Nỗ lực bảo vệ vườn dừa bị sâu bệnh, tìm giải pháp khai mở thị trường tín chỉ carbon

Dù các ngành chức năng tỉnh Bến Tre đã thực hiện nhiều giải pháp để mở rộng thị trường tiêu thụ trái dừa và các sản phẩm từ dừa nhưng giá dừa khô và dừa tươi vẫn ở mức thấp. Ngoài ra người trồng dừa còn đang đối mặt với tình trạng sâu bệnh trên diện rộng.
dua-ben-tre-02-1709947255.jpg
Nhiều diện tích dừa bị sâu bệnh phá hoại khiến người dân gặp khó khăn. (Ảnh minh họa)

Dừa giá thấp lại bị sâu bệnh gây thiệt hại kép

Ở thời điểm này, giá dừa khô dao động từ 40.000 - 45.000 đồng/chục (12 quả), trái dừa tươi chưa đến 40.000 đồng/chục. Với mức giá này người trồng dừa không có lãi và thu nhập thấp hơn các loại cây ăn trái khác.

Không chỉ giá thấp mà vườn dừa tại tỉnh Bến Tre đang bị nhiều loại sâu bệnh tấn công, gây thiệt hại nặng nề. Hiện tại, có hơn 3.400 ha vườn dừa nhiễm bọ cánh cứng; gần 279 ha dừa bị sâu đầu đen gây hại, đã có 94 ha vườn dừa bị nhiễm bệnh nông dân phải đốn bỏ.

Những năm trước đây, tình trạng sâu bệnh trên dừa vẫn thường sảy ra. Cụ thể, trong khoảng thời gian từ năm 2020 - 2022, loại sâu này đã phá hoại hơn 600ha diện tích dừa của cả tỉnh. Sâu đầu là một loài sinh vật ngoại lai, có nguồn gốc từ Sri Lanka và Ấn Độ, thuộc họ bướm đêm. Chúng gây hại cho cả dừa non và dừa đã cho trái, cũng như dừa nước, cau kiểng, cọ và chuối. Khi bị tấn công, cây dừa giảm sinh trưởng, năng suất và thậm chí chết cây do tàu lá bị cháy khô.

Tại xã An Hiệp (huyện Châu Thành, Bến Tre) có trên 350 hộ nông dân sống nhờ vào cây dừa. Tuy nhiên gần đây, địa phương này đối mặt với tình trạng sâu đầu đen gây hại làm giảm năng xuất, sản lượng trên cây dừa.

Theo Chủ tịch Hội nông dân (HND) xã An Hiệp Nguyễn Bằng Giang, hiện nay đã có khoảng 15 ha dừa bị sâu đầu đen tấn công, chủ yếu tập trung ở các ấp An Hòa, Hòa Thanh và một phần nhỏ của ấp Thuận Điền.

“Nếu không được phòng ngừa và xử lý kịp thời, loại sâu bệnh này có thể lây lan rộng và gây thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế nông nghiệp của xã. Nhận thấy được mức độ tàn phá của loại sâu này đến với cây dừa, ngay khi nhận được thông tin sâu đầu xuất hiện ở một số vườn dừa của xã, HND xã đã triển khai mở lớp tập huấn nhằm hướng dẫn, cung cấp những thông tin cần thiết cho bà con về cách phòng ngừa loại sâu bệnh nguy hiểm này”, ông Giang chia sẻ thêm.

dua-ben-tre-03-1709947297.jpg
Những vườn dừa bị bệnh không thể phục hồi người dân phải chặt bỏ. (Ảnh minh họa)

Theo khuyến cáo của Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cù lao Bảo, biện pháp phòng ngừa ban đầu là yêu cầu các hộ dân thường xuyên thăm vườn, nếu thấy dừa xuất hiện các dấu hiệu như lá bị cháy khô từ ngoài vào trong phải lập tức loại bỏ. Sau đó, tiêu diệt sâu đầu đen bằng cách nhấn chìm xuống nước hoặc đốt. Nếu bị sâu tấn công trên diện rộng thì tùy vào tình hình thực tế sẽ tiến hành các biện pháp xử lý bằng hóa học, sinh học.

