Phương pháp xây dựng khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp

Mới đây, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 15/2022/TT-BCT quy định phương pháp xây dựng khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp.

3 nguyên tắc xây dựng khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp:

Khung giá phát điện của Nhà máy điện mặt trời mặt đất, Nhà máy điện mặt trời nổi, Nhà máy điện gió trong đất liền, Nhà máy điện gió trên biển là dải giá trị từ giá trị tối thiểu (0 đồng/kWh) đến giá trị tối đa.

Giá trị tối đa áp dụng với nhà máy điện mặt trời là giá phát điện của Nhà máy điện mặt trời chuẩn được xác định theo phương pháp quy định tại Điều 4, Điều 5 và Điều 6 Thông tư này.

Giá trị tối đa áp dụng với nhà máy điện gió là giá phát điện của Nhà máy điện gió chuẩn được xác định theo phương pháp quy định tại Điều 7, Điều 8 và Điều 9 Thông tư này.

eco-1665122464.jpg
Xây dựng khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió dựa trên 3 nguyên tắc. (Nguồn ảnh: esolars.vn)

Quy định ttrình tự xây dựng, thẩm định và ban hành khung giá phát điện:

Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực, chủ đầu tư các Nhà máy điện mặt trời mặt đất, Nhà máy điện mặt trời nổi đã ký hợp đồng mua bán điện trước ngày 01/01/2021 và các Nhà máy điện gió trong đất liền, Nhà máy điện gió trên biển đã ký hợp đồng mua bán điện trước ngày 01/11/2021 có trách nhiệm cung cấp báo cáo nghiên cứu khả thi hoặc thiết kế kỹ thuật cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Trên cơ sở tài liệu quy định, Tập đoàn Điện lực Việt Nam được quyền thuê tư vấn thực hiện lựa chọn bộ thông số, tính toán, xây dựng khung giá phát điện của Nhà máy điện mặt trời chuẩn theo quy định tại Điều 4, Điều 5 và Điều 6 Thông tư này và Nhà máy điện gió chuẩn theo quy định tại Điều 7, Điều 8 và Điều 9 Thông tư này.

Trong thời hạn 45 ngày kể từ khi Thông tư này có hiệu lực, Tập đoàn Điện lực Việt Nam có trách nhiệm xây dựng khung giá phát điện của Nhà máy điện mặt trời mặt đất, Nhà máy điện mặt trời nổi, Nhà máy điện gió trong đất liền, Nhà máy điện gió trên biển theo quy định gửi Cục Điều tiết điện lực thẩm định.

Về trình tự thẩm định khung giá phát điện: Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ tính toán khung giá phát điện quy định tại Điều 11 Thông tư này, Cục Điều tiết điện lực có trách nhiệm kiểm tra chi tiết nội dung hồ sơ, tính đầy đủ và hợp lệ của hồ sơ trình duyệt.

Trường hợp hồ sơ không đầy đủ hoặc không hợp lệ, Cục Điều tiết điện lực có trách nhiệm gửi văn bản yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam bổ sung, sửa đổi hoặc giải trình làm rõ các nội dung trong hồ sơ trình duyệt.

Trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ tính toán khung giá phát điện hợp lệ, Cục Điều tiết điện lực có trách nhiệm thẩm định khung giá phát điện theo phương pháp quy định tại Thông tư này.

Trường hợp cần thiết, Cục Điều tiết điện lực tổ chức lấy ý kiến tư vấn của chuyên gia độc lập hoặc lấy ý kiến đối với khung giá thông qua Hội đồng tư vấn do Bộ Công Thương quyết định thành lập.

Chậm nhất 10 ngày làm việc kể từ ngày có kết quả thẩm định khung giá phát điện, Cục Điều tiết điện lực có trách nhiệm hoàn thiện hồ sơ trình Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt khung giá phát điện áp dụng cho các loại hình nhà máy nêu trên và thực hiện thủ tục công bố trên trang thông tin điện tử của Bộ Công Thương và Cục Điều tiết điện lực.

Hồ sơ đề nghị phê duyệt khung giá điện bao gồm:

- Tờ trình, tính toán của Tập đoàn Điện lực Việt Nam về giá phát điện các Nhà máy điện mặt trời chuẩn, Nhà máy điện gió chuẩn.

- Bảng thông số và các tài liệu tính toán giá phát điện cho các Nhà máy điện mặt trời chuẩn, Nhà máy điện gió chuẩn theo quy định tại Điều 4, Điều 7 và Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.

- Các tài liệu liên quan đến các thông số tính toán giá phát điện của các Nhà máy điện mặt trời mặt đất, Nhà máy điện mặt trời nổi, Nhà máy điện gió trong đất liền, Nhà máy điện gió trên biển.

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 25/11/2022.

Khánh Ngân