Nhờ nhu cầu sử dụng tăng cao trên thế giới mở ra cơ hội cho ngành chè Việt Nam

Mức tăng trưởng của ngành chè ngày càng cao do lối sống thay đổi và tăng nhận thức của người tiêu dùng về việc uống chè có lợi cho sức khỏe. Tuy nhiên, để có thể nắm giữ được thị phần chè trên thế giới, sản phẩm chè cũng có nhiều thay đổi để phù hợp với nhu cầu thị trường.
che-den-1710775233.jpg
Mức tăng trưởng của ngành chè ngày càng cao do lối sống thay đổi và tăng nhận thức của người tiêu dùng. Ảnh minh họa

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu chè của Việt Nam trong tháng 2/2024 đạt 5.283 tấn với trị giá thu về hơn 8,2 triệu USD, giảm 57,4% về lượng và giảm 60,7% về trị giá so với tháng trước đó.

Tính chung 2 tháng đầu năm, Việt Nam đã thu về 29,2 triệu USD với 17.653 tấn chè, tăng 30,6% về lượng và tăng 29,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Giá xuất khẩu bình quân đạt 1.652 USD/tấn, giảm nhẹ 0,7% so với cùng kỳ.

Về thị trường, trong tháng 2, xuất khẩu chè sang các thị trường chính như Pakistan, Đài Loan (Trung Quốc) và Nga đều giảm so với tháng 1. Nhìn chung giá xuất khẩu trung bình của mặt hàng chè sang phần lớn thị trường dao động quanh mức 1.300 - 1.600 USD/tấn. Tuy nhiên Việt Nam vẫn ghi nhận một số thị trường có giá xuất khẩu trung bình cao hơn hẳn so với các thị trường khác.

Cụ thể, Pakistan vẫn là thị trường xuất khẩu chè lớn nhất của Việt Nam với 5.479 tấn chè, trị giá hơn 10,8 triệu USD, tăng 2,9% về lượng và tăng 16,2% về trị giá so với tháng 1/2023. Giá xuất khẩu đạt 1.987 USD/tấn, tăng 12,8% so với cùng kỳ.
Đài Loan (Trung Quốc) là thị trường lớn thứ 2 trong tháng 2 tháng đầu năm 2024. Nước ta xuất sang thị trường này 1.847 tấn chè và thu về 2,84 triệu USD, tăng 21,8% về lượng và tăng 16,2% về kim ngạch so với cùng kỳ. Giá xuất khẩu đạt 1.539 USD/tấn, giảm 4,6%.

Đứng thứ 3 là thị trường Nga, trong 2 tháng, quốc gia này nhập khẩu 1.031 tấn chè từ Việt Nam, tương đương hơn 1,6 triệu USD, giảm 18,2% về lượng và 22,2% về giá trị so với cùng kỳ. Giá xuất khẩu đạt 1.570 USD/tấn, giảm 4,8% so với cùng kỳ.

Trong khi xuất khẩu sang các thị trường chủ đạo ghi nhận xu hướng giảm hoặc tăng nhẹ thì khu vực châu Âu lại xuất hiện thị trường đẩy mạnh thu mua, trong đó có Ba Lan. Theo đó, xuất khẩu chè sang Ba Lan trong tháng 2/2024 tăng 37,8% về lượng và tăng 93,5% về kim ngạch. Lũy kế 2 tháng đầu năm, nước ta xuất khẩu 180 tấn chè, thu về 273.441 USD từ Ba Lan, tăng 195% về lượng và tăng 277% về giá trị, chiếm tỷ trọng hơn 1% trong tổng sản lượng xuất khẩu.

che-1710775233.jpg
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, hiện cả nước có 120.000 ha diện tích trồng chè. Ảnh minh họa

Về diện tích trồng chè hiện nay của Việt Nam, theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, hiện cả nước có 120.000 ha diện tích trồng chè. Cả nước có 257 doanh nghiệp chế biến chè quy mô công nghiệp, tổng công suất theo thiết kế 5.200 tấn búp tươi/ngày, sử dụng 220.000 lao động sản xuất ra gần 200.000 tấn sản phẩm mỗi năm.

Trong hoạt động chế biến chè, một số doanh nghiệp đã đầu tư dây chuyền công nghệ chế biến hiện đại, sản xuất theo hướng đa dạng hóa sản phẩm cho nên giá trị từng bước được nâng cao.

Tuy nhiên trên thực tế, sản xuất chè ở Việt Nam còn nhiều yếu kém. Việc áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt cũng như sản xuất theo hướng hữu cơ đã được triển khai từ nhiều năm qua nhưng đến nay vẫn đạt tỉ lệ còn thấp; quản lý chất lượng giống và các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây chè ở một số địa phương còn lỏng lẻo, chế tài xử lý còn nhiều khó khăn.

Trong khi đó, theo nghiên cứu của nghiên cứu từ Research and Markets cho thấy, thị trường chè toàn cầu dự kiến sẽ đạt 37,5 tỷ USD vào năm 2025. Mức tăng trưởng của ngành chè ngày càng cao do lối sống thay đổi và tăng nhận thức của người tiêu dùng về việc uống chè có lợi cho sức khỏe. Với lợi thế về sản xuất, Việt Nam nắm trong tay kho "vàng xanh” quý hiếm, tăng cơ hội chiếm lấy một phần trong “miếng bánh” 37,5 tỷ USD.

Do đó, để tận dụng được cơ hội đó, theo các chuyên gia, ngành chè cần tập trung nâng cao năng suất, chất lượng. Đầu tư có trọng điểm vào công tác chế biến sâu, đặc biệt là các sản phẩm chè sau chế biến có chất lượng cao, mang lại giá trị kinh tế lớn để hình thành ngành công nghiệp chế biến chè tiên tiến tại Việt Nam. Cùng với đó, cần xây dựng chiến lược khai thác những rừng chè hàng ngàn năm tuổi ở nước ta. Đây là một lợi thế lớn để tạo dựng hình ảnh, xây dựng thương hiệu trà cao cấp Việt Nam./.

Đông Nghi