Nghệ An mời đầu tư Dự án Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt gần 84 tỷ đồng

Mới đây, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Nghệ An vừa công bố danh mục Dự án Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt có tổng mức đầu tư 83,916 tỷ đồng tại xã Hồng Sơn, huyện Đô Lương.

Mục tiêu đầu tư xây dựng mới nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt nhằm thu gom, vận chuyển, xử lý, phân loại, tái chế, tiêu hủy rác thải sinh hoạt trên địa bàn huyện Đô Lương và các vùng phụ cận. Công suất thiết kế 140 tấn/ngày đêm, tương ứng 51.100 tấn/năm.

rac-1681873027.jpg
Ảnh minh họa.

Được biết, Dự án gồm có nhà điều hành, ăn ca và nghỉ ca công nhân 2 tầng, diện tích xây dựng 250 m2; nhà xưởng tiếp nhận rác, lò đốt rác, phân loại rác, phân loại tái chế với diện tích xây dựng 2.500 m2; xưởng sửa chữa bảo dưỡng với diện tích xây dựng 150 m2; nhà bảo vệ kiêm trực cân với diện tích 24 m2…

Trước đó, ngày 23/02/2023, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Nghệ An đã có báo cáo chủ trương đầu tư Dự án gửi UBND tỉnh Nghệ An. Theo báo cáo, Công ty CP Năng lượng và Môi trường Việt Nam (Nghệ An) đã đề xuất đầu tư Dự án.

Hạn nộp hồ sơ đăng ký thực hiện Dự án đến ngày 19/5/2023./.

Qua thống kê của ngành chức năng tỉnh Nghệ An cho thấy, hiện lượng chất thải rắn sinh hoạt trên toàn tỉnh này phát sinh khoảng 1.741,78 tấn/ngày. Riêng ở khu vực đô thị có trên 1.000 tấn/ngày và khu vực nông thôn trên 700 tấn/ngày.

Với số lượng rác thải sinh hoạt “khủng” như vậy hiện địa phương mới chỉ thu gom được khoảng hơn 1.400 tấn/ngày, đạt 81% so với thực tế đặt ra. Trong đó, tại đô thị đạt 91,7% nhưng khu vực nông thôn mới chỉ đạt 53,1%. Số lượng rác thải sinh hoạt còn lại khoảng gần 400 tấn đang “thả nổi” tại nhiều địa phương. Đây cũng là vấn đề khiến tình trạng ô nhiễm môi trường ngày một gia tăng do lượng rác thải không thể thu gom, đưa đi xử lý tập trung một cách triệt để. Thậm chí, nhiều nơi còn xử lý tạm theo kiểu chôn lấp bằng phương pháp thủ công khiến nguy cơ ô nhiễm gia tăng, để lại nhiều hệ luỵ cho môi trường.

Ánh Dương (t/h)