Phát triển giá trị cây nho và sản phẩm từ nho

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận cho biết, Ninh Thuận là tỉnh khô hạn nhất cả nước thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ. Đặc điểm khí hậu nhiệt đới - gió mùa lục địa bán khô hạn nhưng là lợi thế để phát triển sản xuất và thích hợp phát triển cây ăn quả chủ lực, mang tính đặc thù riêng là cây nho.

Cây nho cũng đã được ngành Nông nghiệp tỉnh Ninh Thuận xác định là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh trong quá trình phát triển kinh tế nông nghiệp. Tuy diện tích nho trên địa bàn tỉnh chỉ chiếm 3-3,5% tổng diện tích gieo trồng, nhưng giá trị sản xuất hàng năm của cây nho đạt 19-20% tổng giá trị sản xuất trong ngành trồng trọt. Trung bình mỗi năm cung cấp cho thị trường khoảng 26.000 – 28.000 tấn nho ăn tươi.

Sở NN&PTNT Ninh Thuận cho biết, cây nho là cây có giá trị kinh tế cao trong các loại cây trồng, đem lại nguồn thu nhập lớn cho nông dân. Năm 2022 diện tích trồng nho trên địa bàn toàn tỉnh là 1.052,8 ha (trong đó diện tích cho thu hoạch đạt 1.000,8 ha), năng suất đạt 256,8 tạ/ha, sản lượng đạt 25.705 tấn. Diện tích trồng nho tập trung nhiều ở các huyện Ninh Phước, Ninh Hải, Ninh Sơn, Thuận Nam và thành phố Phan Rang - Tháp Chàm. Quy mô diện tích trồng nho của các hộ dân dao dộng từ 0,1-3 ha/hộ.

nho-1686980790.jpg
Những năm qua tỉnh Ninh Thuận đã xây dựng các mô hình trồng nho an toàn, trồng nho theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ.

Hiện sản lượng nho trên địa bàn tỉnh trung bình mỗi năm cung cấp cho thị trường khoảng 26.000 tấn nho tươi. Ngoài ra, còn có các sản phẩm chế biến từ nho như: ô mai nho, nho sấy dẻo, nho sấy khô, Siro nho, rượu vang nho, nước ép nho,…. đã thâm nhập vào thị trường tiêu thụ ngoài tỉnh, đến các siêu thị lớn trên cả nước như: Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang, thành phố Hồ Chí Minh…. Với một số mạng lưới gồm những người chủ buôn đầu mối tiêu thụ, đại lý, cửa hàng trải rộng các tỉnh lân cận nên lượng nho cung ứng trên thị trường được trải đều. Hiện nay, việc thương mại điện tử phát triển, nho Ninh Thuận được rao bán nho lẻ trên các web, các diễn đàn…cho thấy sản phẩm nho của tỉnh đang ngày càng được quan tâm.

Để gia tăng giá trị kinh tế, những năm qua tỉnh Ninh Thuận đã xây dựng các mô hình trồng nho an toàn, trồng nho theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, chuyển giao công nghệ hiện đại vào sản xuất và bảo quản sản phẩm. Tính đến nay, diện tích cây nho ứng dụng công nghệ cao chiếm 31% tổng diện tích trồng nho của tỉnh, trong đó diện tích trồng nho ứng dụng tưới tự động và bán tự động gần 345ha; nho trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ gần 214 ha; nho trồng trong nhà màng tưới tự động gần 5 ha.

Hiện tỉnh Ninh Thuận đã và đang chú trọng đầu tư phát triển để nâng cao vị thế, giá trị của cây nho, mặt hàng nông sản tiêu biểu của tỉnh, đặc biệt các mô hình sản xuất áp dụng kỹ thuật tiên tiến theo các quy trình sản xuất phù hợp, ứng dụng công nghệ cao gắn với chuỗi giá trị nho được phát huy nhân rộng; cùng với đó tỉnh cũng ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển cây nho và các sản phẩm chế biến sau nho đã mang lại hiệu quả đáng kể cho người trồng nho. 

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận cho biết, thời gian qua từ các chương trình, dự án phát triển nông nghiệp, tỉnh Ninh Thuận phối hợp với các cơ quan khoa học chuyển giao công nghệ xử lý bảo quản quả nho sau thu hoạch, dây chuyền sấy nông sản, xây dựng mô hình sản xuất vang, kho lạnh hỗ trợ các cơ sở sản xuất phát triển các dòng sản phẩm chế biến từ nho tươi như: mứt nho, rượu nho, vang nho, mật nho, sirô nho, nho sấy, ô mai nho... Qua đó, mở rộng thị trường tiêu thụ, đáp ứng nhu cầu thưởng thức sản phẩm đa dạng của khách hàng.

Cùng với việc đẩy mạnh sản xuất, chế biến nho và các sản phẩm từ nho, nhiều địa phương tại Ninh Thuận đã mạnh dạn đầu tư, cải tạo vườn nho thành điểm đón tiếp du khách vào tham quan. Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Thuận, mô hình du lịch sinh thái vườn nho, trang trại nho trên địa bàn đang có bước phát triển mạnh. Để đáp ứng yêu cầu phục vụ du khách tham quan vườn nho, đơn vị đã phối hợp với các địa phương mở các lớp tập huấn ngắn hạn cho các hộ về kỹ năng đón tiếp khách, cách bố trí sắp xếp các loại hình dịch vụ, đồng thời lắp đặt biển báo dọc các tuyến đường để hướng dẫn du khách tham quan.

