Nhiều đại biểu Quốc hội góp ý quy định về đấu giá và không đấu giá trong Dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản

Trong chương trình làm việc của kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, chiều 28/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Địa chất và khoáng sản. Nhiều đại biểu cho rằng, việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản mang lại hiệu quả cao, tăng thu cho Ngân sách Nhà nước nhưng tỷ lệ cấp phép khai thác thông qua đấu giá là rất thấp.
luat-khai-thac-khoang-san-4-1719580283.jpg
Quốc hội thảo luận về dự án Luật Địa chất và khoáng sản chiều 28/6.

Sử dụng hiệu quả tài nguyên khoảng sản của quốc gia

Phát biểu trong phiên thảo luận chiều 28/6, tại hội trường về dự án Luật Địa chất và khoáng sản, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM) vẫn chưa cảm thấy an tâm với quy định về đấu giá và không đấu giá trong Dự thảo. Đây cũng là nội dung nhiều chuyên gia lên tiếng vì cho rằng tỷ lệ xin - cho rất cao, ông nói trong phát biểu tại Quốc hội.

“Vì tôi thấy Điều 104 chúng ta nói đấu giá và không đấu giá, ví dụ khoáng sản năng lượng, khoáng sản phóng xạ... và ở khoản 2 điểm d thì trường hợp khác do Thủ tướng quyết định, song điểm e là trường hợp quy định tại khoản 5, khoản 5 lại là Chính phủ quy định chi tiết điều này”, ông dẫn chứng lý do.

Cụ thể, ông Nghĩa nói, đấu giá chủ yếu chúng ta đánh vào trị giá thương mại và đánh vào nguồn thu, còn không đấu giá mang ý nghĩa chiến lược và nó có thể rất hệ trọng, nhưng chúng ta không thể đem ra thương mại hóa và cho đấu giá tự do được. Vì vậy, việc không đấu giá và ấn định một thuế tài nguyên do chính sách về an ninh, quốc phòng hay về chiến lược có thể ấn định nó ở mức khác.

luat-khai-thac-khoang-san-3-1719580338.jpg
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM)

Đây cũng là nội dung đại biểu Trần Hữu Hậu (Tây Ninh) tập trung phát biểu. Nhắc lại báo cáo tổng kết 13 năm thực hiện Luật Khoáng sản năm 2010, đại biểu Trần Hữu Hậu nhắc đến tỷ lệ cấp phép khai thác thông qua đấu giá rất thấp. Đây là điều ông lo ngại khi chưa nhìn thấy nhiều sự thay đổi trong Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản đang được Chính phủ trình Quốc hội.

Dẫn trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh lý giải về tỷ lệ đấu giá thấp là do Bộ thực hiện theo đúng Nghị định 158/2016, quy định 7 trường hợp không đấu giá, đại biểu Hậu cho rằng, nếu không có sự thay đổi căn bản các quy định tại Nghị định 158, Bộ TN&MT cũng như các địa phương sẽ khó mà chuyển mạnh sang “Đấu giá quyền khai thác khoáng sản” hoặc có hình thức thực hiện phù hợp nhằm đảm bảo khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên khoảng sản của quốc gia.

“Khoản b, Điều 104 quy định khu vực không đấu giá quyền khai thác là khoáng sản được quy hoạch, là nguồn nguyên liệu cho các dự án chế biến ra sản phẩm công nghiệp theo quy hoạch khoáng sản. Quy định như thế là đúng nhưng chưa đủ. Quyền khai thác khoáng sản ở khu vực này cần được định giá phù hợp và đưa vào giá dự toán để tổ chức đấu thầu, thực hiện dự án chế biến ra sản phẩm công nghiệp. Như vậy, dù không đấu giá quyền khai thác khoáng sản nhưng ngân sách nhà nước sẽ giảm bớt thất thoát”, đại biểu Trần Hữu Hậu nêu thực tế.

luat-khai-thac-khoang-san-1-1719580402.jpg
Đại biểu Trần Hữu Hậu (đoàn Tây Ninh)

Đối với quy định hiện hành về các khu vực khoáng sản đã được cấp giấy phép thăm dò, hoặc giấy phép khai thác khoáng sản sẽ không phải đấu giá quyền khai thác, đại biểu Hậu cho rằng, quy định như vậy là hợp lý, nhất là trong điều kiện thăm dò khoảng sản hết sức khó khăn trước đây.

Tuy nhiên, đối với việc huy động các nguồn lực xã hội vào khai thác đối với các dự án khoáng sản đã được cấp phép, đại biểu lưu ý cần có quy định chặt chẽ để tránh tiêu cực. Cụ thể như đối với DN dùng quyền khai thác để liên doanh, liên kết, góp vốn đầu tư với DN khác trong triển khai khai thác, như vậy DN khác sẽ không cần đấu giá vẫn đương nhiên được khai thác.

