Số liệu mới nhất do Tổng cục Thống kê công bố cho biết, tính đến thời điểm 20/9/2023, tổng phương tiện thanh toán tăng 4,75% so với cuối năm 2022 (cùng thời điểm năm trước tăng 2,49%).
Huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 5,8% trong khi cùng thời điểm năm trước tăng 4,04%. Tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 5,73%, thấp hơn rất nhiều so với mức tăng trưởng cùng thời điểm năm trước là 10,54%.
Trước đó, thông tin tại Hội nghị Kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp, trên địa bàn thành phố Hà Nội (ngày 21/9), bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho biết, ngay từ đầu năm, NHNN đã định hướng tăng trưởng tín dụng cả năm 2023 khoảng 14-15% (cao hơn tăng trưởng các năm trước), có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.
Tuy nhiên, mức tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đến nay vẫn thấp so với cùng kỳ các năm trước, nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ các yếu tố khách quan như cầu đầu tư, sản xuất kinh doanh, tiêu dùng giảm; một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn, nhất là nhóm DNNVV; tác động từ khả năng hấp thụ tín dụng của nhóm bất động sản.
Bên cạnh đó, sau thời gian kinh tế gặp khó khăn, mức độ rủi ro bị đánh giá cao hơn, khi hoạt động của doanh nghiệp khó chứng minh hiệu quả (chi phí đầu vào, nguyên vật liệu nhập khẩu cao, thị trường đầu ra, đơn hàng, doanh thu giảm...), các TCTD rất khó khăn trong quyết định cho vay do không hạ được chuẩn tín dụng để đảm bảo an toàn hệ thống.
Về điều hành giảm lãi suất để hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, bà Giang cho biết, NHNN đã liên tục điều chỉnh giảm 4 lần các mức lãi suất điều hành với mức giảm 0,5-2,0%/năm, trong bối cảnh lãi suất thế giới tiếp tục tăng và neo ở mức cao.
“Đến nay, mặt bằng lãi suất thị trường đã có xu hướng giảm với lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới giảm khoảng hơn 1,0% so với cuối năm 2022”, bà Giang cho biết.
Bên cạnh đó, NHNN thực hiện nhiều biện pháp để giảm lãi suất cho vay như khuyến khích TCTD tiết giảm chi phí để ổn định mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh, đồng thời, có nhiều văn bản chỉ đạo và làm việc trực tiếp với các TCTD để đề nghị tiếp tục triển khai các biện pháp để giảm lãi suất tiền gửi; tiếp tục triển khai các giải pháp để giảm lãi suất cho vay đối với các khoản vay đang còn dư nợ hiện hữu và các khoản vay mới (phấn đấu mức giảm lãi suất tổi thiểu từ 1,5-2%/năm). Đến nay, các TCTD cam kết tổng tiền lãi được giảm khoảng 19.000 tỷ đồng.
Đối với lĩnh vực bất động sản (BĐS), NHNN đã chỉ đạo và yêu cầu các TCTD tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư dự án BĐS, người mua nhà tiếp cận tín dụng khi đáp ứng đầy đủ điều kiện cấp tín dụng theo quy định; xem xét cấp tín dụng đối với cả chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng, người mua nhà và các đơn vị sản xuất cung cấp vật tư, vật liệu xây dựng để tăng khả năng luân chuyển vốn và thanh khoản cho thị trường BĐS; Khẩn trương có văn bản hướng dẫn các nội dung chính về lãi suất, thời gian ưu đãi để triển khai chương trình 120.000 tỷ đồng phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết 33 của Chính phủ.