Lễ hội Nho - Vang Ninh Thuận được tổ chức đầu tiên vào năm 2014 và trở thành lễ hội truyền thống của tỉnh Ninh Thuận, được tổ chức 2 năm một lần nhằm mục đích xây dựng thương hiệu Lễ hội Nho - Vang Ninh Thuận độc đáo, khác biệt, giàu bản sắc, tôn vinh người trồng nho và giá trị cây nho, sản phẩm từ nho; đồng thời cũng là dịp để quảng bá hình ảnh, quê hương, con người Ninh Thuận, tiềm năng, thế mạnh của tỉnh về kinh tế nông nghiệp, kinh tế biển gắn với văn hóa, du lịch, thu hút các thành phần kinh tế trong và ngoài nước đầu tư vào Ninh Thuận. 

images2147328-138duy-nho2-1-1686980805.jpg
Nhiều địa phương tại Ninh Thuận đã mạnh dạn đầu tư, cải tạo vườn nho thành điểm đón tiếp du khách vào tham quan.

Năm nay, lễ hội diễn ra từ ngày 13/6 đến 18/6 tại khu vực Quảng trường - Tượng đài 16/4 (TP Phan Rang - Tháp Chàm). Trong thời gian diễn ra lễ hội, sẽ có một chuỗi hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch sôi nổi, đặc sắc, mới lạ, mang thế mạnh đặc trưng, khác biệt với 12 hoạt động cấp tỉnh như: Hội chợ Công thương Khu vực Nam Trung Bộ - Ninh Thuận 2023; Lễ hội ẩm thực; Hội thảo phát triển giá trị cây nho và sản phẩm từ nho; Hội thảo Bảo tồn và phát huy giá trị “Nghệ thuật làm gốm cuả người Chăm”; Hoạt động tham quan trải nghiệm vườn nho, làng gốm Bàu Trúc, dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp; Thi giàn nho đẹp… 

Năm 2023, tỉnh Ninh Thuận đề ra kế hoạch phát triển diện tích trồng nho lên 1.115 ha, sản lượng thu hoạch 27.652 tấn nho tươi cung cấp cho thị trường. Cùng với phát triển các giống nho ăn tươi mới chất lượng, tỉnh tiếp tục mở rộng các vùng trồng nho theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ; hỗ trợ, tạo điều kiện cho người trồng nho liên kết với các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia đầu tư, sản xuất nho theo chuỗi giá trị gắn với phát triển du lịch sinh thái tham quan vườn nho để quảng bá các sản phẩm nho chất lượng cao của địa phương.

Tỉnh Ninh Thuận đặt mục tiêu đến năm 2025, diện tích trồng khoảng 1.770 ha, tập trung chủ yếu tại các huyện: Ninh Phước (490 ha), Ninh Hải (600 ha), thành phố Phan Rang – Tháp Chàm (300 ha), Ninh Sơn (350 ha), Thuận Nam (30 ha), Thuận Bắc (5 ha); sản lượng đạt 44,16 nghìn tấn. Trong đó, diện tích nho sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ đạt 1.070 ha (chiếm khoảng 60% tổng diện tích nho của tỉnh), sản lượng khoảng 27,9 nghìn tấn. 

Đến năm 2030: Định hướng phát triển diện tích trồng khoảng 2.000 ha, tập trung tại các huyện: Ninh Phước (490 ha), Ninh Hải (650 ha), thành phố Phan Rang - Tháp Chàm (400 ha), Ninh Sơn (410 ha), Thuận Nam (50 ha), Thuận Bắc (5 ha),…; sản lượng đạt 51,3 nghìn tấn. Trong đó, diện tích nho sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ đạt 1.520 ha (chiếm khoảng 76% tổng diện tích nho của tỉnh), sản lượng 40,3 nghìn tấn. Chú trọng các quy hoạch (quy hoạch đất, quy hoạch vùng sản xuất, quy hoạch các khu vực sản xuất nho chất lượng cao...) phải được bổ sung phù hợp; Các cơ chế và chính sách hỗ trợ cho phát triển nho được xây dựng. Đảm bảo hài hòa lợi ích cho mọi thành phần tham gia trong các khâu (sản xuất – chế biến – tiêu thụ) trong chuỗi giá trị nho và các sản phẩm sau nho.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh tham mưu UBND tỉnh xây dựng cơ chế, ban hành các chính sách tạo động lực cho phát triển nông nghiệp nói chung và cây nho nói riêng như chính sách hỗ trợ áp dụng công nghệ cao vào sản xuất ứng phó với biến đổi khí hậu; tăng cường nâng cao năng lực cho hợp tác xã, các tổ hợp tác; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nho, hình thành liên kết từ sản xuất-bảo quản-chế biến-tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời nghiên cứu, khảo nghiệm các giống nho mới có năng suất cao, chất lượng tốt đưa vào sản xuất.