Tóm tắt
Kết quả nghiên cứu cho thấy nhu cầu vốn này từ hoạt động canh tác cà phê chất lượng cao và hữu cơ đòi hỏi chi phí về phân bón, thuốc trừ sâu, và máy móc lớn hơn canh tác cà phê thông thường. Với diện tích đất canh tác cà phê là 1,6 ha, hộ đang có nhu cầu vốn vay hàng năm để canh tác khoảng 38-42 triệu đồng.
Do đó cần có ngân hàng thương mại cho vay vốn đầu tư, vốn kinh doanh khi các hộ này cần nguồn vốn để nhập hàng với số lượng lớn nhằm cung cấp dịch vụ vật tư cho vùng sản xuất. Ngoài ra, đối với các hộ dân trồng cà phê, thì nguồn lực tài chính vi mô sẽ có lợi hơn vì các mức vay vốn của nhóm hộ dân này chỉ trong mức 10 triệu đồng và mức độ cho vay và kế hoạch trả nợ của các hộ dân được kiểm soát tốt.
Abstract
This study was conducted to find out the current situation of demand and credit supply capacity for coffee producers in Mai Son district, Son La province. The results of the study show that this capital requirement from organic and high-quality coffee farming requires higher costs in terms of fertilizers, pesticides, and machinery than conventional coffee farming. With an area of 1.6 hectares of land for coffee cultivation, the household is in need of an annual loan to cultivate about VND 38-42 million. Therefore, there is a need for commercial banks to lend investment capital and business capital when these households need capital to import goods in large quantities to provide services and materials for production areas. In addition, for coffee growing households, microfinance resources will be more beneficial because the loan levels of this group of households are only in the range of 10 million dong and the level of loans and repayment plans of these households. households are well controlled.
1. Giới thiệu
Tài chính vi mô (microfinance - MF) từ lâu đã được xem là công cụ hiệu quả trong phát triển kinh tế khu vực, địa phương (Thường, 2013). Trong các hoạt động sản xuất nông nghiệp, để có khả năng kinh doanh tốt cũng như tạo ưu thế và quy mô kinh doanh phù hợp, người nông dân cần có nhiều vốn để đầu tư (Hùng và cộng sự, 2013; Khôi, 2013). Việc tìm hiểu nhu cầu vay vốn của hộ cũng như khả năng cung cấp tín dụng cho các hộ là cơ sở để các nhà hoạch định chính sách có thể đề ra các giải pháp phát triển hệ thống tín dụng vi mô phù hợp, góp phần thúc đẩy năng lực sản xuất của các hộ.
Mai Sơn là một huyện miền của tỉnh Sơn La. Tổng diện tích tự nhiên là 143 nghìn ha, trong đó, tổng diện tích đất nông nghiệp chiếm 71,2%; diện tích đất lâm nghiệp chiếm 43,8%; diện tích đất phi nông nghiệp chiếm 3,8%; đất chưa sử dụng chiếm 24,9%. Tổng sản phẩm (GRDP) của Sơn La năm 2020 tăng 4,3% so với năm 2019. Về cơ cấu kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 22,28%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 33,44%; khu vực dịch vụ chiếm 38,11%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 6,17%. Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tiếp tục mở rộng; giá trị sản xuất tăng bình quân 11,3%/năm. Diện tích cây ăn quả đạt 9.893 ha; sản lượng quả ước đạt 41.500 tấn (Cục Thống kê Mai Sơn, 2020).
Cây cà phê lần đầu được biết đến tại Mai Sơn vào những năm 1980. Hiện nay huyện Mai Sơn có khoảng 3.858 ha đất trồng cà phên chiếm 1/3 diện tích trồng cà phê của toàn tỉnh. Với điều kiện đất đai à khí hậu phù hợp, cây cà phê đã đem lại lợi nhuận khá ổn định nên những hộ nông dân sở hữu đất đai phù hợp tại Mai Sơn dần chuyển sang trồng cà phê. Tuy nhiên hiện nay các chính sách về hỗ trợ tín dụng để liên kết, phát triển sản xuất và kinh doanh cà phê chưa thực sự hiệu quả. Việc sản xuất còn nhỏ lẻ và manh mún. Một trong những nguyên nhân của vấn đề này là do các hộ dân còn thiếu nguồn lực về tín dụng nên khả năng phát triển, mở rộng sản xuất còn yếu.
