Là một chuyên gia hàng đầu về công nghệ thông tin và đang giữ trọng trách là Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, ông Nguyễn Mạnh Hùng đã có những suy nghĩ độc đáo, sâu sắc, dựa trên cơ sở khoa học và đầy tính nhân văn về bản chất của cuộc cách mạng này. Ông cho rằng: Nông dân hiện chiếm 60-70% dân số thì chính họ là lực lượng quyết định thắng lợi của công cuộc chuyển đổi số ở Việt Nam. Vì sao vậy? Vì chuyển đổi số thì chỗ nào, nơi nào khó khăn nhất, nơi đó sẽ đạt hiệu quả nhất, dễ thành công nhất. Bộ trưởng lấy ví dụ: Khó khăn nhất của người nông dân là không trực tiếp bán được nông sản của mình đến tay người tiêu dùng. Cho nên, giá nông sản đã thấp nhưng người nông dân thu về còn thấp hơn. Họ bán quả chuối vườn nhà mình không khác gì bán quả chuối ở đâu đó, không có xuất xứ, không có thương hiệu, vì thế giá rất thấp. Hay người nông dân đã nghèo nhưng khi mua con giống họ không biết có đúng giá và đúng chất lượng không?
Bởi thế, nếu có sàn giao dịch thương mại điện tử cho bà con thì bài toán khó khăn nói trên của nông dân sẽ được giải quyết. Vì khi đưa sản phẩm lên sàn, sản phẩm của mỗi vùng quê phải có xuất xứ, thương hiệu riêng của vùng quê đó, sản phẩm sẽ không bị làm giả. Nghĩa là, giá trị của quả chuối bây giờ còn có giá trị của nắng, của gió, chất đất và kỹ thuật chăm sóc của hộ gia đình người nông dân ở vùng đất đó. Nhờ đó, giá của quả chuối sau khi lên sàn sẽ không còn giống nhau nữa. Vì sàn thương mại điện tử đảm bảo chất lượng, con giống, phân bón có xuất xứ rõ ràng, không bị làm giả, còn giá cả thì cạnh tranh. Bộ trưởng cho biết: Hiện nay các công nghệ, doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đã sẵn sàng hoàn thiện một sàn thương mại điện tử như thế để phục vụ bà con nông dân. Đồng thời, các doanh nghiệp Bưu chính cũng đã có đủ cơ sở hạ tầng, công nghệ và khả năng đưa nông sản đến từng hộ gia đình trên phạm vi toàn quốc, kể cả gia đình ở nơi xa nhất cũng không quá hai ngày sẽ nhận được nông sản tươi ngon.
Bộ trưởng dẫn chứng: Vài năm nay các sàn thương mại điện tử như: Postmart và Vỏ Sò đã kết nối hàng chục ngàn hộ gia đình ở Cà Mau, Lâm Đồng… đặt mua và được ăn quả vải tươi ngon từ vùng vải Bắc Giang, Thanh Hà chỉ sau 48 tiếng đồng hồ. Và, sau quả vải sẽ có nhiều nông sản khác sẽ lên sàn, đây là một tín hiệu đáng mừng khi người nông dân đang háo hức ứng dụng công nghệ số. Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng: Hiện nay một số vùng nông thôn chưa có sóng di động, không có phương tiện để truy cập internet. Muốn mua bán, giao dịch trực tuyến thì ít nhất mỗi hộ gia đình phải có một chiếc điện thoại thông minh và một đường internet cáp quang. Cả nước hiện nay còn 2000 thôn chưa có sóng di động, chiếm 2%. Bộ Thông tin & Truyền thông đang chỉ đạo quyết liệt các nhà mạng phải phủ sóng trong năm nay, chậm nhất là đến tháng 6/2022. Bộ cũng đang triển khai một chương trình để hết năm 2021, ít nhất mỗi hộ nông dân có 1 điện thoại thông minh để truy cập internet và mỗi hộ có 1 đường dây cáp quang internet.
