Nghi lễ cúng cầu mưa và cầu mùa độc đáo của người Êđê tại Krông Bông

Với ước mơ mưa thuận gió hòa, nương rẫy tươi tốt, thóc lúa đầy kho, vào tháng ba hoặc tháng tư hằng năm người dân buôn Đắk Tuôr (xã Cư Pui, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk) thường tổ chức lễ cúng cầu mưa và cầu mùa.

Nghi lễ quan trọng này của người Êđê được Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch phối hợp với Trung tâm Văn hóa – Thể thao huyện Krông Bông và UBND xã Cư Pui tổ chức vào cuối tháng ba vừa qua. Thời điểm tổ chức lễ cũng rơi vào cao điểm nắng nóng và khô hạn gay gắt ở Tây Nguyên.

chon-noi-de-thuc-hien-le-cung-1712687065.jpg
Chọn nơi để thực hiện lễ cúng.

Đối với người Êđê, Lễ cầu mưa (gọi là Kăm mah) và cầu mùa (gọi là Căm buh) là một trong những nghi lễ nông nghiệp quan trọng. Nghi lễ này đánh dấu thời điểm bắt đầu một mùa rẫy mới. Vì vậy người dân ở buôn Đắk Tuôr chuẩn bị mọi thứ rất kỹ trước khi tiến hành lễ này.

Đầu tiên, chủ buôn (Khua buôn) cùng bà con trong buôn chọn nơi để thực hiện lễ cúng. Đó thường là một khoảng đất rộng, bằng phẳng, gần cây cổ thụ và có nhiều tổ ong càng tốt. Theo quan niệm của người Êđê, nơi nào có đầy đủ các điều kiện nêu trên được xem là đất tốt.

le-vat-su-dung-trong-le-cung-la-choi-puk-2-tang-1712687150.jpg
Lễ vật sử dụng trong lễ cúng là chòi Pưk 2 tầng.

Kế đến, chủ buôn phân công mọi người tìm nơi đặt các loại bẫy một cách kín đáo. Người dân trong buôn sẽ cùng nhau làm Pưk (gọi là Sang Yang) hai tầng. Tầng trên tượng trưng cho tầng trời để thờ ông trời và bà trời (gọi là Ây Điê và Aduôn Điê). Còn tầng dưới là kho lúa, tượng trưng cho sự no đủ. Dưới chân chòi Pưk còn đặt Thần ác (gọi là Yang liê). Yang liê tượng trưng cho cái ác, chuyên xui khiến chim thú vào phá rẫy, làm mất mùa màng làm cho dân trong buôn không được no đủ.

tuong-go-than-ac-yang-lie-vi-than-ma-nguoi-ede-cho-rang-da-xui-khien-chim-thu-vao-pha-ray-lam-mat-mua-mang-dan-khong-duoc-no-du-1712687248.jpg
Tượng gỗ Thần ác (Yang Liê), vị thần mà người Êđê cho rằng đã xui khiến chim thú vào phá rẫy, làm mất mùa màng, dân không được no đủ

Để thực hiện lễ cúng, người dân trong buôn chuẩn bị rất nhiều dụng cụ như: ba cây đao, ba chiếc khiên, ba thúng đựng lúa, ba cái gùi, các loại bẫy, cây chọc trỉa lúa, dụng cụ đựng nước để làm mưa, các mô hình tượng trưng cho các loại thú… Ngoài ra, còn có các lễ vật như bốn ché rượu cần, một con heo, một con dê, hai con gà cùng các bộ phận của con vật hiến tế, một chén đồng đựng tiết heo, một chén đồng đựng rượu cần đặt trên mâm cúng … cùng 40 người nam nữ mặc trang phục truyền thống của người Êđê để thực hiện lễ cúng.

nguoi-dan-lua-chon-nhung-vo-ruou-can-ngon-nhat-de-dang-len-than-linh-tai-le-cung-1712687308.jpg
Người dân lựa chọn những vò rượu cần ngon nhất để dâng lên thần linh tại lễ cúng.

