Nhiều tín hiệu tích cực về xuất khẩu chè trong đầu năm 2024

Trong tháng 1/2024, xuất khẩu chè của Việt Nam đạt gần 12.000 tấn, trị giá hơn 21 triệu USD.
san-xuat-che-thai-nguyen-6-1708920661.jpg
Người dân hái những búp chè Thái Nguyên. Ảnh minh họa

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tháng 1/2024, xuất khẩu chè của Việt Nam đạt 12.398 tấn, trị giá hơn 21 triệu USD, giảm 9,7% về lượng và 10% về trị giá so với tháng trước nhưng tăng khoảng 85% cả về lượng và trị giá so với cùng kỳ 2023.

Về giá xuất khẩu trung bình, tháng 1/2024, giá xuất khẩu chè trung bình của Việt Nam đạt 1.694 USD/tấn, tương đương so với giá xuất khẩu trung bình hồi tháng 1/2023 nhưng giảm nhẹ 3% so với giá xuất khẩu trung bình cả năm 2023.

Còn  về thị trường xuất khẩu, trong tháng 1/2024, chè Việt Nam đã xuất khẩu sang 16 thị trường, giảm 1 thị trường so với tháng 1/2023 (Philippines), và giảm 3 thị trường so với cả năm 2023, gồm Philippines, Kyrgyzstan và Kuwait.

Trong đó, Pakistan tiếp tục là thị trường xuất khẩu chè lớn nhất của Việt Nam, chiếm 36,7% trong tổng lượng và chiếm 43,7% trong tổng kim ngạch chè xuất khẩu của cả nước, với 4.556 tấn, tương ứng gần 9,2 USD, tăng 33% về lượng và 52% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Pakistan cũng là thị trường có mức giá xuất khẩu chè trung bình tương đối cao (2.013 USD/tấn), cao hơn so với giá xuất khẩu trung bình của mặt hàng chè.

Đứng thứ hai là thị trường Đài Loan (Trung Quốc). Với mức tăng trưởng khoảng 87% cả về lượng và trị giá xuất khẩu, đạt 928 tấn, trị giá gần 1,4 triệu USD, Đài Loan đã tăng 1 hạng trong bảng xếp hạng các thị trường xuất khẩu chè lớn nhất của Việt Nam.

Vị trí thứ ba thuộc về Mỹ với tổng lượng chè xuất khẩu đạt 913 tấn, tương đương kim ngạch đạt hơn 1,2 triệu USD, tăng 191% về khối lượng và gần gấp đôi về trị giá so với cùng kỳ.

Theo Hiệp hội Chè Việt Nam (Vitas), nhìn chung giá xuất khẩu trung bình của mặt hàng chè sang phần lớn thị trường dao động quanh mức 1.300 - 1.600 USD/tấn. Tuy nhiên Việt Nam vẫn ghi nhận một số thị trường có giá xuất khẩu trung bình cao hơn hẳn so với các thị trường khác.

Đây là một trong những tín hiệu tốt của ngành chè khi trong năm 2023, theo số liệu của Hải quan Việt Nam xuất khẩu chè Việt Nam đạt 121.000 tấn, trị giá 211 triệu USD, lần lượt giảm 17% và 11% so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, 2023 là năm có sản lượng xuất khẩu thấp nhất 7 năm.

Theo Cục Chất lượng Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), nguyên nhân khiến hoạt động xuất khẩu chè của Việt Nam giảm mạnh do nhu cầu thế giới yếu và các quy định nhập khẩu ngày càng khắt khe tại các thị trường chính. Bên cạnh đó, chủng loại chè xuất khẩu của Việt Nam đa phần ở dạng thô, hàm lượng chế biến thấp.

Do đó, để đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường lớn trên thế giới, ngành chè Việt Nam phải đẩy mạnh sản xuất chè theo hướng an toàn; khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất chè ứng dụng công nghệ cao, chú trọng tăng nhanh tỷ trọng những sản phẩm có giá trị cao và sản phẩm mới.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần đầu tư vào chế biến sâu các sản phẩm như chè ô long, chè lên men, hồng trà, bạch trà, chè ướp hương thơm từ các loại hoa... Các địa phương cần thúc đẩy sản xuất chè theo hướng an toàn; khuyến khích nhân dân sản xuất chè ứng dụng công nghệ cao, sinh học, sản xuất nông nghiệp hữu cơ; hỗ trợ liên kết sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm./.

Hương Lan