Những vướng mắc về phát triển điện gió ngoài khơi qua "lăng kính" nhà đầu tư

Tại Hội nghị cấp cao lần thứ 6 tại Việt Nam về điện gió trên bờ - ngoài khơi và lưu trữ năng lượng diễn ra vừa qua, bà Nguyễn Thị Thanh Bình, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn T&T phân tích nhiều vấn đề đa chiều về phát triển điện gió ngoài khơi (ĐGNK).

Phó Tổng Giám đốc T&T bày tỏ, ĐGNK có tiềm năng dồi dào, các chỉ đạo, định hướng và cam kết của Chính phủ là những động lực thúc đẩy phát triển ĐGNK trong thời gian tới.

Theo bà Bình, những thách thức mà các chủ đầu tư, doanh nghiệp gặp phải để phát triển một dự án ĐGNK là quá trình cấp phép khảo sát, phê duyệt dự án, lựa chọn nhà đầu tư ĐGNK có thể bị kéo dài. Tình trạng này dẫn đến khó đạt được mục tiêu 7 GW đầu tiên vào năm 2030.

Hiện nay, công tác xin khảo sát thực địa và đo gió đang bị tạm đình hoãn chờ sửa đổi Nghị định 11 quy định về giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển.

Tính đến nay đã có gần 100 dự án ĐGNK đăng ký với công suất lắp đặt lên tới 156 GW. 55 đề xuất khảo sát ĐGNK được gửi đến Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhưng mới chỉ có 2 dự án được cấp phép khảo sát, đo gió. Đó là dự án Thăng Long Wind Bình Thuận thực hiện đo gió, khảo sát tổng hợp và Nhà máy điện gió ngoài khơi Bến Tre được lắp đặt trạm đo gió nổi trên biển. Thế nhưng, còn vướng mắc về pháp lý và kỹ thuật nên Bộ đề xuất tạm dừng cấp phép đến khi xây dựng được quy định.

tt-dien-gio-1678188063.jpg
Theo doanh nghiệp, phát triển điện gió ngoài khơi còn những vướng mắc nhất định. Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, Dự thảo “Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia của Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” (Quy hoạch điện VIII) hiện mới chỉ đưa ra tổng công suất dự kiến phân bổ vùng (chưa phân theo địa phương) và cũng chưa biết khi nào được phê duyệt.

Đồng thời, việc phát triển ĐGNK còn đối mặt với một số bất cập và thách thức, như chi phí đầu tư còn cao do phần lớn các cấu kiện lớn phải nhập ngoại, thiếu cơ sở hạ tầng đồng bộ, thiếu nền công nghiệp phụ trợ cho năng lượng tái tạo nói chung và ĐGNK nói riêng, thiếu kinh nghiệm trong xây dựng và vận hành bảo dưỡng...

Phó Tổng Giám đốc T&T cho rằng, thách thức lớn để phát triển nguồn điện này tại Việt Nam là cần có cơ chế, chính sách về giá minh bạch, ổn định, nhất quán, tránh đứt gẫy, gián đoạn…

Hiện nay, rất nhiều nhà đầu tư có dự án thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư số 15/2022/TT-BCT, Quyết định 21 và Thông tư 01/2023/TT-BCT đang có chung sự lo lắng về việc không thể đảm bảo hiệu quả đầu tư do không đảm bảo các chỉ số kinh tế - tài chính khi áp dụng khung giá điện mới ban hành với mức giảm từ khoảng 21-29% (tính theo giá trị USD tương đương) so giá FIT tại Quyết định 13 cho điện mặt mặt trời và Quyết định 39 cho điện gió.

Điều này, thêm một lần nữa phá vỡ phương án tài chính sau những hậu quả do dịch bệnh Covid-19 gây ra, khiến doanh nghiệp bị đội vốn, đội chi phí. Thậm chí, họ có thể đối diện với nguy cơ phá sản.