Khi mọi thứ đã được chuẩn bị xong, sau khi một hồi chiêng vang lên, thầy cúng sẽ đọc lời khấn cầu xin các vị thần sấm, thần mưa, thần gió… hãy cho mưa để làm cho cây cối tốt tươi, đừng nổi giận gây sấm chớp làm ảnh hưởng đến mùa màng. Khấn xong, thầy cúng cầm bát rượu pha tiết heo vẩy vào các gùi lúa, công cụ lao động và vẩy xuống đất rẫy. Điều này có ý nghĩa là muốn mời các thần cùng dùng rượu với dân làng. Sau đó, thầy cúng trở lại mâm cúng, tay nâng chén rượu trước trán và tiếp tục đọc lời khấn các thần linh ban cho buôn làng được mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, cây cối đâm hoa kết trái.

thay-cung-va-dan-lang-thuc-hien-nghi-thuc-vay-tiet-heo-vao-cac-gui-lua-cong-cu-lao-dong-va-vay-xuong-dat-ray-1712687408.jpg
Thầy cúng và dân làng thực hiện nghi thức vẩy tiết heo vào các gùi lúa, công cụ lao động và vẩy xuống đất rẫy

Khi thầy cúng dứt xong lời khấn, bà con trong buôn rộ lên tiếng hò reo để thể hiện sự đồng tình và bảy tỏ quyết tâm vượt qua mọi khó khăn cùng bước vào mùa rẫy mới. Thầy cúng cầm chén rượu trên tay, thầy cúng kính cẩn mời ông trời, bà trời, mời các thúng lúa trong chòi, rồi đi xung quanh chòi Pưk vẫy rượu mời các bẫy đã đặt và dụng cụ đuổi chim.

Lúc này, nghi thức gieo hạt cũng chính thức được bắt đầu. Bảy người đàn ông và bảy người phụ nữ nữ đã được chọn sẵn từ trước tiến lên thực hiện nghi thức này. Hai người đàn ông đi trước chọc lỗ, hai người phụ nữ theo sau gieo hạt thóc và lấp lỗ lại. Dụng cụ gieo lúa là một ống tre, để một đầu cật còn đầu kia để hở. Người dân đổ lúa giống vào ống tre này để gieo rồi dùng đầu cật để lấp lỗ lại.

nguoi-dan-trong-buon-thuc-hien-nghi-thuc-gieo-hat-tai-le-cung-1712687446.jpg
Người dân trong buôn thực hiện nghi thức gieo hạt tại lễ cúng.

Kết thúc tiết mục gieo lúa, mọi người đem nước đựng trong ống đing (ống tre) vẩy ướt đất rẫy. Thao tác này có ý nghĩa là thần linh đã nghe lời khẩn cầu của dân làng nên đã cho mưa xuống tưới mát nương rẫy. Lúc này, thầy cúng và cùng người dân trong buôn thực hiện lễ cúng cầu an và cầu sức khỏe.

Kết thúc nghi lễ cúng cầu an, mọi người tỏa ra đi khởi động các bẫy thú và hun khói, gỡ tổ ong xuống lấy mật. Thầy cúng cầm khiên, giáo múa một vòng quanh rẫy rồi tiến về chòi Pưk. Ở đây, thầy cúng đưa tượng Thần ác xuống chặt đầu trong tiếng hò reo của mọi người. Nghi thức này có ý nghĩa là trừ tà ma, đuổi thần ác đi nơi khác.

thay-cung-cam-dao-chat-dau-than-ac-voi-y-nghia-la-tru-ta-ma-duoi-than-ac-di-noi-khac-1712687470.jpg
Thầy cúng cầm dao chặt đầu Thần ác với ý nghĩa là trừ tà ma, đuổi thần ác đi nơi khác

Cuối buổi lễ, chủ buôn được thầy cúng mời ăn thịt, uống rượu đầu tiên. Kế đó mới đến lượt bà con trong buôn. Mọi người cùng uống rượu, chuyện trò trong tiếng chiêng trống được tấu lên rộn ràng. Khi rượu trong ché đã nhạt, người trong buôn ai về nhà đó, chuẩn bị các dụng cụ lao động, sẵn sàng bắt đầu một mùa rẫy mới.

Trưởng buôn Đắk Tuôr - Ông Y Thu Niê cho biết người dân trong buôn tổ chức nhiều nghi lễ lớn nhỏ hằng năm. “Lễ cúng cầu mưa và cầu mùa người trong buôn dành sự quan tâm nhất vì nó chứa đựng nhiều ước vọng, khát khao cuộc sống ấm no và vượt qua những khó khăn của thiên nhiên đất trời”./.

Kiến Giang