Theo dự báo mới nhất của ngân hàng này, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này dự kiến sẽ tăng 3,8% trong năm nay, thấp hơn so với mức dự báo 4% được đưa ra chỉ một tháng trước.
Ngân hàng trung ương Italy cho biết, đà tăng trưởng chậm lại bắt nguồn từ quý IV/2021, do sự trỗi dậy của đại dịch COVID-19. Italy đã ghi nhận gần 180.000 ca nhiễm COVID-19 mới vào ngày 21/1 và 373 trường hợp tử vong. Ngân hàng này cho biết, làn sóng bùng phát mới nhất của đại dịch đã làm tổn hại đến niềm tin của người tiêu dùng.
Ngân hàng trung ương dự kiến số liệu việc làm của Italy sẽ chỉ cải thiện một chút trong năm nay và năm tới, với tỷ lệ thất nghiệp giảm từ mức 9,4% của năm ngoái xuống 9% năm 2022 và 8,9% năm 2023. Những con số này vẫn cao hơn tỷ lệ thất nghiệp trung bình 7,2% của Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) ghi nhận vào tháng 11/2021.
Cùng ngày, Chính phủ Italy cũng cho biết, họ đang đẩy mạnh các nỗ lực nhằm giảm bớt căng thẳng về chi phí điện và khí đốt tăng cao đối với các hộ gia đình và doanh nghiệp, với tổng các biện pháp trị giá 5,5 tỷ euro.
Chính phủ đã phân bổ ngân sách 3,8 tỷ euro cho các hộ gia đình và doanh nghiệp trong quý đầu tiên của năm 2022, nhưng đã bổ sung thêm 1,7 tỷ euro chủ yếu cho các doanh nghiệp lớn.
Nước này đã đình chỉ hoặc giảm các loại thuế và phí liên quan đến khí đốt và hóa đơn điện vào năm 2021, chi 4,2 tỷ euro để hỗ trợ người dân và các công ty bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19.
Italy, quốc gia không sản xuất năng lượng hạt nhân trong hơn ba thập kỷ, hiện phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu nhập khẩu và tiêu thụ lượng lớn khí đốt. Theo số liệu thống kê chính thức, khí đốt chiếm 35-40% mức tiêu thụ năng lượng của cả Italy, so với khoảng 15% ở Pháp.
Giá khí đốt tự nhiên đã đạt mức cao lịch sử trong những tháng gần đây, ảnh hưởng đến giá điện trên toàn châu Âu. Theo tính toán của tổ chức thương mại Confcommercio, chi phí năng lượng của các doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ ở Italy sẽ đạt 19,9 tỷ euro vào năm 2022, so với mức tương ứng 8,9 tỷ euro vào năm 2020./.