Niềm tin khởi sắc cho kinh tế Thủ đô năm 2022

Những tác động bất lợi từ dịch COVID-19 đã khiến nền kinh tế Thủ đô gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, dù còn một số chỉ tiêu năm 2021 chưa đạt được nhưng bức tranh kinh tế của Thủ đô Hà Nội kỳ vọng năm mới 2022 sẽ là giai đoạn mới xán lạn hơn, thành công hơn.

Năm 2022 được đánh giá là một năm vô cùng quan trọng, năm “bản lề” cho tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2021-2025. Trong khi đó, dịch COVID-19 có thể còn kéo dài với những diễn biến khó lường. Vì vậy, Hà Nội có những giải pháp quan trọng để tạo động lực tăng trưởng, tập trung vào khu vực doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp vực dậy sản xuất, kinh doanh sau giai đoạn khủng hoảng về COVID-19 kéo dài.

Theo Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, trong năm 2022, để đạt mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) khoảng 7-7,5%, bên cạnh việc ngăn chặn, kiểm soát kịp thời, hiệu quả sự lây lan của dịch COVID-19 trên địa bàn trong tình hình mới gắn với trách nhiệm của người đứng đầu, thành phố sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp, biện pháp để duy trì sự ổn định kinh tế, bảo đảm cân đối ngân sách Nhà nước; đẩy nhanh sự phục hồi và phát triển các ngành kinh tế, nhất là dịch vụ thương mại, du lịch, phục hồi các chuỗi cung ứng, vùng nguyên liệu, kênh phân phối; quyết liệt giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư ngay từ đầu năm.

Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng chỉ đạo các cấp, các ngành tiếp tục quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường phân cấp, phân quyền, kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh; đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư, chú trọng đến các công trình lớn, trọng điểm, có tính đột phá và giá trị lan tỏa cao.

Có thể nói, với những kinh nghiệm, năng lực, khả năng ứng phó dịch bệnh trong thời gian qua, cuộc sống của người dân Thủ đô sẽ sớm trở lại trạng thái bình thường và nền kinh tế mau chóng hồi phục. Tuy nhiên, quá trình phục hồi và phát triển kinh tế năm 2022 của Hà Nội sẽ gặp không ít thách thức, yêu cầu thành phố cần phải nỗ lực để vượt qua. Trong đó, cộng đồng doanh nghiệp có vai trò hết sức quan trọng.

10-ha-noi-ho-hoan-kiem-1594008025740-1643369598.jpeg
Một góc ở TP. Hà Nội. Ảnh minh hoạ

Ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 chia sẻ, Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 thể hiện sự lắng nghe kịp thời của Chính phủ đối với cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Việc thay đổi phương thức chống dịch từ “zero COVID” sang thích ứng linh hoạt, an toàn và hiệu quả đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp; trong đó, có May 10 lên phương án hồi phục lại sản xuất.

“Hiện các đơn hàng xuất khẩu của chúng tôi đang rất lạc quan, thậm chí tốt hơn cả trước dịch, lượng đơn hàng đã phủ kín đến hết quý I năm 2022. Với thị trường trong nước, May 10 đang phải căng mình để hoàn thành các đơn hàng đồng phục cho các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức. Với hai tín hiệu tích cực này, chúng tôi tin rằng, năm 2022, Tổng Công ty sẽ hoàn thành mục tiêu đề ra tương đối cao, đó là tăng trưởng doanh thu trên 20% so với năm 2021”, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 cho biết.

Theo thông tin mới nhất từ ông Nguyễn Anh Dũng, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn của UBND thành phố Hà Nội, thành phố đang thực hiện tốt các giải pháp phục hồi, tập trung phát triển nền kinh tế sau ảnh hưởng của dịch COVID-19. Các chỉ số phát triển kinh tế - xã hội tháng 1 đều tăng so với cùng kỳ năm 2021.

Tổng thu ngân sách nhà nước tháng 1/2022 toàn thành phố ước đạt 45.872 tỷ đồng, đạt 14,7% dự toán, bằng 111,3% so với cùng kỳ; chi ngân sách địa phương ước đạt 5.264 tỷ đồng, đạt 4,9% dự toán đầu năm, bằng 113,1% so với cùng kỳ... Đặc biệt, kim ngạch xuất, nhập khẩu tháng 1 tăng trên 2 con số so với cùng kỳ, ước đạt 1.563 triệu USD.

Đối với tình hình phát triển ngành, lĩnh vực, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 1 của thành phố Hà Nội tăng 2,2% so với cùng kỳ năm 2021; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 57.900 tỷ đồng, tăng 7,4% so với tháng 12 và tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2021; tổng doanh thu ngành vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải tháng 1 ước đạt 12.594 tỷ đồng, tăng 4,1% so với tháng 12 và tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2021...

Tính đến 31/1/2022, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng dự kiến đạt 4.289.942 tỷ đồng, tăng 0,91% so với 31/12/2021. Thu hút vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn tính đến ngày 20/1/2022 là 442 triệu USD; có 2.253 doanh nghiệp thành lập mới, với số vốn đăng ký 20.231 tỷ đồng, tăng 9% về số lượng doanh nghiệp…/.