Nỗ lực thu gom, xử lý rác thải tại khu vực miền núi

Gia tăng dân số tại khu vực miền núi kéo theo lượng rác thải phát sinh cũng tăng lên, thực tế này đặt ra yêu cầu lớn với hạ tầng thu gom, xử lý rác thải. Bên cạnh các giải pháp của cơ quan chức năng, hiệu quả bảo vệ môi trường còn phụ thuộc rất lớn vào ý thức của mỗi người dân trong việc thu gom và phân loại rác thải từ đầu nguồn.

Trên thực tế, việc thu gom xử lý rác thải tại khu vực miền núi còn gặp nhiều khó khăn, nguyên nhân được cho là do khu vực này địa bàn rộng, một số nơi dân cư thưa thớt, địa hình hiểm trở, phát sinh chi phí vận chuyển lên cao hơn. Tuy nhiên, thời gian qua việc xử lý thu gom rác thải ở vùng miền núi luôn được các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương quan tâm, đầu tư nên giờ đây vấn đề thu gom xử lý rác ở vùng miền núi đang được cải thiện.

Tại huyện vùng núi Nho Quan của tỉnh Ninh Bình, thời gian qua công tác thu gom, xử lý rác thải đã phát huy hiệu quả. Huyện Nho Quan có tổng diện tích tự nhiên 45.083,06ha, địa hình nhìn chung không bằng phẳng, được phân thành 3 vùng (vùng núi đá vôi, vùng bán sơn địa, vùng đồng bằng chiêm trũng), dân số trên 152.000 người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 17%.

anh-1-3-1-1690159155.jpg
Việc nâng cao trách nhiệm của người dân trong thu gom rác thải góp phần giảm áp lực trong công tác xử lý tại các địa phương.

Hiện nay, trên địa bàn huyện có 27/27 xã, thị trấn đều có mô hình tổ chức thu gom và vận chuyển rác đi xử lý tại nhà máy xử lý rác thải tại Tam Điệp. Tuy nhiên cũng có một số thôn ở các xã do khu vực dân cư ở không tập trung, thưa thớt thì các hộ dân trực tiếp xử lý rác thải sinh hoạt tại gia đình bằng hình thức thu gom phân loại rồi đốt tại nhà bằng các hố xử lý rác đảm bảo vệ sinh môi trường.

Theo báo cáo năm 2022 lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn huyện ước tỉnh khoảng 26.513 tấn. Tỷ lệ rác thải được xử lý bao gồm thu gom xử lý tại hộ gia đình và thu gom vận chuyển đi xử lý trên toàn huyện đạt 82,5%.

Cũng trong năm 2022 thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, các xã đã lắp đặt 905 bể chứa để thu gom vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng trên các cánh đồng. Tổng lượng bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng trên địa bàn huyện ước tính phát sinh khoảng 2.460kg/năm. Để xử lý vỏ thuốc bảo vệ thực vật UBND huyện Nho Quan đã giao cho Phòng Tài nguyên và Môi trường phối hợp với đơn vị có chức năng thu gom chất thải nguy hại để thu gom, vận chuyển đi xử lý theo quy định.

Ngoài những kết quả đã đạt được, tình trạng vứt rác thải bừa bãi, để không đúng nơi quy định vẫn còn diễn ra tại một số nơi, một số địa bàn dân cư. Vì vậy để việc thu gom, xử lý rác thải ở vùng miền núi không còn gặp khó khăn trong thời gian tới cần tiếp tục có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp chính quyền cùng với người dân để cho môi trường ngày càng xanh- sạch- đẹp.