Đại diện tập đoàn T&T nhấn mạnh: “Để khai thác được nguồn năng lượng này tại Việt Nam một cách hiệu quả, rất cần một sự đầu tư bài bản, cụ thể, đủ mạnh ở cấp quốc gia. Và phải đặt nó vào vị trí quan trọng, nhằm tạo ra những tiền đề cho việc hoạch định kế hoạch phát triển cụ thể, chi tiết như các nghiên cứu lập bản đồ xác định tiềm năng và lựa chọn địa điểm, tính toán giá điện quy dẫn (LCOE) và phân tích lưới truyền tải điện, cùng với những thông tin bổ sung liên quan đến quy định pháp luật, cấp phép, các cơ chế khuyến khích và những thành phần của chuỗi cung ứng”.

Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn T&T – bà Nguyễn Thị Thanh Bình kiến nghị Chính phủ sớm xem xét phê duyệt Quy hoạch điện VIII, Bộ Công Thương sớm xây dựng kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII và các cơ chế khuyến khích, hỗ trợ cho đầu tư phát triển ĐGNK theo lộ trình; Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm xem xét cấp phép cho khảo sát, đo gió.

Bên cạnh đó, bà Bình cũng nêu đề xuất Chính phủ và các Bộ, ngành xem xét cho thực hiện giai đoạn chuyển tiếp trước khi thực hiện chính sách đấu thầu, đấu giá phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Giai đoạn này được kiến nghị áp dụng cho 7.000MW đầu tiên giai đoạn đến 2030.

Đây là giai đoạn đầu khởi động, định hình phát triển một ngành công nghiệp mới, hiện đại ở Việt Nam. Do vậy, việc xem xét bắt đầu bằng cơ chế lựa chọn nhà đầu tư, trên cơ sở phải đáp ứng được các tiêu chí rõ ràng, chứng minh được về năng lực, kinh nghiệm, tài chính... rất cần thiết.

Về phương diện lựa chọn nhà đầu tư, đại diện Tập đoàn T&T cho rằng, ĐGNK thuộc nhóm các dự án cần phải xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại, sử dụng công nghệ cao (móng sâu, tua bin công suất lớn, tháp gió cao, vận hành trong môi trường nước mặn), và thường có quy mô công suất lớn đòi hỏi các Nhà đầu tư phải có nhiều kinh nghiệm, năng lực tài chính, kỹ thuật. Vì vậy, cần có các quy định cụ thể về tiêu chí lựa chọn các nhà đầu tư ngay từ bước chấp thuận chủ trương khảo sát, đảm bảo các nhà đầu tư có năng lực thực sự được lựa chọn, có thể đầu tư, vận hành nhà máy đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, an toàn, hiệu quả.

Đồng thời, cũng cần có sự phối hợp, thống nhất và đồng bộ giữa các cơ quan quản lý trong việc xây dựng cơ chế chính sách đặc thù cho phát triển ĐGNK và coi đây ngành công nghiệp mới, được khuyến khích đầu tư phát triển, đóng góp vào thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh.

Những năm gần đây, Tập đoàn T&T đã đầu tư xây dựng các dự án điện mặt trời, điện gió, điện khí LNG với tổng công suất đạt gần 2.500 MW. Trong đó, riêng điện gió, mặt trời đã COD (công nhận vận hành thương mại) và hoàn thành đầu tư xây dựng đạt khoảng 1.000 MW.

Về dự án LNG, chúng tôi cũng đã hoàn thành hai phần việc quan trọng trong giai đoạn chuẩn bị, đó là khởi công hợp phần kỹ thuật và lập FS dự án. Hơn thế nữa, Tập đoàn cũng đã xây dựng một danh mục đầu tư với hơn 25 dự án lớn có tổng công suất trên 20.000 MW (bao gồm cả điện gió trên bờ, gần bờ, lẫn ngoài khơi, và điện sinh khối). Các dự này đã được UBND các tỉnh chấp thuận lập báo cáo đầu tư, trình Bộ Công Thương, Thủ tướng Chính phủ xem xét để bổ sung vào Quy hoạch điện VIII.

Theo tính toán, tổng sản lượng điện của T&T Group từ nguồn năng lượng tái tạo đã COD và cả các dự án đã hoàn thành xây dựng đấu nối lưới điện quốc gia sẽ đạt trung bình khoảng 2,1 tỷ kWh, cắt giảm lượng phát thải khí nhà kính tương đương khoảng 1,77 triệu tấn CO2 mỗi năm.

Hoàng An