Nhiều rào cản kỹ thuật đòi hỏi nông dân và doanh nghiệp chủ động nắm bắt các quy định mới

Nông dân và doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu nông sản cần chủ động nắm bắt các quy định mới của các nước nhập khẩu, như quy định của EU về các loại các sản phẩm không được phá rừng, đồng thời các quy định về mã số vùng trồng đúng theo quy định, đủ điều kiện xuất khẩu bền vững, mang lại giá trị kinh tế cao.

Nội dung trên được ông Hoàng Trung, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến cáo tại Hội nghị “Sơ kết sản xuất trồng trọt năm 2024; triển khai kế hoạch năm 2025 vùng Đông Nam bộ, Duyên hải Nam Trung bộ, Tây Nguyên và phổ biến Nghị định số 112 của Chính phủ quy định chi tiết về đất trồng lúa” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức vào ngày 23/10 tại TP. Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận).

quy-dinh-xuat-khau-nong-san-1-1729689952.jpg
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Hoàng Trung chỉ đạo tại hội nghị.

Sản xuất nông nghiệp thắng lợi cả về năng suất, sản lượng và giá trị

Hội nghị do Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Hoàng Trung; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Hồng Hải; Cục trưởng Cục Trồng trọt Nguyễn Như Cường đồng chủ trì.

Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo các tỉnh vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ; các doanh nghiệp, hiệp hội, tổ chức quốc tế, cùng lãnh đạo các sở, ngành có liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Bình Thuận.

Tại hội nghị, đại diện Cục Trồng trọt cho biết, về lúa gạo, vùng Tây Nguyên, Đông Nam bộ, Duyên hải Nam Trung bộ có diện tích gieo trồng ước đạt 1 triệu ha; năng suất trên 60 tạ/ha, tăng 0,37 tạ/ha; sản lượng 6,2 triệu tấn, tăng 15.600 tấn so với năm 2023.

Về cây ăn quả, tổng diện tích toàn vùng trên 410.000ha, bằng 32,6% tổng diện tích cả nước. Riêng việc tái canh cà phê tại Tây Nguyên cơ bản đạt được kế hoạch đề ra. Tổng diện tích tái canh từ năm 2014 đến nay đạt 180.000ha, góp phần tăng năng suất cà phê 19% so với thời điểm bắt đầu tái canh.

quy-dinh-xuat-khau-nong-san-3-1729689933.jpg
Hội nghị “Sơ kết sản xuất trồng trọt năm 2024; triển khai kế hoạch năm 2025 vùng Đông Nam bộ, Duyên hải Nam Trung bộ, Tây Nguyên và phổ biến Nghị định số 112 của Chính phủ quy định chi tiết về đất trồng lúa”.

Hội nghị đã nghe nhiều ý kiến thảo luận, đánh giá các kết quả, bài học kinh nghiệm trong sản xuất trồng trọt năm 2024 và những thuận lợi, khó khăn trong sản xuất; kinh nghiệm chỉ đạo sản xuất trước tình hình hạn hán, xâm nhập mặn, mưa lũ những năm qua tại vùng Duyên hải Nam Trung bộ.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Hồng Hải cho biết, hội nghị được tổ chức tại Bình Thuận là cơ hội để tỉnh kết nối tiêu thụ các sản phẩm đặc trưng, lợi thế sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu vào các hệ thống phân phối, các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ đầu mối của các tỉnh trong vùng.

quy-dinh-xuat-khau-nong-san-2-1729690038.jpg
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Hồng Hải phát biểu tại hội nghị.

Bình Thuận mong muốn được phối hợp với các tỉnh đẩy mạnh phát triển lĩnh vực nông nghiệp theo hướng bền vững, nhất là ứng dụng công nghệ cao. Thời gian tới, lãnh đạo UBND tỉnh mong muốn Bộ Nông nghiệp và PTNT, các tỉnh vùng tiếp tục quan tâm, hỗ trợ và tạo điều kiện để ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn của Bình Thuận phát triển, góp phần thúc đẩy cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Tuân thủ theo các quy trình về canh tác bảo quản chế biến nhằm thúc đẩy xuất khẩu

