Thanh Hóa: Huy động gần 7,6 nghìn tỷ đồng cho Chương trình Nông thôn mới

Tỉnh Thanh Hóa dự kiến chi 7,6 nghìn tỷ đồng để thực hiện mục tiêu Quốc gia về xây dựng Nông thôn mới. Trong đó phấn đấu 1 huyện và 17 xã miền núi “cán đích” theo đúng kế hoạch.
ntm1-1708844743.jpg
Năm 2024, tỉnh Thanh Hóa dự kiến chi gần 7,6 nghìn tỷ đồng để xây dựng nông thôn mới.

Mới đây, UBND tỉnh Thanh Hóa vừa Ban hành Kế hoạch số 51/KH-UBND thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới (NTM) trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa năm 2024.

Theo đó, năm 2024, toàn tỉnh phấn đấu: Có thêm 01 huyện, 17 xã và 60 thôn/bản miền núi đạt chuẩn nông thôn mới; 02 huyện và 19 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 10 xã và 30 thôn/bản đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 120 sản phẩm OCOP được cấp có thẩm quyền công nhận.

Dự kiến nguồn vốn thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM năm 2024 là 7.507,44 tỷ đồng, trong đó ngân sách Nhà nước trực tiếp cho chương trình là 4.899,644 tỷ đồng, chiếm 65,26%; vốn lồng ghép là 681,500 tỷ đồng, chiếm 9,08%; vốn tín dụng 730,539 tỷ đồng, chiếm 9,73%; vốn doanh nghiệp, HTX 100,550 tỷ đồng, chiếm 1,34%; vốn huy động từ cộng đồng dân cư (bao gồm tiền mặt và giá trị ngày công lao động, vật tư, vật liệu, hiến đất) 1.095,207 tỷ đồng, chiếm 14,59% (không bao gồm kinh phí người dân tự chỉnh trang nhà ở dân cư).

Để hoàn thành mục tiêu theo kế hoạch, UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ngành và lãnh đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hoàn thành và hoàn thành vượt mức tất cả các mục tiêu, chỉ tiêu về xây dựng NTM năm 2024 được Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh giao.

ntm2-1708844852.jpg
Trong năm 2024, toàn tỉnh phấn đấu 1 huyện và 17 xã miền núi về đích nông thôn mới.

Tiếp tục, tăng cường thực hiện công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ và cư dân nông thôn về việc thực hiện Chương trình. Đẩy mạnh phát triển sản xuất, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, chú trọng thực hiện có hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Đối với kinh tế, Phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, giá trị gia tăng cao, thích ứng với biến đổi khí hậu. Chuyển mạnh tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.

Đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi các diện tích cây trồng kém hiệu quả sang cây trồng có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của từng địa phương.

Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại tập trung, ứng dụng công nghệ cao theo chuỗi giá trị, kiểm soát an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường, ổn định thị trường và giá cả sản phẩm, tạo vùng nguyên liệu cho các nhà máy chế biến… tăng cường công tác kiểm soát chất lượng vật tư, an toàn thực phẩm, sản phẩm đầu vào trong chăn nuôi.

Phát triển lâm nghiệp theo hướng nâng cao giá trị kinh tế rừng và phát triển bền vững, chuyển dịch cơ cấu rừng sản xuất theo hướng tăng cây đa tác dụng, đa mục tiêu, hiệu quả kinh tế cao; đẩy mạnh chế biến sâu các sản phẩm lâm nghiệp, phát triển vùng nguyên liệu gắn với cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC).

Phát triển nuôi trồng và khai thác thủy sản hiệu quả, bền vững; tăng cường công tác quản lý sản xuất, kinh doanh giống thủy sản, áp dụng nuôi trồng thủy sản theo tiêu chuẩn VietGAP; đẩy mạnh khai thác xa bờ gắn với bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, thực hiện đồng bộ các giải pháp, biện pháp chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Chương trình và thực hiện tốt công tác thi đua khen thưởng đối với tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc./.

Hà Khải