2. Phương pháp nghiên cứu
Nghiên cứu phỏng vấn sâu, phỏng vấn nhóm, thăm gia đình các hộ trồng cà phê. Thêm vào đó, chúng tôi thực hiện chi tiết hơn việc tìm hiểu về thời điểm khó khăn, nhu cầu tín dụng của họ.
Số liệu được thu thập từ: (1) Nơi cung cấp giống và phân bón tại các bản, xã; (2) Đại diện hộ trồng cà phê-phụ nữ trong gia đình; (3) Người thu mua trong địa phương; (4) Vận tải, vận chuyển; (5) Cơ sở, nhà máy chế biến, xuất khẩu. Những thông tin như tên, tuổi, giới tính của người được phỏng vấn được ghi chép và dùng để phân tích dưới sự cho phép của họ.
3. Sản xuất cà phê tại huyện Mai Sơn
Hiện HTX Cà Phê Mai Sơn có hơn 1800 hộ thành viên, liên kết. HTX đi theo hướng phát triển sản phẩm chất lượng cao, organic, chú trọng xuất khẩu qua các thị trường Đức, Nhật, Mỹ. Hiện HTX có 15 hộ, tổng diện tích đất canh tác khoảng 20ha, đang trồng cà phê theo hướng hữu cơ, có liên kết và giám sát chặt chẽ theo tiêu chuẩn quốc tế (VietGAP, UTZ, chứng nhận tăng trưởng xanh toàn cầu,...). Với các hộ còn lại, HTX định hướng canh tác cà phê chất lượng cao, tuyển chọn theo chất lượng thu hoạch. Trung bình mỗi năm HTX chỉ thu mua được khoảng 30 40% tổng sản lượng cà phê do 2 lý do: (1) nguồn lực của HTX có hạn; (2) không mua cà phê không đạt chuẩn. Về nhu cầu vay vốn, giám đốc HTX cho biết các hộ trong liên kết của HTX đều có nhu cầu vay vốn, khoảng trên dưới 100 triệu. Nhu cầu vốn này đến từ hoạt động canh tác cà phê chất lượng cao và hữu cơ đòi hỏi chi phí về phân bón, thuốc trừ sâu, và máy móc sơ chế lớn hơn canh tác ca phê thông thường. Trong quá trình sản xuất, HTX sẽ hộ trợ người dân về giống, phân bón và các kỹ thuật canh tác qua các liên kết như cho mua nợ, đảm bảo chất lượng giống phân, và các chương trình tập huấn hướng dẫn và cấp các chứng chỉ cần thiết.
Bên cạnh đó, nhóm cũng tiến hành điều tra khảo sát những đầu mối tại những HTX, một trong những tác nhân trong chuỗi giá trị nông sản tại Mai Sơn. Trong số các hộ, hiện có khoảng 30 hộ đã được cấp giấy chứng nhận xanh toàn cầu. Về cơ bản, các hộ đều có kinh nghiệm và kiến thức trong canh tác, trưởng nhóm hộ và HTX sẽ giám sát hoạt động của các hộ theo sổ ghi chép. Các sản phẩm đầu vào cho canh tác như phân vi sinh hữu cơ,... các hộ có 2 lựa chọn: (1) mua của các đại lý trong vùng, không có liên kết, tùy theo giá thị trường; (2) mua của HTX, có thể trả luôn hoặc nợ theo lãi suất ngân hàng. Ngoài ra, các hộ trong bản cũng sử dụng vỏ cà phê để ủ làm phân bón sạch, nhưng lượng này chỉ chiếm khoảng 50% lượng phân bón cần thiết cho mỗi vụ. Về đầu ra, các hộ ưu tiên bán cho HTX nếu đủ tiêu chí về chất lượng và các quy định về canh tác do HTX thu mua với giá cao hơn bên ngoài. Nhưng thông thường, HTX cũng chỉ thu mua được khoảng 40% sản lượng của nông hộ.
