Hưng Yên: Khởi nghiệp từ trồng nho sữa Hàn Quốc

Bước vào vườn nho sữa Hàn Quốc và nho móng tay của anh Nguyễn Văn Duy ở xã Dạ Trạch (Khoái Châu), chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng, thích thú trước khu vườn nho trải dài xanh mát, cây nào cũng trĩu quả.

Là người đầu tiên đưa giống nho sữa Hàn Quốc và nho móng tay không hạt về trồng tại đồng đất của địa phương, vợ chồng anh Duy đã gặt hái được thành công bước đầu trên con đường làm giàu trên mảnh đất quê hương. Sau 2 năm được trồng trên đồng đất Dạ Trạch, giống nho sữa Hàn Quốc sinh trưởng tốt, sai quả, chất lượng quả ngon, tương đối phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng địa phương, mở ra triển vọng phát triển kinh tế cho nông dân.

hy-1666658865.jpg
Vườn nho sữa Hàn Quốc của anh Nguyễn Văn Duy, xã Dạ Trạch (Khoái Châu)

Vốn là nhân viên cơ khí làm việc tại Hàn Quốc, anh Duy đã từng tham quan nhiều mô hình trồng nho cho hiệu quả kinh tế cao. Sau khi tìm hiểu, nhận thấy nho sữa Hàn Quốc (hay còn gọi là nho Mẫu Đơn) và nho móng tay là giống nho nhập ngoại, có nhiều ưu điểm vượt trội về năng suất, màu sắc bắt mắt, quả to không hạt, ăn giòn, ngọt, thơm, được nhiều khách hàng ưa chuộng. Đặc biệt là nho sữa Hàn Quốc quả to, tròn, vỏ màu xanh, khi chín có vị ngọt đậm, pha chút ngậy béo, thơm mùi sữa đặc trưng, chứa nhiều vitamin, khoáng chất và hàm lượng lớn chất chống oxy hóa rất tốt đối với người mắc bệnh tim mạch, người huyết áp cao. Vì vậy, đầu năm 2020, vợ chồng anh Duy đã chuyển đổi 1 mẫu trồng bưởi sang trồng 700 gốc nho sữa Hàn Quốc và nho móng tay với quyết tâm “chinh phục” và nhân rộng giống nho mới để phục vụ người tiêu dùng với giá cả hợp lý.

Anh Duy đã đầu tư hệ thống tưới nước tự động phun sương và nhỏ giọt kết nối với điện thoại di động qua phần mềm chuyên dùng để điều khiển từ xa; bên trên làm mái vòm nilon trong suốt; bên dưới sử dụng bạt đen che toàn bộ phần gốc cây với chi phí ban đầu gần 1 tỷ đồng. Toàn bộ quá trình canh tác được kiểm soát chặt chẽ, hạn chế tối đa sử dụng thuốc trừ sâu và phân bón hóa học. Thay vào đó, anh sử dụng thuốc trừ sâu sinh học và tự làm phân hữu cơ để bón cho cây. Anh Duy chia sẻ: Vừa làm vừa học, vừa rút kinh nghiệm, tôi tự tìm hiểu trên các phương tiện thông tin đại chúng về quy trình làm vườn, kỹ thuật trồng và chăm sóc cây, kỹ thuật để cây cho ra nhiều hoa và đậu quả...

Để cây ra nhiều chùm đẹp, quả to, đều, khi nho ra quả non phải tỉa bớt quả, tạo hình cho chùm. Cuối năm 2020, nho bắt đầu cho ra vụ quả đầu tiên. Mỗi năm, nho cho thu hoạch 2 vụ vào khoảng tháng 7 và tháng 11 dương lịch. Vụ nho tháng 7.2022 vừa qua, gia đình tôi thu gần 1 tấn quả với giá bán từ 250 – 350 nghìn đồng/kg. Mỗi năm vườn cho thu nhập khoảng 600 triệu đồng, trừ chi phí lãi hơn 400 triệu đồng. Từ năm thứ 3 trở đi, cây sẽ cho sản lượng quả lớn, dự kiến thu nhập cao gấp nhiều lần so với hiện tại.

Để quảng bá cho sản phẩm của gia đình, vợ chồng anh Duy tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, đưa hình ảnh vườn nho lên các trang mạng xã hội như: facebook, zalo... Hiện tại, đã có nhiều cửa hàng rau quả sạch, thương lái, người tiêu dùng đặt hàng bao tiêu sản phẩm cho vụ quả tháng 11 tới bởi sản phẩm sạch, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng. Thời gian tới, vợ chồng anh sẽ tiếp tục mở rộng thêm 10 mẫu để trồng nho sữa Hàn Quốc và nho móng tay kết hợp với làm du dịch sinh thái để thu hút khách tham quan, trải nghiệm ngay tại vườn.

Huyện Khoái Châu hiện có 3 hộ nông dân trồng nho, trong đó anh Duy là hộ duy nhất trồng nho sữa Hàn Quốc và nho móng tay, bước đầu cho thấy năng suất, chất lượng tốt, đạt hiệu quả kinh tế cao, mở ra triển vọng để nhân rộng sản xuất ở địa phương, góp phần đa dạng hóa cây trồng trong sản xuất nông nghiệp, tăng thu nhập cho nông dân./.

Phạm Yên