Trước đây, mục tiêu này là hết năm 2030, nhưng nay đang phấn đấu hoàn thành trước 2025. Ông chia sẻ, nếu Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cùng vào cuộc thì sẽ xong trước 2023. Đây là điều kiện cơ bản để chuyển đổi số nông nghiệp thành công. Ông cũng đặt vấn đề: Nếu có một nền tảng đào tạo trực tuyến dạng MOOC (Massive Open Online Course) dành riêng cho nông dân, thì họ không phải khăn gói lên thành phố học nghề. Qua đó, người nông dân có trợ lý ảo để họ hỏi bất kể vấn đề gì liên quan đến nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Và như thế, sẽ đạt 100% lao động nông nghiệp qua đào tạo vào năm 2025, chứ không phải đến năm 2025 mới chỉ đạt 50%. Bộ trưởng cho rằng: Thu hẹp khoảng cách để người dân tiếp cận với đào tạo chất lượng cao cho con cái và y tế chất lượng cao cho sức khỏe cũng là lợi thế của công nghệ số, chuyển đổi số. Bởi đào tạo trực tuyến thì người giỏi nhất sẽ truyền thụ kiến thức cho mọi người, trong đó có người nông dân. Còn tư vấn sức khỏe, chữa bệnh từ xa giúp bà con tiếp cận với những bác sĩ, thầy thuốc giỏi nhất. Các phần mềm AI hỗ trợ các bác sĩ đọc hình ảnh X quang, làm giảm khoảng cách y tế giữa nông thôn và thành thị. Ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Hiện nay nền tảng công nghệ số này cơ bản đã sẵn sàng, đã đưa vào sử dụng, vấn đề còn lại là phổ cập. Ông đề nghị: Bộ Nông nghiệp & phát triển nông thôn cùng đồng hành với Bộ Thông tin và Truyền thông để phổ cập và ứng dụng công nghệ số nhằm nâng cao đời sống cho nông dân. Bộ trưởng còn nêu một thực trạng: Hiện nay, ở nông thôn cha mẹ đi làm xa, để con cái cho ông bà trông. Vậy làm thế nào để quản lý con cái, khống chế thời gian các cháu chơi game, dùng máy tính vào việc học hành và không sa vào các trang “đen”? Theo ông, chỉ có công nghệ số mới giải được bài toán này và Bộ Thông tin & truyền thông hoàn toàn làm được. Ông cho rằng: Việc đưa công nghệ thông tin vào từng sản phẩm, từng gia đình nông dân, từng ngôi làng, mảnh vườn là hoàn toàn khả thi với công nghệ Blockchain. Và còn nhiều, rất nhiều việc khác nữa có thể làm cho bà con nông dân dựa trên công nghệ, dựa vào thay đổi tư duy, cách nghĩ và trí tưởng tượng để ứng dụng hiệu quả nhất trên các sàn giao dịch.
Ông nhắc lại, chỉ khi nào quả chuối của người nông dân trồng có xuất xứ, được ghi nhận đầy đủ những gì đã tạo nên nó thì đời sống người nông dân mới thực sự thay đổi căn bản. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: Trong chuyển đổi số thì người ứng dụng quan trọng hơn người làm ra công nghệ. Với công nghệ số thì càng ứng dụng công nghệ càng rẻ. Rõ ràng hiện nay, với 60-70 triệu nông dân thì chính họ mới là lực lượng quyết định thắng lợi của công cuộc chuyển đổi số ở Việt Nam. Ông trải lòng, hơn lúc nào hết, hãy làm tất cả cho nông dân, vì nông dân, nông nghiệp và nông thôn. Vì nơi đây chính là nguồn cội, là nơi chôn rau cắt rốn mà mỗi khi gặp khó khăn ta lại tìm về. Vậy thì sao chúng ta lại không quan tâm, không chú trọng đầu tư vào nơi ấy?