Đối với nhu cầu vay vốn, hiện tại, hầu hết tất cả các hộ nông dân đều vay vốn. Trong đó, 90% lượng vay đến từ ngân hàng nông nghiệp và ngân hàng chính sách, 10% là vay cá nhân. Các khoản vay thế chấp của nông hộ giao động từ 50 đến 200 triệu đồng; với các khoản tín chấp là khoảng 20 triệu. Với các hộ vay ngoài ngân hàng, lượng vay thường giao động từ 50-100 triệu, lãi suất rất cao, khoảng 1.5-2%/tháng.
3.2 Các nông hộ có tiếp cận được vốn tín dụng
Đối với hoạt động canh tác cà phê, hộ nông nghiệp canh tác theo lối truyền thống, thông thường, không canh tác sản phẩm chất lượng cao, sản phẩm organic, hay làm theo các tiêu chuẩn về phương thức canh tác quốc tế như UTZ. Đặc biệt, khác với các hộ nông dân khác đã được hỏi, do có số lượng nhân khẩu cao, hộ nông dân này chủ động làm giống chứ không mua ngoài. Hộ nông dân cũng không tham gia vào hợp tác xã mà chỉ tham gia sản xuất theo nhóm hộ cùng với anh chị em họ hàng xung quanh. Sản lượng cà phê vào một năm được mùa của hộ giao động từ 20-25 tấn quả tươi; tương ứng với khoảng 6 tấn quả khô (24-30% tỷ lệ chuyển đổi).
Về tình hình vay vốn, hiện tại, với diện tích đất canh tác cà phê là 1.6ha, hộ đang có nhu cầu vốn vay hàng năm để canh tác khoảng 38-42 triệu, trong đó: 17 triệu cho các loại phân bón bao gồm phân hóa học, phân NPK, phân chuồng, v.v.; 1 triệu được sử dụng cho thuốc trừ sâu; 20-25 triệu cho nhân công thu hái. Với nhu cầu vốn hàng năm như vậy, hộ nông dân đang vay vốn từ các nguồn như: Ngân hàng Nông nghiệp và Ngân hàng chính sách và các cá nhân.
4. Khả năng cung ứng tín dụng cho các tác nhân
4.1 Tổ chức tài chính vi mô
Chức năng của tổ chức tín dụng vi mô bao gồm cho vay người dân, nhận tiền tiết kiệm, trả lãi suất, và thu nợ. Hiện tại, hơn 90% các khoản vay là vay ngắn hạn với giá trị vay 10 triệu. Với mỗi khoản vay thuộc bất cứ loại nào, người dân đều được yêu cầu mở tài khoản tiền gửi tiết kiệm đối ứng. Theo chu kỳ 2 tuần 1 lần, người dân gửi các khoản tiền nhỏ vào khoản tiết kiệm này và không được rút ra cho đến khi trả hết nợ. Sau khi trả nợ thành công, khoản tiết kiệm sẽ được hoàn trả lại người dân với lãi suất tiền gửi đã được niêm yết.
Lợi thế của tín dụng vi mô là các cán bộ trong phòng giao dịch đều có mối quan hệ rất tốt, thân thiết với người dân. Điều này giúp cho phòng giao dịch thực hiện được hai mục đích: thứ nhất là kiểm soát rủi ro cho vay thông qua việc nắm bắt được tâm lý và mục đích sử dụng vốn vay của người dân; thứ hai là tạo uy tín để thu hút thêm hoạt động vay-gửi. Khi vay tại tín dụng vi mô người dân phải cam kết tiền gửi vào quỹ tín dụng với số tiền tùy vào các hộ có thể tích lũy trong tuần hay tháng. Số tiền đối với quỹ tín dụng vừa tạo nên khích lệ người dân tham gia để có quỹ tiết kiệm, vừa là một phần tài sản đảm bảo của người dân đối với quỹ tín dụng. Trong những năm gần đây, tỷ lệ người dân không thể trả nợ quỹ tín dụng là rất ít. Tín dụng vi mô cho vay vốn không cần thế chấp tài sản nên được người dân sản xuất nông nghiệp khó khăn lựa chọn. Còn đối với những hộ đã phát triển, họ sẽ vay các ngân hàng thương mại.
