Hà Tĩnh: Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025

Xác định rừng đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế bền vững. Do đó, tỉnh Hà Tĩnh đang tích cực triển khai các biện pháp quản lý, bảo vệ rừng, đặc biệt trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán, thời điểm nguy cơ xâm hại rừng và cháy rừng thường gia tăng.
350925583-265624379311545-4156626172009763651-n-1735786729.jpg
Hà Tĩnh tăng cường công tác quản lý, BVR trước trong và sau tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Hà Tĩnh có 359.366 ha rừng và đất lâm nghiệp, phân bố trên địa bàn 12 huyện, thị xã, thành phố (chiếm trên 60% diện tích tự nhiên). Trong đó: Đất có rừng 314.955ha (rừng tự nhiên 217.276ha; rừng trồng 97.679ha); đất chưa có rừng 44.411ha, tỷ lệ che phủ rừng là 52,58%. Toàn tỉnh đã giao 322.711ha rừng và đất lâm nghiệp cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân quản lý, chiếm 90% (21 chủ rừng tổ chức/254.183ha và gần 25.400 hộ gia đình, cộng đồng dân cư/70.765ha); diện tích chưa giao đang do UBND xã quản lý 36.656ha, chiếm 10%.

Thời gian qua, công tác quản lý, bảo vệ rừng, bảo vệ động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục được cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp, các ngành chức năng, các đơn vị chủ rừng chủ động triển khai thực hiện có hiệu quả. Nhận thức, ý thức, trách nhiệm của toàn xã hội về công tác bảo vệ rừng, bảo vệ động vật hoang dã có nhiều chuyển biến tích cực.

Các hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh năm 2024 giảm cả về số vụ, quy mô và diện tích rừng bị thiệt hại. An ninh - môi trường rừng được giữ vững ổn định. Để tiếp tục tăng cường thực hiện có hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng,  bảo vệ động vật hoang dã trên địa bàn, nhất là thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025, vừa qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã kịp thời tham mưu UBND tỉnh ban hành Văn bản số 7954/UBND-NL4 ngày 25/12/2024 chỉ đạo các sở, ngành, địa phương, đơn vị chủ rừng thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp.

Theo đó, đối với các đơn vị chủ rừng trên địa bàn tỉnh phải thực hiện nghiêm túc trách nhiệm bảo vệ rừng theo quy định của Luật Lâm nghiệp. Tập trung kiểm tra, rà soát, xác định các khu vực rừng trọng điểm có nguy cơ xâm hại cao để xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả kế hoạch bảo vệ rừng trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025. Chủ động lực lượng, phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng, chính quyền địa phương tăng cường tuần tra, kiểm tra, thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng tại gốc. Phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật.

Tổ chức thực hiện có hiệu quả các nội dung phương án quản lý rừng bền vững giai đoạn 2021 - 2030 của đơn vị đã được phê duyệt. Đối với các đơn vị chủ rừng chưa được phê duyệt Phương án quản lý rừng bền vững, khẩn trương hoàn thiện trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt để tổ chức thực hiện. Hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng năm 2024, chủ động xây dựng và thực hiện kế hoạch năm 2025. Chủ rừng nào để xảy ra vi phạm Luật Lâm nghiệp trên lâm phần được giao quản lý mà không phát hiện, xử lý, báo cáo kịp thời thì Thủ trưởng đơn vị đó phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh và trước pháp luật.

17337289497943-1735786703.jpg
Nhiều diện tích đất rừng được giao cho các hộ dân phát huy hiệu quả.

Đối với UBND các huyện, thành phố, thị xã, tiếp tục quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Kết luận số 61-KL/TW ngày 17/8/2023 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; các chương trình, kế hoạch, văn bản của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh. Nêu cao tinh thần, trách nhiệm, thực hiện tốt chức năng quản lý Nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn; chỉ đạo UBND cấp xã, các chủ rừng kiểm tra, rà soát xác định các vùng rừng tự nhiên trọng điểm có nguy cơ xâm hại cao để tập trung chỉ đạo, thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng tại gốc, tuyệt đối không để rừng bị xâm hại.

Chỉ đạo các ngành chức năng, chính quyền địa phương tăng cường phối hợp kiểm tra, giám sát các chủ rừng thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng tại gốc, nhất là đối với diện tích rừng tự nhiên hiện có; các chương trình, dự án có liên quan đến rừng và đất lâm nghiệp; các cơ sở kinh doanh, chế biến lâm sản; bảo vệ động vật hoang dã,..; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật lâm nghiệp (kể cả việc khai thác, mua bán các loài thực vật rừng ngoài gỗ có nguồn gốc từ rừng tự nhiên để làm cảnh trái phép). Rà soát các vụ việc còn tồn đọng liên quan đến rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn để tập trung xử lý dứt điểm. Địa phương nào để xảy ra vi phạm Luật Lâm nghiệp trên lâm phần được giao quản lý mà không phát hiện, xử lý và báo cáo kịp thời thì Chủ tịch UBND cấp huyện phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh và trước pháp luật.

Đối với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị chủ rừng triển khai thực hiện nghiêm túc trách nhiệm của chủ rừng theo quy định của Luật Lâm nghiệp và các nội dung chỉ đạo của UBND tỉnh tại Mục 1 nêu trên, nhất là xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả kế hoạch bảo vệ rừng trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025.

Chỉ đạo lực lượng Kiểm lâm tham mưu chính quyền địa phương các cấp thực hiện tốt chức năng quản lý Nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn; chủ động phối hợp với các ngành chức năng, chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch tuần tra, kiểm tra, truy quét tại các khu vực rừng tự nhiên trọng điểm có nguy cơ xâm hại cao, các khu vực thường xẩy ra tình trạng săn bắt, mua bán động vật hoang dã, chim tự nhiên di cư…; phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp trên địa bàn; xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình Phát triển lâm nghiệp bền vững năm 2025 đảm bảo kịp thời, sát thực tế; xây dựng kế hoạch và tổ chức phát động có hiệu quả “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” nhân dịp Xuân Ất Tỵ năm 2025.

trong-rung-6-1735786782.jpg
Bên cạnh công tác BVR, công tác trồng và phát triển rừng tại Hà Tĩnh luôn được chú trọng.

Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật lâm nghiệp; chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường phối hợp chặt chẽ với lực lượng Kiểm lâm, chính quyền địa phương, chủ rừng tổ chức lực lượng tuần tra, kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp, chống người thi hành công vụ; thực hiện nghiêm túc quy chế phối hợp giữa các đơn vị đã ký với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Kiểm lâm. Chủ động sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư kịp thời ứng cứu các tình huống khẩn cấp về cháy rừng khi có yêu cầu.

Các cơ quan truyền thông cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về quản lý bảo vệ và phát triển rừng, quản lý, bảo vệ động vật hoang dã; trách nhiệm của các cấp, các ngành, chủ rừng trong công tác bảo vệ và phát triển rừng; kịp thời nêu gương những tổ chức, cá nhân làm tốt, phê phán những hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp, chống người thi hành công vụ…

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các cơ quan đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội tăng cường tuyên truyền, vận động các đoàn viên, hội viên và Nhân dân tích cực tham gia công tác bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ động vật hoang dã; phối hợp với các cấp ủy đảng, chính quyền và các ngành chức năng kiên quyết đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật lâm nghiệp./.

Nguyễn Duyên