Học sinh Thủ đô tìm ra chủng vi sinh phòng bệnh trên cây sầu riêng

Ý tưởng tìm chủng vi sinh phòng bệnh trên cây sầu riêng của học sinh Trường THPT Phan Đình Phùng, Hà Nội.
chung-vi-sinh-phong-benh-tren-cay-sau-rieng-1649382261.jpg
Hai em Đào Đức Minh và Lê Ngọc Minh miệt mài bên nhà lưới của Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam trong quá trình thực hiện đề tài.

Từ những lần đi thực tế tại Đắk Lắk chứng kiến thiệt hại do nấm Phytophthora gây hại trên cây sầu riêng, Đào Đức Minh và Lê Ngọc Minh cùng ấp ủ ý tưởng nghiên cứu để tìm ra chủng vi sinh có khả năng phòng nấm. Nói là làm, hai em đã trình bày kế hoạch với bố mẹ, thầy cô và nhận được sự đồng tình ủng hộ. 

Ý tưởng từ những chuyến đi

Kể về lý do chọn đề tài, Lê Ngọc Minh (lớp 11D3) và Đào Đức Minh (lớp 10D2) cho biết: Trong lần vào tỉnh Đắk Lắk thăm vườn sầu riêng năm 2017, chúng em chứng kiến vườn sầu riêng bị nhiễm bệnh và chết hàng loạt, gây thiệt hại nghiêm trọng cho người nông dân. Điều này đã thôi thúc cả hai lên ý tưởng nghiên cứu nguyên nhân do đâu và tìm ra một loại chế phẩm sinh học để phòng nấm

Phytophthora trên cây sầu riêng. Về tới Hà Nội, hai chị em đã trình bày suy nghĩ này với bố mẹ, thầy cô và được kết nối tới Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam và Viện Bảo vệ thực vật để tiến hành nghiên cứu.

“Các cô chú Viện Nghiên cứu hệ gen định danh nấm và chủng vi sinh và cho kết quả là phù hợp. Lúc đó, cảm giác của hai chị em đều vui và tự hào về thành quả của mình sau hàng năm trời nghiên cứu. Đây là chế phẩm sinh học ở dạng bột, mang yếu tố phòng bệnh và có tác dụng bảo vệ môi trường.

Hiện, nhóm chờ để bón thử nghiệm thực địa ở Đắk Lắk trong vườn ươm rộng 1 hecta của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên. Sau khi bón, nếu hiệu quả thì cây sẽ không xuất hiện các triệu chứng của bệnh như vàng lá, thối rễ, chảy nhựa từ thân cây. Ngoài sầu riêng, nhóm sẽ tiến hành thử nghiệm ở các cây trồng khác nữa”, Lê Ngọc Minh nói.

Chia sẻ quá trình nghiên cứu đề tài, Đào Đức Minh không thể quên được những ngày tháng cả cô và trò cùng nhau đi sớm về khuya. Quá trình nghiên cứu, các em phải di chuyển từ nhà tới trường, sang Viện Bảo vệ thực vật, Viện Nghiên cứu hệ gen rồi cân đối với việc học chính khóa trên lớp. Nhiều khi thấy căng thẳng đầu óc nhưng với quyết tâm cao, ý chí bền bỉ, tính nhẫn nại nên mọi khó khăn các em đều đã vượt qua để gặt hái thành quả bước đầu.

Trực tiếp hướng dẫn nhóm nghiên cứu, cô Trương Thanh Trúc – giáo viên dạy Sinh học, Trường THPT Phan Đình Phùng cùng Tiến sĩ Phạm Hồng Hiển đến từ Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cảm thấy quãng thời gian cùng xuôi ngược, ôn luyện và nghiên cứu thực sự có ý nghĩa. 

Hành trình không mệt mỏi

Cô Trúc chủ động liên hệ với các viện xem đề tài học sinh đề xuất có thể cử cán bộ tham gia, có phù hợp với khả năng tư duy học thuật của các em hay không. Do đề tài khoa học này mang tính thực tiễn, giai đoạn nước rút chạy báo cáo nhiều hôm phải đi sớm về khuya. Riêng phần hướng dẫn các em đọc tài liệu, những yêu cầu của đề tài mất nhiều thời gian nhất do có kiến thức ngoài bậc phổ thông.

Giai đoạn viết báo cáo, học sinh đã nhận được sự góp ý vô cùng quý báu từ Tiến sĩ Phạm Hồng Hiển, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, cùng các cô chú của Viện Bảo vệ thực vật. Nhờ đó, đề tài ngày càng hoàn thiện hơn. Khi đề tài tham gia vòng thi cấp thành phố, sở GD&ĐT tiếp tục mời chuyên gia hướng dẫn và góp ý chi tiết để hoàn thiện báo cáo.

Có nhiều năm kinh nghiệm trong việc hướng dẫn sinh viên, học sinh thực hiện các đề tài liên quan, TS Phạm Hồng Hiển cho biết: Có những phần việc mang tính chuyên môn cao, đòi hỏi kiến thức sâu nên là điểm hạn chế khi các em mới đang học phổ thông. Do đó, phải giảng giải, hướng dẫn và minh họa thực tế rất kỹ theo hướng tối giản hóa để các em nắm được. Với những thí nghiệm ngoài đồng ruộng hoặc nhà lưới, chỉ cần hướng dẫn qua là học sinh nắm được phương pháp thực hành. Đức Minh và Ngọc Minh đều hội tụ đủ các điều kiện của người nghiên cứu. Hy vọng với nền tảng sẵn có và kết quả bước đầu, các em sẽ tiếp tục phát huy thế mạnh của mình để phát triển bản thân hơn trong tương lai. 

Khi dự thi cấp quốc gia theo hình thức trực tuyến, ban giám khảo đã hỏi Đức Minh và Ngọc Minh cách bón cũng như một số kiến thức cơ bản khác; trong quá trình nghiên cứu có liên quan nhiều đến kiến thức chương trình phổ thông không...

Đức Minh tâm sự: “Dù được chuẩn bị rất kỹ nhưng khi vào phòng thi em vẫn run. Tuy nhiên, cả hai chị em cùng động viên nhau trấn tĩnh và trả lời lưu loát các câu hỏi của ban giám khảo. Đây là đề tài liên quan đến lĩnh vực khoa học thực vật nên lồng ghép nhiều kiến thức liên quan.

Nhờ được tiếp xúc trực tiếp với hệ thống cơ sở vật chất của các viện nên chúng em đã có trải nghiệm tuyệt vời và tìm ra được chủng vi sinh phù hợp với mục tiêu đặt ra. Tuy nhiên, đây mới là thành công bước đầu, chúng em còn phải cố gắng nhiều hơn nữa trong tương lai”.

Theo cô Trương Thanh Trúc, các cán bộ của Viện đã hỗ trợ rất nhiều và tạo động lực cho các em trên con đường nghiên cứu khoa học. Đào Đức Minh và Lê Ngọc Minh đều rất ngoan, chịu khó và có tố chất thông minh.

Trong giai đoạn tới sẽ nghiên cứu thêm các chế phẩm nữa để chống nhiều loại nấm bệnh khác trên các loại cây trồng khác ngoài sầu riêng, có thể áp dụng ngoài thực địa. Nhờ quá trình này, các em hiểu được hơn việc vận dụng kiến thức các môn học vào giải quyết vấn đề thực tiễn.