“Với trường hợp này cần phải định giá quyền khai thác khoáng sản khi đưa vào góp vốn để tránh thất thoát tài sản của nhà nước. Thực tế cho thấy, việc định giá tài sản, định giá quyền sử dụng đất để đưa vào góp vốn mặc dù đã có những quy định cụ thể nhưng vẫn xảy ra nhiều vi phạm. Do đó, việc định giá quyền khai thác khoáng sản là rất cần thiết nhưng khá phức tạp, cần được nghiên cứu và quy định chặt chẽ, rõ ràng, minh bạch. Nhất thiết trong dự thảo Luật Địa chất khoảng sản lần này cần cần bổ sung 1 điều về định giá quyền khai thác khoáng sản”... đại biểu Trần Hữu Hậu góp ý.

Nên xây dựng bảng giá tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản

Nêu phương án quản lý về địa chất và khoáng sản được tích hợp vào quy hoạch tỉnh, bao gồm khu vực đăng ký khai thác khoáng sản nhóm IV, đại biểu Nguyễn Quốc Luận (đoàn Yên Bái) cho rằng, quy định như vậy là chưa hợp lý bởi vì theo quy định trong dự thảo Luật, khoáng sản nhóm IV chỉ phù hợp mục đích làm vật liệu san lấp; đất đá thải mỏ.

“Trong nhiều trường hợp, khoáng sản nhóm IV chỉ phát sinh nhu cầu khai thác trong quá trình thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình, hoặc phát sinh trong trường hợp thiết kế mỏ được thẩm định có khoáng sản nhóm IV trong bãi thải. Những dự án đầu tư xây dựng công trình có thời hạn, việc khai thác cũng diễn ra trong thời gian ngắn theo tiến độ thực hiện các công trình, dự án và cũng chỉ phục vụ cho công trình, dự án đó. Việc đưa khoáng sản nhóm IV vào đối tượng phải tích hợp trong quy hoạch tỉnh là không phù hợp thực tiễn, gây khó khăn cho các địa phương và các chủ dự án”, đại biểu Luận nêu.

luat-khai-thac-khoang-san-2-1719580520.jpg
Đại biểu Nguyễn Quốc Luận (đoàn Yên Bái)

Đối với quy định về một trong những cơ sở để tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản là giá tính thuế tài nguyên khoáng sản, đại biểu Nguyễn Quốc Luận lưu ý, bảng giá tính thuế tài nguyên khoáng sản của các địa phương do UBND cấp tỉnh quy định, phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác theo cơ chế thị trường. Do vậy cùng một loại khoáng sản nhưng sẽ không có sự đồng nhất về mức giá của giữa các địa phương, dẫn đến việc tính tiền cấp quyền khai thác đối với cùng một loại khoáng sản giữa các địa phương sẽ khác nhau.

Từ thực tế đó, đại biểu Nguyễn Quốc Luận đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc, xem xét không quy định sử dụng giá tính thuế tài nguyên khoáng sản làm căn cứ để tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản. Thay vào đó nên xây dựng bảng giá tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản cụ thể cho các loại khoáng sản khác nhau, áp dụng chung cho tất cả các địa phương để đảm bảo tính thống nhất trong thực hiện.

Phát biểu giải trình trước Quốc hội trong phiên làm việc chiều 28/6, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh nhấn mạnh quan điểm sử dụng hiệu quả nhất nguồn tài nguyên khoáng sản của quốc gia; đảm bảo được chiến lược về khoáng sản của quốc gia, an ninh về năng lượng quốc gia.

“Tôi rất thống nhất với các đại biểu là Nghị định 158 đưa ra 7 nội dung như vậy thì chúng ta sẽ rà soát lại, những nội dung nào đảm bảo vì lợi ích quốc gia, vì chiến lược như vậy, vì an ninh như vậy thì Chính phủ sẽ quy định. Nếu còn được nữa thì chúng ta tập trung để đấu giá, đảm bảo khai thác hiệu quả, sử dụng hiệu quả nhất và nguồn thu cao nhất. Tuy nhiên, tôi cũng đồng ý ý kiến đại biểu Trương Trọng Nghĩa rằng mặc dù là Tập đoàn Nhà nước, mặc dù không đấu giá nhưng các cơ quan được giao nhiệm vụ khai thác mỏ, vẫn nộp tiền quyền khai thác, vẫn nộp thuế tài nguyên bình thường, có nghĩa rằng chúng ta đấu giá để đảm bảo rằng lựa chọn được năng lực, lựa chọn được công nghệ, chứ không phải mỗi tiền, mỗi kinh phí thì vấn đề này rất hợp lý”./.

Bình Châu