Quốc hội quyết định giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường

Trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, căn cứ kết quả xin ý kiến đại biểu Quốc hội qua phiếu, Quốc hội quyết định sẽ giám sát tối cao chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành” trong năm 2025.

Chiều 8/6, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2025, với 466/467 tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 95,69% tổng số đại biểu Quốc hội).

quoc-hoi-giam-sat-bao-ve-moi-truong-1-1717905027.jpg
Các ĐBQH ấn nút biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2025.

Trước đó, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2025.

Trên cơ sở các ý kiến phát biểu tại hội trường và ý kiến của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo tổng hợp để báo cáo Quốc hội về kết quả lựa chọn chuyên đề giám sát và tiếp thu, giải trình ý kiến các vị đại biểu Quốc hội.

Căn cứ kết quả trên, Quốc hội quyết định sẽ giám sát tối cao chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành”; giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao” và báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10.

Về tiếp thu, giải trình ý kiến của các đại biểu Quốc hội, có ý kiến đề nghị bổ sung vào Chương trình giám sát năm 2025 việc xem xét các báo cáo về: (1) việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn, giám sát chuyên đề trong nhiệm kỳ qua; (2) việc thực hiện Nghị quyết số 31/2021/QH15 ngày 12/11/2021 của Quốc hội về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025; (3) báo cáo của Chính phủ về cải cách thủ tục hành chính; (4) báo cáo của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về kết quả giám sát đối với các cơ quan, đơn vị.

quoc-hoi-giam-sat-bao-ve-moi-truong-2-1717905067.jpg
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày báo cáo.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, căn cứ Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, trên cơ sở đề nghị của các cơ quan, ý kiến, kiến nghị của cử tri cả nước, dự kiến Chương trình giám sát năm 2025 tại Kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025) đã bao gồm nội dung (1) và (2) như đề nghị của đại biểu (điểm a khoản 2 Điều 1 của dự thảo Nghị quyết).

Riêng báo cáo của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về kết quả giám sát đối với các cơ quan, đơn vị, tiếp thu ý kiến của đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nghiên cứu lồng ghép nội dung này trong Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân để báo cáo Quốc hội tại mỗi kỳ họp.

Quốc hội giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao” và báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10.

Ngoài ra, tại Kỳ họp thứ 9 và Kỳ họp thứ 10, Quốc hội còn xem xét hàng loạt báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về kinh tế - xã hội, Công tác phòng, chống tham nhũng; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; một số công trình giao thông trọng điểm; chất vấn và trả lời chất vấn; kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri...

quoc-hoi-giam-sat-bao-ve-moi-truong-3-1717905015.jpg
Quốc hội quyết định sẽ giám sát tối cao chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành”. (Ảnh minh họa)

Quốc hội giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội chủ trì ban hành kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả nghị quyết này; chỉ đạo, điều hòa hoạt động giám sát của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; hướng dẫn Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội trong việc thực hiện hoạt động giám sát; chỉ đạo việc theo dõi, đôn đốc, tổng hợp kết quả thực hiện các kiến nghị sau giám sát; báo cáo kết quả thực hiện Chương trình giám sát của Quốc hội, làm cơ sở cho việc dự kiến Chương trình giám sát của năm tiếp theo, bảo đảm gắn kết giữa hoạt động giám sát với hoạt động lập pháp và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

“Tiếp tục đổi mới, giám sát đúng và trúng, chỉ rõ địa điểm, quy rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân và đề xuất sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật của Nhà nước” – nghị quyết của Quốc hội nêu rõ./.

Bình Châu