Phát hiện hơn 1.600 chiếc quần kaki nghi giả mạo nhãn hiệu Under Armour

Theo Cục Quản lý thị trường (QLTT) TP Hồ Chí Minh, Đội QLTT số 3 phối hợp với Công an phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh và Cục Nghiệp vụ QLTT (Tổng cục QLTT) phát hiện hơn 1.600 chiếc quần kaki nghi giả mạo nhãn hiệu Under Armour (thương hiệu thời trang được yêu thích tại Mỹ) đang được bảo hộ tại Việt Nam tại điểm kinh doanh hàng hóa trên đường Phạm Đăng Giảng, quận Bình Tân.

Trước đó, chiều tối ngày 15/4, Đoàn kiểm tra phát hiện tại điểm kinh doanh hàng hóa có địa chỉ tại nhà không số đường Phạm Đăng Giảng, phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh do ông Nguyễn Văn Tâm là chủ. 

Tiến hành kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện 1.640 chiếc quần kaki may sẵn, chưa qua sử dụng, trên sản phẩm có ghi nhãn hiệu và logo của nhãn hiệu Under Armour có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu đang được bảo hộ tại Việt Nam, có niêm yết giá hàng hóa theo quy định. Tổng trị giá hàng hóa vi phạm trên 217 triệu đồng.

co-so-kinh-doanh-quan-kaki-nghi-gia-mao-nhan-hieu-under-armour-1681704098.jpeg
Đoàn kiểm tra TP Hồ Chí minh phát hiện hơn 1.600 chiếc quần kaki nghi giả mạo nhãn hiệu thời trang Under Armour đang được bảo hộ tại Việt Nam

Tại thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở chưa xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp số hàng hóa nêu trên. Ông Tâm xuất trình giấy đăng ký kinh doanh ở một địa điểm khác không phải địa điểm đang được kiểm tra. 

Theo tìm hiểu, giá của một chiếc quần chính hãng Under Armour trên thị trường hiện nay giao động từ 1,2 - 1,5 triệu đồng/chiếc. Còn tại cơ sở này, mỗi chiếc quần được quảng cáo mang thương hiệu trên có mức giá chỉ bằng 1/10 so với hàng hóa chính hãng, trung bình từ  129.000 - 169.000 đồng tùy dáng dài hay ngắn.

Cơ quan chức năng tiến hành tạm giữ toàn bộ số hàng hóa vi phạm để tiếp tục xác minh, làm rõ theo quy định của pháp luật.

Trước đó, ngày 31/3, QLTT TP Hồ Chí Minh đã tiến hành giám sát tiêu hủy hàng hóa đối với 5.505 đơn vị sản phẩm hàng hóa vi phạm, tổng trị giá trên 179 triệu đồng. Hàng hóa vi phạm bị tiêu hủy gồm: túi xách, ví, giày dép, quần áo, đồng hồ, mắt kính, củ sạc, dây sạc điện thoại di động … giả mạo các nhãn hiệu thời trang nổi tiếng trên thế giới và các loại thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, thực phẩm bánh kẹo, đường cát, thuốc lá điếu... không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng hóa nhập lậu./.

Anh Thư