Hiện nay, sầu riêng đang vào chính vụ ở nhiều tỉnh, thành như TP Cần Thơ, Bến Tre, Tiền Giang, Vĩnh Long… được thương lái thu mua tại vườn với giá từ khoảng 49.000 - 60.000 đồng/kg tùy loại.
Đây là mức giá được nông dân đánh giá là khá cao. Lý do bởi những năm gần đây, diện tích sầu riêng trồng giảm mạnh do ảnh hưởng của các đợt hạn, mặn những năm trước khiến nguồn cung không dồi dào.
Trong bối cảnh hiện nay, nhiều loại trái cây bị ảnh hưởng bởi việc xuất khẩu gặp khó khăn. Tuy nhiên, với sản phẩm sầu riêng, tiêu thụ trong nước luôn ở mức khá tốt. Giá bán một số thời điểm có giảm, nhưng mức giảm không nhiều, so với các loại trái cây khác.
Điều này có được nhờ việc địa phương định hướng nông dân giữ ổn định diện tích, tập trung sản xuất những giống sầu riêng chất lượng gắn với nhu cầu của thị trường đang mang lại hiệu quả kinh tế khá tốt.
Ông Nguyễn Văn Truyền (49 tuổi, Cần Thơ) cho biết: “Năm trước, do ảnh hưởng của COVID-19, người dân ít tiêu thụ sầu riêng nên thương lái vào nhà vườn tôi mua khá thấp, trừ các khoản phân thuốc thì vợ chồng tôi chẳng dư được bao nhiêu. Hiện tại, thương lái vào mua giá cũng đỡ hơn nhiều. Gia đình tôi mừng rỡ khi trúng mùa, được giá!”.
Nhà ông Truyền có hơn 30 cây sầu riêng Ri 6 với tuổi đời 8 năm tuổi. Năm ngoái, ông cho tiêu thụ ra thị trường khoảng 800kg sầu riêng với giá bán cho thương lái là 44.000 đồng/kg. Năm nay, do áp dụng một số cách thụ phấn mới cho hoa, trái đậu nhiều, vườn nhà ông cho ra khoảng hơn 1 tấn sầu riêng với giá mỗi kí 49.000 đồng.
Theo ông Truyền, những nhà vườn cạnh ông còn bán được mức giá trên 50.000 đồng/kg cho thương lái vào trước lễ 30.4. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân tác động như thời tiết, khí hậu, phân thuốc khiến sầu riêng vườn của ông ra trễ với dự định.
Sầu riêng là loại quả có nhu cầu tiêu thụ ở mức cao, nguồn cung hạn chế và đặc biệt là chín theo mùa vụ. Đáng nói, để có thể cho ra hoa, kết quả một trái sầu riêng dày cơm, béo ngậy, nhà vườn phải tốn rất nhiều công sức trong việc chăm sóc, tưới tiêu.
"Giới thiệu sản phẩm sầu riêng tới Sở Công thương và kết nối các siêu thị thu mua sản phẩm cho nông dân rất ổn định", ông Nguyễn Trung Nghĩa, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, TP Cần Thơ, cho biết.
Phát triển các điểm du lịch sinh thái gắn với các vườn sầu riêng hay đưa đặc sản tại đây lên các sàn thương mại… là cách địa phương này đang tích cực làm nhằm tăng cường quảng bá, đa dạng kênh tiêu thụ, góp phần đảm bảo giá cả, đầu ra và giúp mặt hàng nông sản này vươn xa hơn.
Ông Nguyễn Văn Tí (52 tuổi, Cần Thơ) chia sẻ: "Hoa sầu riêng nở và thụ phấn vào ban đêm. Bên cạnh việc thụ phấn nhờ côn trùng thì nhà vườn cũng phải can thiệp để trái đậu nhiều. Khi hoa bắt đầu vào giai đoạn xổ nhụy, tôi sẽ tiến hành thụ phấn cho hoa. Tôi bắt đầu buổi thụ phấn lúc 7 giờ tối và thường kết thúc lúc 9 giờ tối. Đây cũng là giai đoạn cực nhất khi trồng sầu riêng do sầu riêng của tôi đã hơn 15 năm tuổi, cây cao nên rất khó leo trèo".
Anh Nguyễn Quang Kiệt (32 tuổi, thương lái thu mua sầu riêng tại Cần Thơ) cho biết, sầu riêng năm nay rất hút hàng, kể từ đầu vụ đến nay anh đã đi hơn 10 đợt thu mua ở các vườn tại huyện Phong Điền và quận Bình Thủy. Hiện tại, các sạp hàng trái cây vẫn hối thúc anh tiếp tục “săn lùng” loại quả này để cung cấp cho khách hàng.
Đặc thù ngành rau quả của nước ta là sản xuất theo mùa vụ, thu hoạch cùng thời điểm, sản lượng lớn, nếu bán tươi sẽ gặp rất rủi ro. Chế biến sâu là hướng đi bền vững giúp các nhà máy chủ động sản xuất, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, xa hơn là nâng cao tính cạnh tranh cũng như giá trị nông sản Việt Nam.
Có thể thấy, cùng với chế biến sâu, việc tổ chức liên kết tốt từ vùng sản xuất đến nhà máy chế biến đã giúp bà con ổn định đầu ra và là mô hình phát triển bền vững.
Tuy nhiên, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để mời gọi các doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến tại vùng nguyên liệu phải tính tới phương án rải vụ đều quanh năm. Thứ hai là chất lượng nguyên liệu đầu vào phải ổn định, đảm bảo chữ tín thu mua cả năm. Tất cả phải chuẩn, từ hợp tác xã, vùng nguyên liệu, chính sách hỗ trợ, đồng hành địa phương.
Đặc biệt, quý II là thời điểm nhiều loại trái cây vào vụ thu hoạch. Tính riêng sản lượng ở các tỉnh Nam Bộ là gần 1,5 triệu tấn, cao hơn quý I khoảng 137.000 tấn. Trong khi việc tiêu thụ đang gặp nhiều khó khăn do Trung Quốc tiếp tục duy trì chính sách Zero COVID-19, gây ùn ứ tại cửa khẩu, chế biến được coi là giải pháp căn cơ.