Đối với trường hợp quá thời gian cho vay, phía quỹ tín dụng sẽ ra hạn thêm 10 ngày đối với hộ. Còn sau 10 ngày nếu hộ dân chưa trả hết thì quỹ sẽ tiến hành tính thêm lãi cho các khoản vay hiện có.
4.2. Phân tích điểm mạnh, điểm yếu của các đơn vị cung cấp tài chính
Bảng 1. Phân tích SWOT của các đơn vị cung cấp tài chính ở huyện Mai Sơn
Điểm mạnh a. Ngân hàng thương mại, nông nghiệp, chính sách: • Vốn lớn, đa dạng, khoản vay lớn • Có một số hỗ trợ từ chính phủ • Lãi suất thấp b. Tài chính vi mô: • Linh hoạt • Nắm rõ khách hàng • Thủ tục nhanh gọn |
Cơ hội a. Ngân hàng thương mại, nông nghiệp, chính sách: • Đa dạng khách hàng • Có thêm hỗ trợ từ chính phủ • Lãi suất cạnh tranh b. Tài chính vi mô: • Chính phủ có sự quan tâm hơn • Mở rộng nhiều khách hàng hơn • Thủ tục nhanh gọn |
Điểm yếu a. Ngân hàng thương mại, nông nghiệp, chính sách: • Kém linh hoạt • Không sát với khách hàng • Thủ tục hành chính rườm rà b. Tài chính vi mô: • Vốn nhỏ, khoản cho vay nhỏ • Ít được hỗ trợ từ chính phủ • Lãi suất cao |
Thách thức a. Ngân hàng thương mại, nông nghiệp, chính sách: • Chi phí quản lý lớn • Không kiểm soát được khách hàng • Rủi ro nợ xấu cao b. Tài chính vi mô: • Khó đa dạng khách hàng lớn • Chi phí cao do lãi suất cao
|
5. Một số đề xuất chính sách cho các tổ chức tài chính
Đối với nhóm cung cấp vật tư đầu vào cho sản xuất thì cần có ngân hàng thương mại cho vay vốn đầu tư, vốn kinh doanh khi các hộ này cần nguồn vốn để nhập hàng với số lượng lớn nhằm cung cấp dịch vụ vật tư cho vùng sản xuất.
Đối với các hộ dân trồng cà phê, thì nguồn lực tài chính vi mô sẽ có lợi hơn vì các mức vay vốn của nhóm hộ dân này chỉ trong mức 10 triệu đồng và bên cạnh đó mức độ cho vay và kế hoạch trả nợ của các hộ dân được kiểm soát tốt nhờ các thành viên của tài chính vi mô cùng sinh sống tại khu vực đó. Những nhân viên này sẽ nắm rõ các tình hình sản xuất, hoạt động kinh tế của các hộ dân để đưa ra những nhận định cụ thể về khả năng tài chính của hộ./.
1. Cục Thống kê Mai Sơn (2020), Tình hình kinh tế, xã hội Sơn La năm 2020.
2. Hùng, Nguyễn Mạnh, Nguyễn Thanh Hùng, và Nguyễn Bá Tường. "Các nhân tố ảnh hưởng đến nhu cầu tín dụng chính thức của các nông hộ ở huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế”. Hue University Journal of Science (HU JOS) 86.8 (2013).
3. Khôi, Phan Đình. "Các nhân tố ảnh hưởng đến tiếp cận tín dụng chính thức và phi chính thức của nông hộ ở Đồng bằng sông Cửu Long." Tạp chí khoa học Trường Đại học Cần Thơ 28 (2013): 38-53.
4. Thường, Võ Khắc. "Tài chính vi mô tại một số nước trên thế giới và bài học kinh nghiệm nhằm han chế đói nghèo tại Việt Nam." Tạp chí Phát triển và Hội nhập 9 (19) (2013): 16-21.