Lào Cai tích cực mở rộng diện tích cây chè

Cây chè là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh nên ngoài việc mở rộng diện tích, các địa phương đã tập trung nâng cao chất lượng, gia tăng sản lượng, từ đó nâng cao thu nhập cho người trồng chè.

Được biết, trên địa bàn tỉnh hiện có trên 10 doanh nghiệp, hợp tác xã thu mua, sản xuất, chế biến chè. Ngoài việc tiêu thụ theo các kênh nội tiêu trên địa bàn tỉnh và các tỉnh khác, sản phẩm chè của tỉnh Lào Cai còn xuất khẩu sang các nước Trung Đông, thị trường châu Âu, Mỹ, Canada, Trung Quốc.

Hiện nay, tổng diện tích chè toàn tỉnh có hơn 7 nghìn ha chè. Trong đó diện tích chè kinh doanh gần 5000 ha. Ngành nông nghiệp Lào Cai khuyến cáo trồng chè khi đất đủ ẩm, sau khi có mưa trời râm mát, thời vụ tốt nhất từ đầu tháng 8 và kết thúc xong trong tháng 10.

dsc-12841-1655217471.jpg
Công ty TNHH Chè Đại Hưng chính là chè xanh và chè Ô long đã được công nhận là sản phẩm OCOP.

Riêng tại huyện Mường Khương tiếp tục mở rộng vùng trồng chè đến các xã Pha Long, Dìn Chin, Tả Gia Khâu. Ở các vùng trồng chè, người dân có thu nhập khá, sản lượng chè được các nhà máy thu mua, bước đầu hình thành chuỗi sản xuất ổn định.

Tính đến hết năm 2021, người dân trong huyện đã trồng được gần 600 ha chè, đạt 165% kế hoạch giao, tập trung tại 15/16 xã, thị trấn. Đến nay, toàn huyện Mường Khương hiện có gần 4.000 ha chè, trong đó gần 3.000 ha chè kinh doanh. Chè là cây hàng hóa chủ lực của huyện Mường Khương, chỉ tính trong năm 2020, cây chè mang lại giá trị hơn 100 tỷ đồng.

Trong thời gian tới, huyện Mường Khương còn tiếp tục mở rộng vùng trồng chè, thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển, giải bài toán thoát nghèo cho các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao. Bên cạnh đó, cây chè đang được tỉnh Lào Cai quy hoạch tập trung thành từng vùng trọng điểm, tạo thuận lợi cho việc đầu tư sản xuất hàng hóa quy mô lớn, quản lý chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu. 

279371225-1708008099552850-3732952737885953935-n3-1655217496.jpg
Cây xóa đói giảm nghèo ở Lào Cai.

Hằng năm, các địa phương trong tỉnh Lào Cai đã chủ động tuyên truyền, vận động tổ chức triển khai kế hoạch trồng chè đến các xã và người dân; chuẩn bị cây giống có chất lượng tốt, bảo đảm cung ứng kịp thời cho nhân dân; tăng cường công tác quản lý nhà nước về sản xuất, kinh doanh giống, vật tư phân bón trong vùng nguyên liệu nhằm xây dựng vùng chè an toàn.

Các chính sách hỗ trợ được triển khai kịp thời, hiệu quả, góp phần xóa đói, giảm nghèo. Các doanh nghiệp thực hiện tốt việc quản lý, phát triển vùng nguyên liệu và bao tiêu sản phẩm chè búp tươi ổn định theo hợp đồng, tạo niềm tin cho các gia đình mở rộng diện tích trồng chè. Một số hộ dân vùng chè huyện Bát Xát, Bảo Yên, Mường Khương TP Lào Cai… còn chủ động tìm kiếm thị trường tiêu thụ và đứng ra bao tiêu sản phẩm cho nhân dân trong vùng.

dsc-13011-1655217512.jpg
Theo kế hoạch xã Lương Sơn, huyện Bảo Yên đang hướng tới cho bà con dân bản trồng và chăm sóc 100% diện tích chè theo tiêu chuẩn hữu cơ.

Đại diện Lãnh đạo Sở NN - PTNT Lào Cai cho biết, tỉnh tiếp tục tăng cường công tác quản lý về giống, vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong vùng nguyên liệu; rà soát, quản lý quy hoạch hiệu quả với mục tiêu vùng nguyên liệu được sản xuất theo hướng tập trung; đẩy mạnh thâm canh tăng năng suất chè, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng thời, chú trọng tuyên truyền đến người dân lợi ích của việc trồng chè; thực hiện tốt liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; tập huấn nâng cao năng lực của người dân trong sản xuất và tiếp cận thông tin thị trường.

dsc-12911-1655217528.jpg
Cây chè đã giúp cho bà con các dân tộc ở Lào Cai đổi đời.

Ngoài ra, các công ty, doanh nghiệp cần có kế hoạch quản lý, phát triển vùng nguyên liệu và thu mua nguyên liệu chè búp tươi cho nông dân; công khai giá bán, chia sẻ hài hòa lợi ích với người trồng chè; đầu tư nâng cấp dây chuyền chế biến sâu sản phẩm chè khô; thay đổi mẫu mã, bao bì đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng; tăng cường công tác quảng bá xúc tiến thương mại tìm kiếm thị trường tiêu thụ.

Thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 26/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, chè là một trong những cây hàng hóa chủ lực của tỉnh. Theo kế hoạch phát triển, trong năm 2022, người dân các địa phương Bảo Yên, Mường Khương, Bảo Thắng và Bắc Hà sẽ mở rộng thêm 860 ha chè. Về cơ cấu giống chè, chủ yếu sử dụng giống chè Shan, giống chè chất lượng cao (Kim Tuyên, Thúy Ngọc và Ôlong, Thanh Tâm…), Shan cổ thụ và một số giống chè lai.