Theo kỹ sư trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cù lao Bảo Huỳnh Hữu Đoàn, hiện nay, các cơ quan chuyên môn đang triển khai mô hình kiểm soát sâu đầu đen bằng ong ký sinh (OKS) Habrobracon hebetor (ký sinh ấu trùng sâu đầu đen), OKS Brachymeria sp và Trichospilus pupivorus (ký sinh nhộng sâu đầu đen). Qua đánh giá các loài OKS này cơ bản kiểm soát được mức độ gây hại và lây lan của sâu đầu đen.

Ngoài ra, ông Huỳnh Hữu Đoàn cũng khuyến cáo: “Để bảo vệ các loài thiên địch khác của sâu đầu đen hại dừa như bọ đuôi kìm, kiến vàng, bọ xít bắt mồi... người dân cần hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, không sử dụng thuốc có độ độc cao, thuốc phổ rộng và pha trộn nhiều hoạt chất thuốc”.

Nâng tầm trái dừa từ mô hình chuyên canh, giảm phát thải

Cây dừa là loại cây chịu mặn rất tốt, trong các tháng mùa khô khi độ mặn lên đến 3 - 4%o thì loại cây này vẫn sinh trưởng bình thường. Tuy nhiên, nhược điểm lớn nhất của cây là dễ bị tấn công bởi những sinh vật gây bệnh như đuông, bọ cánh cứng, bọ vòi voi và đặc biệt là SĐĐ. Do đó, để bảo vệ được nguồn thu nhập chính của mình, người trồng dừa phải nâng cao kiến thức, kỷ năng trong việc phòng ngừa và xử lý sâu bệnh, không để cho loại sâu bệnh này lây lan sang các vùng trồng dừa khác. Chỉ có như vậy, cây dừa mới có thể phát triển bền vững và góp phần vào sự phát triển kinh tế tại địa phương.

Ông Nguyễn Văn Nhận, 45 tuổi, ngụ tại ấp Hòa Thanh, xã An Hiệp chia sẻ: “Thông qua lớp tập huấn, tôi đã hiểu hơn về tác hại cũng như sự lây lan nhanh chóng của loại sinh vật này trên cây dừa. Tôi sẽ thường xuyên kiểm tra vườn dừa của mình và áp dụng đúng các biện pháp như hướng dẫn để phòng trừ loại sâu bệnh này tốt nhất…”.

dua-ben-tre-04-1709947228.jpg
Hiện nay, diện tích vườn dừa chuyên canh của toàn tỉnh Bến Tre khoảng hơn 79.000ha. (Ảnh minh họa)

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre, diện tích vườn dừa chuyên canh của toàn tỉnh hiện hơn 79.000 ha, tăng 1,36% so với cùng kỳ năm ngoái. Từ đầu năm đến nay, vườn dừa của địa phương cho thu hoạch trên 183 triệu trái, tăng 1,67% so cùng kỳ.

Giá trị sản xuất ngành chế biến dừa năm 2023 ước đạt 3.750 tỷ đồng, tăng 2,74% so với cùng kỳ, chiếm 9,57% so với giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 420 triệu USD, tăng 1,63% so với năm 2022, chiếm 27,45% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh.

Chủ tịch Hiệp hội Dừa Bến Tre Trần Anh Tuấn cho biết, năm 2024, Hiệp hội Dừa Bến Tre sẽ chủ động, phối hợp các sở, ngành thực hiện các chương trình, kế hoạch của tỉnh như: Chương trình Đồng khởi khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp, kế hoạch phát triển 5.000 doanh nghiệp mới và xây dựng 100 doanh nghiệp dẫn đầu của tỉnh; Nghị quyết số 07 của Tỉnh ủy về xây dựng vùng sản xuất tập trung, gắn với chuỗi giá trị nông sản chủ lực của tỉnh giai đoạn 2020 - 2025 và định hướng đến năm 2030; xây dựng các điểm canh tác dừa hữu cơ kiểu mẫu, đồng thời triển khai xây dựng tín chỉ carbon cho ngành dừa Bến Tre./.

Bình Nguyên