Nhiều tín hiệu tích cực cho tăng trưởng kinh tế dịp cuối năm

Mặc dù còn nhiều khó khăn song số lượng và giá trị đơn hàng của nhiều doanh nghiệp tăng từ 20-40% so với thời điểm đầu năm.
1921-doanh-nghiep-1696404719.jpg
Nhiều tín hiệu tích cực cho tăng trưởng kinh tế cuối năm. Ảnh minh họa

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, hoạt động sản xuất kinh doanh trong quý 3/2023 tăng trưởng tích cực hơn quý trước, tốc độ tăng giá trị tăng thêm ngành công nghiệp ước đạt 4,57% so với quý 3/2022, mức tăng này đã phản ánh sự phục hồi trở lại của ngành sản xuất trong nước.

Theo đó, tận dụng giai đoạn nước rút, nhiều doanh nghiệp đang dồn tốc lực để tăng tốc nhằm cán đích mục tiêu đã đề ra. Điều này được thể hiện rõ nhất ở lĩnh vực xuất khẩu rau quả và các mặt hàng nông sản, hải sản. Rau quả 9 tháng ước đạt 4,2 tỷ USD, tăng 71,8% (riêng tháng 9 tăng 160%). Hạt điều ước đạt 2,6 tỷ USD, tăng 14,3% (tháng 9 tăng 39,6%) và gạo ước đạt 3,65 tỷ USD, tăng 40,4% (tháng 9 tăng 80,4%).

Bên cạnh đó, kể từ tháng 8 đến nay, đơn hàng của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu rau quả và các mặt hàng nông sản, hải sản đã phục hồi từ 20-40% so với thời điểm đầu năm khi các nhà mua hàng tăng mua trở lại để phục vụ nhu cầu cuối năm, lễ Tết. Niềm vui đến với các doanh nghiệp xuất khẩu khi nhu cầu đơn hàng từ thị trường Mỹ, New Zealand đang tăng nhanh với số lượng lớn.

Trước những tín hiệu khả quan hơn cho các tháng cuối năm, khi nhu cầu hàng hóa ở các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam tăng lên để chuẩn bị cho các mùa lễ hội, mua sắm..., nhiều doanh nghiệp sản xuất đang đẩy mạnh các giải pháp nhằm "chen chân" lấy lại thị phần xuất khẩu ở các thị trường chủ lực.

Mặc dù tăng trưởng kinh tế Việt Nam được nhận định đang dần bứt tốc, lạm phát phát vẫn trong tầm kiểm soát (mục tiêu 4,5%) với CPI 9 tháng đầu năm tăng 3,16% so với cùng kỳ năm trước, nhưng các chuyên gia cho rằng vẫn còn nhiều áp lực từ bối cảnh kinh tế quốc tế, đặc biệt lạm phát và mặt bằng lãi suất trên thế giới cũng mới chỉ có dấu hiệu bắt đầu hạ nhiệt, do đó tốc độ phục hồi của nền kinh tế Việt Nam vẫn sẽ đối mặt không ít thách thức.

Do đó, để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tại Diễn đàn về kinh tế mới đây, ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký, Trưởng Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, xúc tiến thương mại là một trong những giải pháp tốt nhất để các doanh nghiệp có thể khai thác tối đa từng cơ hội có được để đẩy mạnh xuất khẩu.

Đặc biệt, ông Tuấn nhấn mạnh, cần giảm thiểu mọi rào cản, khó khăn cho các nhà xuất khẩu, nhất là những chính sách liên quan đến rào cản kĩ thuật, thủ tục hải quan... sẽ có tác động lớn và trực tiếp đến các ngành xuất khẩu chủ lực như nông sản, dệt may, da giày, đồ gỗ.

Đồng thời, đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cần phải tận dụng được những chỉ dấu thuận lợi và vượt qua được những thách thức vẫn còn đeo bám. Đặc biệt là cần đáp ứng được các điều kiện, yêu cầu khắt khe và vừa phải phòng ngừa được các yếu tố rủi ro trên thị trường xuất khẩu. Chẳng hạn như việc tuân thủ quy chuẩn và tiêu chuẩn sản phẩm của nước ngoài, đây là một trong những rào cản thương mại phổ biến nhất cần lưu tâm.

Đông Nghi