Phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa

Phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc là yêu cầu cấp thiết được đặt ra để thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp “không khói”
thanh-nha-ho-1701403634.jpg
Di sản văn hóa thế giới thành Nhà Hồ thu hút đông đảo du khách tham quan

Tại Văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định, phát triển văn hóa với phát triển du lịch, đưa du lịch thành một ngành kinh tế mũi nhọn, đồng thời bảo vệ, gìn giữ tài nguyên văn hóa cho các thế hệ mai sau.

Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị về “Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn” đã nhấn mạnh quan điểm phát triển du lịch bền vững; bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa và giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Bảo vệ môi trường và thiên nhiên... Đồng thời, xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển du lịch là tập trung phát triển sản phẩm du lịch biển, đảo, du lịch văn hóa, tâm linh, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng có sức hấp dẫn và khả năng cạnh tranh cao.

Thanh Hóa là tỉnh có tài nguyên di sản văn hóa phong phú, đa dạng và độc đáo với nhiều phong tục, tập quán, nghệ thuật kiến trúc, lễ hội văn hóa dân gian đặc sắc... của các dân tộc anh em cùng sinh sống. Theo thống kê, tỉnh Thanh Hóa có hơn 1535 di tích, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng và kiểm kê bảo vệ. Trong đó, có 1 di sản thế giới, 5 di tích quốc gia đặc biệt. Bên cạnh đó, Thanh Hóa cũng có hàng trăm lễ hội, lễ tục, trò diễn dân gian ở khắp các vùng miền được lưu giữ, trong đó 15 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục quốc gia.

Để bảo tồn và phát huy những giá trị di sản văn hóa, gắn với phát triển du lịch, những năm qua, tỉnh Thanh Hóa đã ban hành các nghị quyết, đề án, chương trình cụ thể để đưa du lịch, dịch vụ thành ngành kinh tế mũi nhọn trên cơ sở bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.

Tại Kế hoạch số 169 ngày 29/9/2017 về việc thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, mở ra hướng phát triển cho ngành du lịch. Theo đó, tỉnh Thanh Hóa khuyến khích phát triển các loại hình du lịch văn hóa, đặc biệt là du lịch di sản, du lịch văn hóa tâm linh. Liên kết xây dựng các sản phẩm du lịch văn hóa với các vùng, miền, địa phương trong cả nước.

Để phát triển du lịch gắn với phát huy các giá trị di sản, tỉnh Thanh Hóa luôn ưu tiên trùng tu, tôn tạo các khu di tích lịch sử. Khôi phục lại các loại hình nghệ thuật, lễ hội văn hóa đặc sắc ở các địa phương. Từ đó các sản phẩm du lịch văn hóa, di sản và dịch vụ ngày càng đa dạng.

Việc đưa các di sản văn hóa phi vật thể mang đặc trưng riêng biệt, như: trò Xuân Phả (ở huyện Thọ Xuân), hò sông Mã (Hà Trung), trò diễn Pồn Pôông của đồng bào dân tộc Mường (Ngọc Lặc)... vào các sự kiện lớn, hay biểu diễn ngay tại các khu, điểm du lịch không chỉ góp phần bảo tồn, gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống mà còn đa dạng hóa, tăng thêm giá trị cho sản phẩm du lịch, kích thích sự tìm tòi khám phá của du khách.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng tăng cường công tác truyền thông, quảng bá dịch vụ của di tích đến với bạn bè trong nước và quốc tế. Tập huấn chuyên môn nâng cao, cơ sở hạ tầng như xe điện, điểm ki ốt… phục vụ du khách tham quan.

Bà Vương Thị Hải Yến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch Thanh Hóa cho biết, phát triển du lịch gắn với nhiệm vụ bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa là nhiệm vụ trọng tâm góp phần đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng mạng lưới và hệ thống du lịch, tái cơ cấu khách du lịch theo hướng tăng dần tỷ trọng khách quốc tế đến Thanh Hóa. Đồng thời bảo vệ, gìn giữ tài nguyên văn hóa cho các thế hệ mai sau.

Cũng theo bà Yến, phát triển du lịch từ di sản văn hóa góp phần tạo nên sự khác biệt giữa Thanh Hóa và các vùng miền khác. Từ đó tạo nên những không gian văn hóa độc đáo có bản sắc trong mắt bạn bè, du khách trong nước và quốc tế./.

Hà Khải