Theo Cục trồng trọt, bên cạnh những thuận lợi, sản xuất nông nghiệp trong năm 2024 diễn ra trong điều kiện thời tiết không thuận lợi, khắc nghiệt của nắng nóng và hạn hán kéo dài. Mặc dù đã chủ động ứng phó nhưng sản xuất nông nghiệp tại 19 tỉnh, thành trong vùng vẫn bị ảnh hưởng do biến đổi khí hậu gây ra. Toàn vùng đã có hơn 2.900 ha lúa và 6.517 ha cây lâu năm, cây công nghiệp cùng hang nghìn ha cây hoa màu bị ảnh hưởng do thiếu nước tưới. Ngoài ra, sản lượng một số cây ăn trái như: bơ, vải, sầu riêng giảm mạnh do thời tiết.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thống nhất với địa phương vùng Đông Nam Bộ, Duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên tiếp tục quyết tâm thực hiện thắng lợi trong sản xuất nông nghiệp năm 2025. Trước mắt, hoàn thành mục tiêu vụ Đông xuân 2024 - 2025 tập trung gieo trồng cho hơn 40 nghìn ha lúa; đảm bảo sản lượng đạt 2,6 triệu tấn.

Để tổ chức sản xuất vụ Đông Xuân 2024- 2025 toàn vùng đảm bảo thắng lợi, mang lại giá trị kinh tế cao và nâng cao thu nhập cho bà con nông dân, ông Hoàng Trung, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu cần có sự phối hợp nhịp nhàng, sự vào cuộc nhiệt tình của các cơ quan quản lý Nhà nước, các đơn vị nghiên cứu, các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng.

Vụ lúa Đông Xuân 2024- 2025 toàn vùng có tổng diện tích hơn 400.000ha, các địa phương căn cứ vào hướng dẫn để sản xuất, bảo đảm đúng theo thời vụ, cơ cấu giống và các điều kiện khác như nguồn nước, vật tư nông nghiệp.

quy-dinh-xuat-khau-nong-san-4-1729690090.jpg
Các đại biểu tham dự hội nghị.

Riêng đối với cây ăn trái, ông Hoàng Trung đề nghị các địa phương tiếp tục chăm sóc và đặc biệt là tuân thủ theo các quy trình về canh tác, quy định của các nghị định thư mà chúng ta đã ký kết để xuất khẩu.

Các địa phương tiếp tục đẩy mạnh liên kết sản xuất cây trồng theo chuỗi, sản xuất gắn với hợp đồng bao tiêu sản phẩm; rà soát nguồn lực cung ứng giống cây trồng, phân bón đảm bảo chất lượng... đáp ứng nhu cầu nông dân và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng.

Các địa phương cần rà soát, đánh giá, duy trì các điều kiện cần thiết để có các mã số vùng trồng đúng theo quy định, đủ điều kiện xuất khẩu bền vững, mang lại giá trị kinh tế cao.

Thứ trưởng đề nghị các địa phương, đơn vị tăng cường giám sát, đánh giá, thanh tra, kiểm tra mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói xuất khẩu và nội địa; tiếp tục hướng dẫn các địa phương đánh giá, giám sát và cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói cho các đối tượng cây trồng phục vụ cho các thị trường xuất khẩu; chủ động, tăng cường xúc tiến thương mại nhằm tiêu thụ kịp thời các sản phẩm nông sản nói chung và cây trồng nói riêng. Đồng thời tăng cường chỉ đạo phát triển liên kết sản xuất, ứng dụng cơ giới hóa, bảo quản chế biến nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, phát huy cây trồng lợi thế…

Ông Trung nói: "Vấn đề chúng ta phải quan tâm hiện nay là các quy định mới của các nước nhập khẩu, như quy định của EU về các loại các sản phẩm không được phá rừng. Bộ cũng đã có hướng dẫn chỉ đạo và yêu cầu các tỉnh trồng cà phê lớn, đặc biệt là ở Tây Nguyên phải tuân thủ và thực hiện đúng các quy định của họ, để bảo đảm liên tục xuất khẩu và không bị dừng, bị ngắt quãng xuất khẩu".

Ngoài ra, các địa phương tiếp tục phổ biến, tuyên truyền và tổ chức thực hiện tốt Nghị định 112/2024/NĐ-CP quy định chi tiết về đất trồng lúa và các văn bản hướng dẫn Luật Đất đai khác liên quan đến lĩnh vực trồng trọt./.

Bình Nguyên