, cạnh tranh, giá trị gia tăng cao và tham gia sâu, toàn diện vào mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu.

Theo đó, xác định nguyên tắc, tiêu chí lựa chọn một số ngành công nghiệp để ưu tiên phát triển theo hướng phải đáp ứng các nguyên tắc: Dựa trên kết quả phân tích, đánh giá khách quan lợi thế của từng Vùng và địa phương; Là ngành có khả năng tham gia sâu vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu; là ngành công nghiệp có ý nghĩa nền tảng, có tác động lan toả cao đến các ngành kinh tế khác; Là ngành sử dụng các công nghệ sạch, thân thiện môi trường; Là ngành có khả năng tạo ra giá trị gia tăng cao; Tiếp tục rà soát để nâng cấp, hoàn thiện quy định của pháp luật về công nghiệp hỗ trợ.

Phân bố không gian và chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp để sắp xếp, phân bố không gian phát triển công nghiệp Vùng đồng bằng sông Hồng theo nguyên tắc liên kết nội vùng và liên vùng đồng bộ với liên kết ngành công nghiệp: Vùng đồng bằng sông Hồng, Vùng Thủ đô; Vùng trung du và miền núi phía Bắc; Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ trong Quy hoạch Vùng đồng bằng sông Hồng và các Quy hoạch cấp tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó cần quán triệt sâu sắc quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị trong Nghị quyết 30 là “Vùng đồng bằng sông Hồng là động lực phát triển hàng đầu để định hướng, dẫn dắt quá trình cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng của đất nước” - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho hay.

Cùng với đó, cần sớm hình thành các cụm liên kết ngành công nghiệp và khu công nghiệp chuyên biệt gắn với các cực tăng trưởng theo hướng tập trung để khai thác, phát huy tốt nhất tiềm năng, thế mạnh riêng có và vai trò “đầu tàu” của các cực tăng trưởng như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh với các địa phương mới trở thành điểm sáng về phát triển công nghiệp như Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hưng Yên…, không dàn đều phát triển công nghiệp theo địa giới hành chính; Ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp mới như sản xuất chíp, chất bán dẫn, robot, công nghiệp môi trường, công nghiệp năng lượng tái tạo, vật liệu mới.

Đặc biệt, cần hoàn thiện thể chế thu hút đầu tư nước ngoài để phát triển công nghiệp Vùng theo hướng hiện đại, công nghệ cao, ít phát thải khí nhà kính, có khả năng cạnh tranh và giá trị gia tăng cao, tham gia sâu, toàn diện vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu.

Trong đó, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ tập trung phát triển mạnh các ngành công nghiệp hiện đại, có lợi thế cạnh tranh và ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp mới, công nghệ cao, có tính chất “dẫn đường” (như: sản xuất chíp, bán dẫn, rô bốt, công nghiệp năng lượng tái tạo, vật liệu mới); đặc biệt là phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo trong nước nhằm tận dụng thế mạnh của nước ta về tiềm năng năng lượng tái tạo để xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, giảm giá thành năng lượng tái tạo.

Cùng với đó, chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, nhân lực phục vụ phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm, có thế mạnh của Vùng. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, phát triển chính phủ điện tử, xây dựng chính quyền số. Tập trung rà soát, cắt giảm mạnh mẽ các thủ tục, điều kiện đầu tư, kinh doanh không còn phù hợp. Tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực.

Để hiện thực hóa các mục tiêu này, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, Bộ Công Thương với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước lĩnh vực công nghiệp và thương mại, sẽ tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển các ngành công nghiệp theo định hướng, làm cơ sở pháp lý thống nhất cho các hoạt động phát triển công nghiệp trong thời kỳ mới; phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật phát triển các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp mũi nhọn, ưu tiên, nhất là các ngành công nghiệp năng lượng, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp vật liệu, công nghiệp cơ khí, chế tạo, chế biến, công nghiệp điện tử, công nghiệp thực phẩm, dệt may, da - giày.

Cùng với đó, rà soát, thể chế hóa các nội dung quản lý nhà nước về logistics bằng hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật đồng bộ theo cơ chế thị trường, thích hợp trình độ phát triển kinh tế đất nước và phù hợp thông lệ, luật pháp quốc tế; Nghiên cứu xây dựng Chiến lược tổng thể phát triển dịch vụ logistics của Việt Nam đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2045, làm cơ sở để các địa phương, các Vùng kinh tế triển khai thực hiện, góp phần thúc đẩy phát triển ngành logistics nói riêng, kinh tế xã hội toàn Vùng nói chung phát triển nhanh và bền vững như mục tiêu Nghị quyết của Bộ Chính trị đã đề ra./.

Lê Kim Liên