Trước sự hiện hữu ngày càng rõ nét những hậu quả về suy thoái môi trường, thời gian gần đây trên thế giới đang xuất hiện nhiều sáng kiến mới về mô hình phát triển bền vững, nền kinh tế xanh và chính sách tăng trưởng xanh. Theo các chuyên gia kinh tế và môi trường, để tiếp tục duy trì những thành quả tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới đòi hỏi Việt Nam phải chuyển đổi mô hình tăng trưởng hiện nay sang một mô hình mới hiệu quả hơn, mà tăng trưởng xanh được coi là một mô hình thích hợp để Việt Nam lựa chọn.
Việt Nam cũng thể hiện quyết tâm theo đuổi mô hình tăng trưởng phát triển thân thiện với môi trường. Từ năm 2012 Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, và năm 2014 ban hành Chương trình hành động Chiến lược tăng trưởng xanh giai đoạn 2014-2020, với 66 hành động. Nhóm nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) đã đề xuất một số kiến nghị chính sách nhằm thúc đẩy quá trình thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh tại Việt Nam.
Thứ nhất, Chính phủ cần đưa ra mục tiêu cụ thể, triển khai các biện pháp tạo sức ép cũng như khuyến khích và giám sát chặt chẽ quá trình thực hiện mục tiêu nhằm giảm cường độ tiêu hao năng lượng của các ngành năng lượng, giao thông vận tải, sắt thép, dệt sợi, giấy trong thời gian tới.
Thứ hai, nghiên cứu và triển khai các chính sách, đặc biệt về thuế và tín dụng để tái cơ cấu nền kinh tế, thay đổi mô hình tăng trưởng theo hướng khuyến khích đổi mới, cải tiến, nâng cấp công nghệ, đa dạng hóa ngành nghề, phát triển các ngành có giá trị gia tăng cao và tiêu hao năng lượng thấp.
Thứ ba, cần nghiên cứu phương án xóa bỏ trợ cấp giá điện cho sản xuất công nghiệp.
Thứ tư, phải tăng cường phối hợp giữa các cơ quan bộ ngành trong quá trình triển khai thực hiện chính sách tăng trưởng xanh, trong đó nhấn mạnh vai trò tích cực và chủ động của cơ quan điều phối và giám sát thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh như Bộ Kế hoạch & Đầu tư.
Thứ năm, cần đẩy mạnh các nghiên cứu đánh giá tác động đa mục tiêu của các chính sách tăng trưởng xanh để thiết kế những bước đi và chính sách phù hợp.
Công nghệ là chìa khóa cho nền kinh tế xanh
Kinh tế xanh, tăng trưởng xanh đang là xu hướng phát triển chung ở nhiều quốc gia trên thế giới, kể cả những nước đang phát triển. Chuyển sang mô hình tăng trưởng xanh, Việt Nam đang phải đối mặt với những khó khăn nhất định. Bởi vậy, để đạt được mục tiêu vể Chiến lược Tăng trưởng xanh trong thời gian tới, Việt Nam cần triển khai giải pháp thúc đẩy doanh nghiệp phát triển bền vững, nâng cao năng lực thị trường dịch vụ hỗ trợ tăng trưởng xanh.
Trong những năm qua, chất lượng môi trường của Việt Nam đang ngày càng xuống cấp. Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức lớn về môi trường như rừng, đa dạng sinh học bị tàn phá; tài nguyên khoáng sản bị khai thác cạn kiệt và sử dụng kém hiệu quả; tình trạng ô nhiễm nguồn nước, không khí, chất thải ngày một tăng và trở nên bức bối.
Theo số liệu điều tra của Tổng cục Thống kê, trên 95% doanh nghiệp Việt Nam thuộc loại nhỏ và siêu nhỏ, vốn ít, nguồn nhân lực nghiên cứu phát triển thiếu về số lượng, yếu về chất lượng nên không đủ khả năng tự tiến hành nghiên cứu triển khai hoặc đổi mới công nghệ.
Cũng theo điều tra gần đây của Bộ khoa học & Công nghệ, khoảng 80 - 90% máy móc và công nghệ sử dụng trong các doanh nghiệp Việt Nam là nhập khẩu và 76% từ thập niên 80 - 90 của thế kỉ trước; 75% máy móc và trang thiết bị đã hết khấu hao. Điều này cho thấy, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ gặp phải nhiều thách thức nếu đi theo con đường tăng trưởng xanh đã được thông qua.
Tăng trưởng xanh đòi hỏi nguồn lực không nhỏ để đầu tư cải tiến công nghệ, thực hiện các dự án đầu tư xanh, trong khi nguồn lực trong nước của Việt Nam rất hạn chế. Theo tính toán ban đầu của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, để đạt được mục tiêu đề ra của chiến lược tăng trưởng xanh về giảm cường độ phát thải đến năm 2025, Việt Nam cần tới 30 tỷ đô la. Đây quả thực là một thách thức lớn khi nguồn lực ngân sách nhà nước rất hạn chế, lại phải chi cho nhiều mục tiêu khác nhau.
Chính vì vậy, thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh do đó không thể chỉ dựa vào nguồn lực ngân sách hạn hẹp mà phải huy động nguồn vốn của hệ thống ngân hàng, khu vực tư nhân, đặc biệt là nguồn đầu tư nước ngoài cùng với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế./.